Hoa Lư, kinh thành hai triều đại

Hoa Lư, kinh thành hai triều đại
TP - Hoa Lư trở thành kinh đô của nước Việt độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc. Là nơi điều hành đất nước của hai triều đại: Nhà Đinh từ năm 968 - 980 (12 năm) và Nhà Tiền Lê từ năm 980 - 1009 (29 năm). Nhà Lý chỉ tạm đô ở đây một năm từ 1009 - 1010. Tổng cộng 42 năm.
Hoa Lư, kinh thành hai triều đại ảnh 1
Di tích ở Hoa Lư - Ảnh: Hồng Vĩnh

Sau khi dẹp xong loạn 12 xứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Lần đầu tiên sau 1.000 năm Bắc thuộc, nước ta được thống nhất và lập nên nhà nước độc lập tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền (trước đó, họ Khúc chỉ xưng là Tiết độ sứ và Ngô Quyền cũng chỉ xưng Vương, không xưng Đế).

Nhà vua định đô tại Hoa Lư là nơi có nhiều lợi thế cho công cuộc phòng thủ và xây dựng đất nước, đồng thời là quê hương ông và cũng chính là nơi ông khởi nghiệp.

“Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả… Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng để chọn đô được”.

Đại Việt Sử ký toàn thư, 1998 Ngô Sĩ Liên viết: “Mậu Thìn, năm thứ 1 (986) [Tổng Khai Bảo năm thứ 1]. Vua lên ngôi đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây dựng cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”(NXB KHXHVN, tập I; tr. 211).

Vua các triều Đinh, Lê đã dựa vào địa hình tự nhiên của thế núi dựng các đoạn tường thành bằng đá tảng hoặc gạch cao 8 - 10 m nối liền tạo nên thành Hoa Lư rộng khoảng 300 ha bao bọc lấy kinh đô, bên trong là các cung điện, doanh trại và hào sâu.

Có hai vòng thành. Thành ngoài rộng khoảng 140 ha, các dấu tích được Viện Khảo cổ khai quật với hàng ngàn hiện vật. Đó là những viên gạch lát nền trang trí hoa văn tinh xảo với kích tước 48 x 78 cm trên mang dòng chữ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” (gạch xây thành Đại Việt) và những viên ngói ống có phủ riềm.

Thành trong cũng có diện tích tương đương Thành ngoài. Sự giao thông đi lại giữa hai thành đều qua các nhánh sông Hoàng Long.

Sang triều Tiền Lê, kinh đô Hoa Lư được củng cố và xây dựng nhiều cung điện lộng lẫy.

Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng: “Giáp Thân [Thiên Phúc] năm thứ 5 (984). Mùa Xuân tháng 2 đúc tiền Thiên Phúc.

Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía Đông là điện Phong Lưu, phía Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc.

Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân, làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc.” (NXB KHXHVN, 1998 tập I; tr. 222 - 223).

Có thể nói Kinh đô Hoa Lư như một Quân thành thuận lợi cho công cuộc phòng thủ và chủ động tiến công.

Tương truyền bên bến sông Hoàng Long ở thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn đã hạ Chiếu dời đô vào năm 1010 để xuống thuyền tiến về thành Đại La dựng kinh đô mới là Thăng Long.

Ngày nay Cố đô Hoa Lư và Khu Du lịch Tràng An với chùa Bái Đính - một trung tâm Phật giáo lớn - đã trở thành di sản văn hóa du lịch của tỉnh Ninh Bình và cả nước.

Hà Nội ngày 1-1-2010

MỚI - NÓNG