Hòa nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi' tôn vinh ngành y

0:00 / 0:00
0:00
Các ca sĩ: Thanh Lam, Đăng Dương, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Mỹ Anh tham gia Điều còn mãi 2022.
Các ca sĩ: Thanh Lam, Đăng Dương, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Mỹ Anh tham gia Điều còn mãi 2022.
TPO - Sau 2 năm gián đoạn vì COVID-19, Hoà nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2022- do Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo - trở lại với sự tham gia của các giọng ca nhiều thế hệ.

Nội dung của Điều còn mãi xuyên suốt là tình yêu quê hương đất nước. Hòa nhạc năm nay lấy chủ đề Khát vọng Việt Nam, ngoài một phần tôn vinh đội ngũ y bác sĩ sau những ngày dài chống dịch căng thẳng, chương trình thể hiện khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt khi đi qua gian khó: sống, hồi sinh và xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Với sự tham gia của nhạc sĩ Quốc Trung trong thành phần ban cố vấn, nội dung chương trình 2022 đã có những thay đổi khi bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng được phối khí, những ca khúc được sáng tác gần đây, được nhiều người trẻ yêu thích cũng được lựa chọn. Chẳng hạn, Con cò (Lưu Hà An) và Sống như những đóa hoa (Tạ Quang Thắng).

Các nhạc sĩ Trọng Đài, Quốc Trung, Trần Mạnh Hùng, Lưu Hà An, Lưu Quang Minh... tiếp tục được BTC tin tưởng giao phó việc phối khí các tác phẩm: Dáng đứng Việt Nam, Bài ca hy vọng, Hà Nội ngày trở về, Bài ca người chiến sĩ áo trắng và Hoa huệ trắng, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Đất nước tình yêu, Người là niềm tin tất thắng, Biển hát chiều nay, Em có nghe âm thanh ngày mới,...

Phần khí nhạc năm nay bao gồm: Se chỉ luồn kim (Trần Mạnh Hùng), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân, chuyển soạn cho dàn dây: Lê Bằng), Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng)...

Nhạc trưởng Lê Phi Phi đồng hành với Điều còn mãi nhiều năm qua. Năm nay anh còn tham gia cố vấn biên tập chương trình. Chia sẻ về hai tác phẩm của cha mình- nhạc sĩ Hoàng Vân- được trình diễn trong hòa nhạc năm nay, Lê Phi Phi nói: ''Bố tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác hai bài hát Bài ca người chiến sĩ áo trắngHoa huệ trắng về ngành y từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Người đã tạo cảm hứng cho bố tôi viết không phải nhân vật nhạc sĩ gặp khi đi thực tế sáng tác, mà chính là mẹ tôi, bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh".

Các cán bộ ngành y ở bài Bài ca người chiến sĩ áo trắng được ví với loài hoa đỗ quyên, vốn đã là loài hoa hiếm và tuyệt đẹp, thường mọc trên non cao. Hình ảnh thể hiện tình cảm trân quý tột cùng của tác giả và đối với những người chiến sĩ áo trắng thầm lặng.

Hai ca khúc này sẽ được vang lên trong Điều còn mãi 2022 dưới sự trình diễn của hai giọng nữ thính phòng Bùi Trang và Trần Trang cùng với hợp xướng nữ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới âm nhạc như NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Đào Tố Loan, Trần Trang, Trang Bùi, Mỹ Anh, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam...

Nói về sự xuất hiện của nhân tố trẻ Mỹ Anh trong một chương trình âm nhạc mang tính hàn lâm, ông Trịnh Tùng Linh- Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: "Thật ra khi một nghệ sĩ có tài vào môi trường nào họ cũng phát huy được, không cứ là phải kết hợp với dàn nhạc giao hưởng hay ban nhạc nhẹ. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội để dàn nhạc và các ca sĩ trẻ có thể kết hợp với nhau. Tôi hy vọng, cả hai phía sẽ có sự kết hợp nhuần nhuyễn, mang lại hiệu ứng tốt trước khán giả".

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập VietNamNet cho biết đang huy động thành lập quỹ để nuôi chương trình khỏi rơi vào tình trạng "ăn đong" hằng năm. Ông cũng nghĩ đến việc sẽ xây dựng Điều còn mãi thành chương trình bán vé trong tương lai. Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 được truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 14h ngày 2/9 từ Nhà hát Lớn Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.