Nóng lại chuyện lễ phục nam giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiếc áo tấc của một vị đại sứ mới đây lại xới xáo lên những luồng ý kiến khác nhau quanh việc lựa chọn và mặc lễ phục nam. Áo dài mặc nhiên được xem là quốc phục cho nữ, nhưng lễ phục nam giới vẫn chưa đi đến hồi kết dù thực sự cấp thiết trong nhiều nghi thức ngoại giao quan trọng.

Tác giả của bộ lễ phục nói gì?

Trang phục của đại sứ Lý Đức Trung mặc trong lễ trình quốc thư tại Israel do nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Đức Lộc thực hiện. Đức Lộc chia sẻ với phóng viên Tiền Phong: “Ý tưởng của ngài Đại sứ và tư vấn của bên tôi kết hợp làm nên bộ trang phục. Khi bộ trang phục xuất hiện trên truyền thông gây nhiều luồng ý kiến. Qua đó thể hiện tính cấp thiết, quan trọng của vấn đề trong đời sống. Đẹp hay xấu do con mắt thẩm mỹ của mỗi người. Muốn nhận xét một trang phục đúng hay sai phải dựa trên nghiên cứu, có luận chứng rõ ràng”.

Nóng lại chuyện lễ phục nam giới ảnh 1

Áo của Đại sứ Lý Đức Trung mặc khi trình quốc thư lên Tổng thống Israel

Trang phục do NTK lựa chọn là áo tấc, lễ phục truyền thống của thời Nguyễn. Màu xanh dương phối với màu trắng lấy từ ý tưởng quốc kỳ Israel. Bổ tử bản đồ thành Thăng Long cổ chính là ý tưởng của đại sứ. Bổ tử bản chất là hình thêu thể hiện phẩm trật của quan lại xưa. Trong đời sống đương đại, bổ tử không còn mục đích phân định như ban đầu. Hình bản đồ thành Thăng Long cổ đưa vào bổ tử đằng trước và sau thể hiện chủ quyền và văn hóa lâu đời của Việt Nam.

“Dài rộng, luộm thuộm” là một trong số các ý kiến từ công chúng. “Bản chất của áo lễ phục là dài rộng. Các cụ xưa gọi giới tinh hoa là ‘mũ cao áo dài’ hay ‘quần chùng áo thụng’ là vì thế. Trang phục thời Nguyễn định hình từ cuối thế kỷ 18. Áo tấc thời đầu Nguyễn và cuối Nguyễn đã có sự khác nhau rồi. Trang phục luôn biến thiên qua các giai đoạn, quan trọng là ta nhặt lấy cái gì thôi. Áo tấc cuối thời Nguyễn ngắn tà hơn, gọn gàng hơn. Đương nhiên tay áo vẫn dài rộng. Tôi đang làm dựa trên tư liệu lịch sử thôi”, Đức Lộc nói.

“Cả hai lần tuyển chọn quốc phục đều có vấn đề. Mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của quốc phục quá rõ rồi. Ngay cả việc chọn áo dài là quốc phục cho nữ giới cũng tạo được sự đồng thuận, chỉ riêng lễ phục nam còn có nhiều ý kiến khác nhau”.

Ông Vi Kiến Thành

Anh kể, từ đầu năm đến giờ tiếp mười mấy vị đại sứ. Đa phần họ vẫn chọn may dáng cổ đứng năm thân tay chẽn. Chỉ có Đại sứ Lý Đức Trung ngoài những bộ thường phục tay chẽn có thêm lễ phục áo tấc. Trang phục xưa chia ra tiện phục, thường phục và lễ phục. Áo tay chẽn là thường phục lịch sự nhưng chưa đủ trang trọng. “Trang phục có chức năng, công năng, mình phải phân định mặc lúc nào, ở đâu. Ví dụ ngài Đại sứ đã lựa chọn mặc áo tấc trong dịp trình quốc thư. Nhưng khi trình xong, ra tiếp khách ngài đã thay một bộ lễ phục tay chẽn. Sau buổi lễ, ngài đại sứ phản hồi với tôi, Tổng thống và đại diện chính phủ Israel rất khen ngợi trang phục của Việt Nam. Họ rất ấn tượng”, Đức Lộc nói.

Cần khởi động lại đề án chọn quốc phục

Từ câu chuyện chiếc lễ phục của Đại sứ Lý Đức Trung, các nhà chuyên môn bàn luận rộng hơn về sự cần thiết khởi động lại đề án lựa chọn quốc phục. NTK Tiến Lợi nêu quan điểm, có nhiều cách nhìn khác nhau cho sự thể hiện trang phục này. “Ở đây, tinh tế là điều quan trọng nhất. Lựa chọn mẫu áo dài này, tôi cho rằng, ông đại sứ gửi ý ngầm hoặc có mong muốn chuyển tải một thông điệp nào đó mà chúng ta có thể không nắm rõ hết nội dung. Tuy nhiên phục trang là hoàn toàn khác với thời trang, trang phục. Một bên dùng để mô phỏng truyền thống, hồi nhớ quá khứ thường dùng cho sân khấu, một bên thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ, tương thích với bối cảnh hiện tại”, NTK Tiến Lợi nói.

Nóng lại chuyện lễ phục nam giới ảnh 2

Một số mẫu lễ phục được sử dụng cho nghi lễ ngoại giao do NTK Nguyễn Đức Lộc thực hiện. Ảnh: FB Nguyễn Đức Lộc

Nhà thiết kế này nhận định, sự hội nhập, bắt nhịp, hoà vào xu thế là điều cần có lúc này nhưng cũng băn khoăn liệu có nên bê nguyên di sản quá khứ vào đời sống hiện đại?! “Xấu đẹp tùy theo mỹ cảm của người tiếp nhận. Tôi không thấy hình ảnh của ông đại thực sự ‘đắt’ trong lần xuất hiện này. Trang phục ấn tượng mạnh, mang hình ảnh, ngôn ngữ dân tộc là tốt. Nhưng với bối cảnh ngoại giao cần có sự đĩnh đạc, uy phong… thì tôi thấy có chút lấn cấn. Trong trường hợp này điều cần gây đối tượng nên là tác phong, thần thái của người mặc chứ không nên tập trung quá nhiều sự chú ý vào trang phục”, NTK này nêu.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm) là người trực tiếp tham gia tuyển chọn quốc phục dưới hai đời Bộ trưởng Văn hóa- Trần Hoàn và Hoàng Tuấn Anh. “Cả hai lần tuyển chọn quốc phục đều có vấn đề. Mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của quốc phục quá rõ rồi. Ngay cả việc chọn áo dài là quốc phục cho nữ giới cũng tạo được sự đồng thuận, chỉ riêng lễ phục nam còn có nhiều ý kiến khác nhau”, ông Vi Kiến Thành nói.

Ông Vi Kiến Thành kể, từ lần thứ nhất thực hiện đề án chọn quốc phục, hội đồng tiến hành các quy trình bài bản và khoa học như tổ chức hội thảo, trưng bày giới thiệu mẫu trang phục và trình lên trên để xin ý kiến nhưng việc không thành. Lần thứ hai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngay cả các NTK lẫn dư luận xã hội đều có những quan điểm khác nhau về các mẫu thiết kế.

“Mọi người cần phân định rõ, lễ phục nếu được công nhận, thống nhất về hình thức, kiểu dáng để đưa vào đời sống thì chỉ được sử dụng trong nghi lễ ngoại giao, hoặc các dịp lễ trọng của đất nước chứ đừng hiểu sẽ bắt buộc mặc hằng ngày. Ta hiểu lễ phục sử dụng trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào thì chắc chắn không tạo ra ý kiến nhiều chiều như hiện nay”, ông Vi Kiến Thành nói.

Lễ phục thể hiện bản sắc văn hóa Việt là điều không phải bàn cãi, chỉ là nước ta đang thiếu cấp có thẩm quyền đưa ra lựa chọn thuyết phục và khả thi.

MỚI - NÓNG