Tiếp bài về phát âm của ca sĩ trẻ: Cần tôn trọng tiếng mẹ đẻ trước khi hát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngoài việc không chịu hát “tròn vành rõ chữ”, không khó để bắt các lỗi phát âm ngọng nghịu, lệch chuẩn trong sản phẩm chính thức của các ca sĩ trẻ, kể cả với những người đã được đông đảo khán thính giả biết đến.

LÀM HỎNG TIẾNG VIỆT

Trong một vài năm nay trở lại đây chúng ta thấy một hiện tượng phổ biến đang xảy ra và ngày một lan rộng: Ca sĩ nào cũng muốn tạo ra phong cách riêng. Lẽ ra cái riêng đó phải được hình thành bằng kỹ thuật thanh nhạc thì trái lại, nhiều ca sĩ lại học mót cách diễn đạt ca từ trong tiếng nước ngoài như nối chữ, nối âm, nối từ làm cho âm tiết bị nhòe đi. Họ quên mất rằng, bản sắc của mỗi ngôn ngữ dân tộc là hoàn toàn khác nhau.

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, vì vậy mỗi một âm tiết trùng với một từ, một hình vị. Rất nhiều âm tiết là những hình vị độc lập (từ đơn). Cho nên khi áp dụng thủ pháp nối âm của một số ngôn ngữ Âu châu vào thì chính các ca sĩ lại đang làm hỏng tiếng Việt. Thứ nhất nó làm lời hát bị nhòe đi, mất hết ý nghĩa, chỉ còn là một chuỗi âm thanh vô nghĩa. Tất cả các bài hát hay, ngoài âm nhạc, ca từ rất quan trọng vì nó chuyển tải ý nghĩa của từ của câu, trong đó chứa đựng cả tư duy văn hóa dân tộc.

Tiếp bài về phát âm của ca sĩ trẻ: Cần tôn trọng tiếng mẹ đẻ trước khi hát ảnh 1

Bài Buồn của anh được coi là một thảm họa về phát âm vẫn đạt hơn 180 triệu lượt xem trên YouTube

Nếu không biết tôn trọng tiếng mẹ đẻ thì đừng nói đến việc anh sẽ mang lại một giá trị thẩm mỹ, văn hóa mỗi khi ca hát. Âm nhạc phải làm giàu có, phong phú cho tâm hồn người nghe chứ không phải sử dụng những thủ pháp phi âm nhạc để trở nên cầu kỳ, rắc rối. Làm như thế chúng ta đã vi phạm nguyên tắc cơ bản trong biểu diễn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, ĐH KHXH&NV Hà Nội)

HÁT KHÔNG RÕ LỜI LÀ MỐT?!

Có bài như Hãy trao cho anh của Sơn Tùng- MTP tôi phải nghe đến lần thứ ba mới hiểu hết lời hát. Đấy là tôi cố gắng nghe đấy, nếu ngồi quán cà phê nghe lướt thì chịu. Ở vị trí người nghe, tôi thấy như thế là âm nhạc cũng chưa đạt được hiệu quả thẩm mỹ cần thiết. Do ca sĩ xử lý không tốt hoặc do người sáng tác đã tạo ra một thứ mà thanh nhạc không thể diễn tả được(?)

Nếu chỉ là người nghe bình thường thì tôi thấy không thiện cảm nhưng tôi nghĩ có nhiều người cũng chẳng quan tâm đến vấn đề đấy lắm, người ta nghe lấy nhạc thôi chứ cũng chẳng nghe lời. Cũng còn tùy nhận thức, lứa tuổi và gu âm nhạc của từng đối tượng nghe. Giới trẻ có xu hướng cứ bài nào của thần tượng ra sẽ nghe, bất kể hay dở. Họ quan tâm đến người hát hơn là bài hát. Họ đã áng chừng được kiểu nhạc, kiểu hát của thần tượng để thích ứng mà không thắc mắc gì nhiều.

Thế hệ bây giờ có vẻ cũng không quan tâm, cũng không quan trọng việc xử lý lời hát của ca sĩ. Chưa kể giờ âm nhạc hay được tiếp nhận qua MV, chỗ nào không hiểu đã có phụ đề nên là họ cứ kệ thôi.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thùy (Giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG HN)

MỚI - NÓNG