Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc loa phường Hà Nội rục rịch trở lại hoạt động hằng ngày gây bất ngờ và cả bất bình với cư dân. Nhất là những người từng có trải nghiệm suốt nhiều năm với loại hình thông tin ồn ào không lấy người nghe làm trung tâm này.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung: “Loa phường chỉ gây lãng phí”

Thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, tuyên truyền bằng loa phường chỉ lãng phí tiền của. Nếp quản lý như thế chưa 4.0 gì cả. Thiếu gì cách để truyền tin đến người dân. Gần như nhà nào cũng có điện thoại thông minh. Truyền hình, internet… phủ sóng từng nhà. Nhà nước cũng quản lý thông qua mạng xã hội, người dân nhận tin nhắn suốt. Đâm ra không cần loa phường.

Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử ảnh 1

Loa phường nên là ký ức đẹp trong đời sống đô thị Hà Nội Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Mọi người kêu ô nhiễm âm thanh là phải. Nhà tôi cách loa phường tầm 30m, nghe rõ lắm, đọc hết văn bản nọ văn bản kia “ong hết cả thủ”. Thông tin loa phường không bổ ích lắm, nội dung phát nhiều khi lại tùy hứng theo người điều khiển. Có lúc người ta cho cả nhạc theo sở thích của người ta. Bây giờ vấn nạn ô nhiễm âm thanh có chiều hướng tăng, người dân càng cần thư giãn tĩnh lặng.

Riêng loa phường xét cả khía cạnh quản trị xã hội lẫn văn hóa giáo dục, thông tin thiết yếu đến người dân đều mang lại lợi ích rất nhỏ so với sự phản cảm và nuôi cả đội ngũ tốn kém, không giải quyết được việc gì. Gần đây có ý kiến cho rằng nên dùng loa phường làm phương tiện để báo động, chống cháy… nhưng không ăn thua. Nhật Bản vẫn giữ hệ thống loa vì họ hay có thiên tai, động đất, sóng thần… còn ta thì mấy khi. Và họ cũng chỉ dùng loa khi cần thôi chứ không phát ra rả hằng ngày như ta.

Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử. Thời bao cấp mọi người chưa có điện thoại cá nhân, thiếu thông tin, cần lĩnh lương hưu hay sáng sớm cần báo hiệu tập thể dục. Chứ bây giờ mỗi người làm một giờ, nghỉ một giờ, đâu như xưa.

Ca sĩ, giảng viên Phạm Văn Giáp: “Loa phường chỉ nên để thông báo lịch tiêm phòng”...

Phải thật sự là những thông tin cấp bách, rất cần thiết cho chính người dân trong địa bàn thì hẵng phát. Người dân không cần bị dựng dậy từ 7h sáng để... nghe hát, chưa kể phát thanh viên có khi còn giới thiệu nhầm tên ca sĩ.

Loa phường đặt ở đầu dãy phố, cách nhà tôi hai căn, ngang tầm phòng ngủ, nghe rất rõ. Nhưng thường tôi chỉ nghe loáng thoáng, chả vào tai, vì mình có nhu cầu nghe đâu. Toàn tổng hợp trên báo, nhai đi nhại lại một tin từ ngày này qua ngày khác. Thông tin phải ngắn gọn cho người nghe hiểu ngay, đây cứ lan man. Làm cho người nghe khó chịu.

Hôm nào mưa gió còn bị lẫn sóng, phường này nghe bản tin của phường kia. Người đọc bản tin chắc không được đào tạo, tập huấn nên có khi đọc còn sai, ngắc ngứ, không hết câu, nhất là những văn bản mới như đợt dịch vừa rồi. Có lúc thông báo đi tiêm thì loa phường cũng chỉ nên dừng ở mức độ như thế thôi, không nên thường kỳ hằng ngày như đồng hồ báo thức. Kể cả lịch cắt điện, bây giờ tổ trưởng dân phố nhắn vào nhóm một cái là cả tổ biết luôn.

Giám tuyển, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Nên đối xử như di sản đô thị?

Tôi có 10 năm sống và vẽ trong khu tập thể ngay mặt phố Thanh Nhàn, nơi có khoảng hai cái loa phường chĩa trực tiếp vào. Tôi hiểu cảm giác đó. Tất nhiên nó cũng là một ám ảnh. Một ám ảnh như thế nhiều khi xuất hiện một cách lãng mạn qua lăng kính nghệ thuật.

Trong những lần đưa con đi học piano từ mười năm trước tôi đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu loa phường phát những âm thanh dễ chịu mà người ta muốn nghe hơn. Thứ nhạc mà mình cảm thấy nhiều người muốn nghe nhất nếu làm một bình chọn trong xã hội thì chính là nhạc vàng. Tôi muốn trộn hai thứ lại, giống như sự hòa giải. Một vài tác phẩm trong dự án tranh lụa vẽ loa phường phát ra tiếng nhạc vàng tôi đã triển lãm và dự kiến ra mắt toàn bộ vào cuối năm nay.

Đương nhiên mình không thể nào bảo loa phường là một quy luật bình thường được. Nếu xâu chuỗi lại, Việt Nam hay có những thứ đi ngược với quy luật phát triển chung. Quan sát với độ lùi sẽ thấy đó là những hiện tượng xã hội học thú vị. Cảm giác có phải mình vẫn sống trong tư duy hậu chiến hay không?! Nhiều người không đồng ý, không thích loa phường nhưng vẫn nghĩ nó có ý nghĩa trong phòng chống dịch chẳng hạn.

Ranh giới giữa không gian riêng tư và công cộng của mình thực ra bị xóa nhòa từ lâu. Người ta có thể nghiễm nhiên bắc loa ra cửa hát karaoke mà không cần biết hàng xóm nghĩ gì. Có khác gì loa phường đâu?! Những người hát karaoke bằng loa kéo cũng như những người tổ chức hệ thống loa phường chỉ đang nghĩ đến những gì tốt cho họ. Mình vẫn chưa có thói quen tôn trọng không gian riêng tư.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Không cần thiết có loa phường ở nội thành

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm “không cần thiết có hệ thống loa phường ở khu vực đông dân cư”.

“Khi triển khai một hoạt động như loa phường, chắc chắn chúng ta phải làm rõ những câu hỏi có liên quan như: Chúng ta thông tin gì? Thông tin cho ai? Hiệu quả như thế nào? Nguồn lực ở đâu để có thể làm thường xuyên liên tục? Đặc biệt là những tác động xã hội của hoạt động này. Đây không phải là những câu hỏi dễ trả lời và thuyết phục được đa số người dân Hà Nội”, ông nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng “không có lý do gì khiến chúng ta bắt buộc phải giữ lại hệ thống thông tin này ở những nơi không phù hợp, đặc biệt là không hợp với lòng dân”. Tất nhiên, tôi cũng đồng ý rằng, loa phường có thể không phù hợp với đô thị Hà Nội, nhưng với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống thông tin này vẫn có những giá trị nhất định. Vì thế, chúng ta càng không máy móc áp đặt chính sách cho mọi đối tượng, mọi vùng miền, để chính sách có sức sống, hiệu lực, hiệu quả trong chính cuộc sống rất đa dạng và phong phú này”, ông Sơn nêu.

NGUYÊN KHÁNH

Người dân muốn gì?

“Không cần thiết có loa phường, đã có Zalo của tổ dân phố rồi vì mọi việc đều đưa lên đấy, rất tiện lợi. Người ta chẳng lắng nghe đâu, loa chỉ gây ồn ào. Tự nhiên phải trả một khoản tiền không đáng. Cái gì mà hiệu quả, đơn giản, không gây ồn ào thì tôi nghĩ nên làm”- bà Trần Thu Hà, quận Hai Bà Trưng.

“Hầu hết mọi người đều có rất nhiều nguồn tiếp cận thông tin: truy cập trên mạng, xem tivi cho nên thông tin từ loa phường không cần thiết nữa. Loa phường rất ồn ào, gây khó chịu cho mọi người. Chất lượng âm thanh rất tệ, âm lượng rất to, lại hay phát vào giờ mọi người vẫn còn nghỉ ngơi như lúc sáng sớm hoặc chiều tối”-anh Nguyễn Tùng Dương, quận Hoàng Mai.

“Có những việc rất cần thiết thì có thể phát lên loa phường để mọi người dân đều biết, chẳng hạn như dịch bệnh, thông tin về trẻ em, người cao tuổi. Loa đài phát những gì cần thiết cho cuộc sống của người dân thì hay hơn là phát liên tục”- anh Trần Quang Khánh, khu tập thể Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng).

“Thỉnh thoảng nên có những chương trình bổ ích, ví dụ dịp lễ như ngày 27/7 cũng nên tuyên truyền cho mọi người biết ơn các anh hùng liệt sĩ, hoặc là những chương trình phát động vì cộng đồng văn minh sạch đẹp chẳng hạn”, bà Nguyễn Thị Liên, quận Hoàn Kiếm.

GIA LINH (ghi)

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.