Hoa hậu Tây Nguyên - chuyện giờ mới kể

TP - Thấm thoắt, đã tròn mười năm từ ngày Hoa hậu Tây Nguyên duy nhất đăng quang. Nhiều bạn gái xinh đẹp khi nộp hồ sơ dự thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 vẫn thắc mắc không biết những sơn nữ được xướng danh ngày ấy, bây giờ ra sao?

Chân dài đa sắc tộc!

Mười năm trước, quy chế cho phép những cuộc thi nhan sắc liên tỉnh được gọi người đẹp đăng quang là Hoa hậu (chưa phải tầm quốc gia mới được gọi Hoa hậu như sau này!). Sau vài lần tham gia Ban tổ chức, Ban giám khảo những cuộc thi tìm kiếm hoa khôi cấp Tỉnh-Huyện Đoàn, tôi mong muốn tìm ra những thiếu nữ đẹp nhất trên quy mô lớn hơn. Lãnh đạo báo Tiền Phong nhất trí hỗ trợ cơ chế. Bản tin tuyển sinh cho cuộc thi Hoa hậu Tây Nguyên 2006 đã được đăng, phát rộng rãi.  Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Đắk Lắk vào vai đồng tổ chức cuộc thi cùng Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên .

Ít có ở đâu thí sinh được chăm lo chu đáo, tỉ mỉ đến thế, nhất là với sơn nữ các dân tộc thiểu số mà chúng tôi phải đến từng trường học, từng buôn làng, thôn xóm xa xôi để vận động các em cao trên mét sáu đồng ý ghi danh. Lo vận động tài trợ cơm áo gạo tiền, giải thưởng, quà cáp thù lao các loại cho cuộc thi tập trung hàng trăm thiếu nữ xinh đẹp đã khó, khó hơn là chuyện thuyết phục sơn nữ các dân tộc thiểu số sống giữa rừng xanh quá đỗi rụt rè e lệ chịu bước lên sân khấu trước hàng nghìn khán giả trong trang phục... áo tắm! 

Bỏ qua khoản bồi dưỡng khiêm tốn, các nhóm cộng tác viên của Ban đại diện năng nổ hết mình, ai lo việc nấy: nhóm chuyên tuyển sinh, chăm lo việc ăn nghỉ, vào vai xe thồ đưa đón; nhóm huấn luyện các em cách đi đứng nói cười, đi giày cao gót; nhóm hỗ trợ thời trang gồm các nhà may trang phục áo tắm, áo dài, áo dạ hội, thợ làm tóc, chuyên viên trang điểm ... 

Sau gần 2 tháng săn lùng người đẹp, danh sách thí sinh dự thi gần tròn trăm, thành phần sắc tộc phong phú, cái gánh Trưởng Ban tổ chức đè trĩu trên vai tôi nhẹ bớt. Hội thi Hoa hậu Tây Nguyên lần đầu tiên (có thể cũng là lần cuối cùng - trừ khi cơ quan chức trách cho đổi quy chế trở lại... như xưa !) diễn ra tại nhà Thi đấu tỉnh Đắk Lắk từ ngày 28-30/7/2006. 

Khán giả ngồi kín khán đài trên 4.000 chỗ, trật tự và cổ vũ nhiệt liệt. Ca sĩ từ TPHCM được mời về có Nguyễn Phi Hùng, Bonneur Trinh hát bốc, nhảy sung, “đổi gió” với nghệ sĩ Y Moan- giọng ca rừng rực khí chất đại ngàn và những nhóm diễn viên ca múa trẻ phong cách bản địa. Chánh chủ khảo là Giáo sư tiến sĩ Hoàng Tử Hùng, người có “gương mặt cười” phúc hậu giúp thí sinh hễ nhìn thấy là lập tức vui tươi, bình tĩnh.

Hoa hậu Tây Nguyên - chuyện giờ mới kể ảnh 1

Các hoa khôi giao lưu trong cuộc thi Hoa hậu Tây Nguyên 2006.

Từ 96 thí sinh thuộc 9 dân tộc đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, qua ba ngày tập luyện mướt mồ hôi và 2 đêm công diễn hoành tráng, Ban giám khảo chọn ra 8 thí sinh để trao các giải thưởng lớn nhỏ, và nhóm thí sinh này được đại diện cho nhan sắc Tây Nguyên về TPHCM dự thi vòng bán kết phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm đó. Ngẫu nhiên, 3 thí sinh đẹp nhất lại thuộc 3 dân tộc khác nhau: Hoa hậu Tây Nguyên Đàm Thị Lý dân tộc Tày, Á hậu I K’The dân tộc K’Ho, Á hậu II dân tộc Kinh - Trịnh Thị Kim Phượng.

Bất ngờ... mỹ nhân ngư!

Trước khi đến với cuộc thi, Đàm Thị Lý vừa tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao, xin việc chưa được, đang hợp đồng làm huấn luyện bóng chuyền, bóng bàn cho nhà Thi đấu Đắk Lắk.

Một nhân viên Ban Đại diện báo Tiền Phong - anh Hùng Lân nhận nhiệm vụ tuyển sinh, vừa bước vào một tiệm bánh mắt bỗng sáng rực, vì cô gái đang mua bánh trước mặt cao ngồng và... xinh quá! Bám theo hỏi tên, rồi làm quen, Lý thật thà cho Lân biết cô vừa nhận được khoản lương tháng ít ỏi đầu tiên, liều tiêu hoang mua bánh đãi cả nhà. Nhưng nghe nói tới việc thi hoa hậu, cô khó chịu quay ngoắt đi. Lân vội chạy theo dúi vào tay cô mảnh giấy ghi số điện thoại, dỗ “ Nếu em đổi ý nhớ gọi anh!”.

Hoa hậu Tây Nguyên - chuyện giờ mới kể ảnh 2

Hoa hậu Tây Nguyên Đàm Thị Lý bây giờ.

Hôm sau, Lý gọi, Lân mừng rỡ đến chỗ hẹn giúp cô hoàn tất hồ sơ. Gia đình Lý nghèo khó ở mãi tỉnh Cao Bằng. Bố thợ mộc, mẹ ở nhà đau tim ốm yếu quanh năm, phải gửi Lý và em gái vào Đắk Lắk để bác ruột nuôi từ nhỏ, rồi đỗ vào đại học ở TPHCM. Là cử nhân, Lý vẫn chưa từng biết trang điểm, sống rất giản dị. Ngoài các bộ áo tắm, áo dài, váy dạ hội được các nhà may hỗ trợ, anh Lân còn chạy vòng quanh mượn cho được nguyên bộ trang phục dân tộc Tày kèm cây đàn tính để Lý bước vào vòng thi trang phục tự chọn, ứng xử, rồi đăng quang Hoa hậu Tây Nguyên.

Nhóm 8 người đẹp Tây Nguyên nền nã xuất hiện tại thành phố đồng bằng năm 2006 trong tà áo dài đồng loạt viền thổ cẩm độc đáo của nhà tài trợ áo dài Xuân Loan lừng danh xứ Thượng thu hút vô số ánh mắt ngưỡng mộ, si mê! Vượt qua mấy vòng thi, những thí sinh kém duyên lần lượt rơi rụng, Tây Nguyên còn đúng top 3 Á hậu, Hoa hậu vào chung kết tại Vinpearl.

Resort 5 sao Vinpearl giữa biển trời bao la đẹp hơn tranh vẽ. Phòng của 3 tố nữ Tây Nguyên ở cạnh phòng nhóm thí sinh Khánh Hòa. Lần đầu làm quen, nhóm chân dài miền biển đã nhanh nhảu hẹn sẽ giúp nhóm thí sinh miền núi tập bơi. Lý cười hiền lành, không nói. Tới vòng thi Hoa hậu Biển, khi Hoa hậu Tây Nguyên lao vun vút trong làn nước biếc với các thế bơi tuyệt đẹp, ma mị như mỹ nhân ngư. Ban giám khảo sững sờ, chấm điểm tuyệt đối.  

Rốt cục, Hoa hậu Tây Nguyên Đàm Thị Lý được trao danh hiệu Hoa hậu Biển, Á hậu I K’The chiếm thiện cảm của tuyệt đại đa số khán giả bằng vẻ đẹp đậm đà ấn tượng và tính cách hồn nhiên dễ mến, trở thành Hoa hậu Thân thiện. 

Hoa hậu Tây Nguyên - chuyện giờ mới kể ảnh 3

Làm tóc và trang điểm miễn phí cho thí sinh dự thi Hoa hậu Tây Nguyên 2006.

Quý bà thành đạt     

Cú sét ái tình xuyên tim anh Đoàn Thành Nghĩa, đạo diễn Việt kiều Đức ngay lần đầu đối diện với dung nhan hút hồn của sơn nữ K’The, lập tức biến anh thành một cây si chiều chuộng người đẹp đủ mọi cách để chinh phục nàng. Đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Đà Lạt, nhận giải thưởng Hoa hậu Thân thiện chẳng bao lâu K’The lên xe hoa về nhà chồng ở TPHCM.

Cuộc sống đủ đầy, nhàn rỗi với những cuộc tiệc tùng náo nhiệt chốn đô thành nhanh chóng khiến sơn nữ thấy ngột ngạt, bức bối. Anh Nghĩa động viên vợ tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009. K’The vào đến top 6 với nhan sắc nổi trội rồi... thôi, vì không lợi khẩu trong vòng thi ứng xử. 

Thông cảm tâm lý nhớ đại ngàn của vợ yêu, anh Nghĩa đồng ý để K’The “bắt chồng” theo về quê cô: xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tại đó, anh lập cho K’The một trang trại thơ mộng trồng nhiều loài hoa rộng hơn một nghìn mét vuông. Trò chuyện cùng tôi qua điện thoại, K’The cho biết, trang trại muôn hồng nghìn tía của cô cho thu nhập tốt, và cuộc sống hiện nay của cô thực sự viên mãn.

Hoa hậu Tây Nguyên - chuyện giờ mới kể ảnh 4

Á hậu I Tây Nguyên K’The khi dự thi Hoa hậu Quý bà 2009.

Hai năm sau khi K’The lấy chồng, Đàm Thị Lý mới kết hôn với một doanh nhân cùng tuổi. Cô theo học nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng rồi về Vũng Tàu  quê chồng sinh sống, mở công ty tổ chức sự kiện, dịch vụ du lịch. Gia đình chồng khá giả, rất mực yêu thương cô con dâu tần tảo siêng năng. 

Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009 tổ chức tại Vũng Tàu, Lý cũng dự thi và thoáng buồn khi để vuột mất chiếc vương miện vì trả lời ứng xử không suôn sẻ, nên chỉ nhận giải Á hậu II. Bố chồng Lý an ủi con dâu bằng món quà là một chiếc ô tô và 1 cặp vé cho cả đôi đi du lịch Singapore.  

Sau vài lần ngồi ghế giám khảo các cuộc thi nhan sắc khác, Lý chủ động giảm bớt tần suất tiệc tùng, tham gia sự kiện để cùng chồng tập trung kinh doanh. Mấy năm thường xuyên tổ chức tour du lịch ngắn ngày cho các đơn vị thuộc tập đoàn Dầu khí, Lý chia sẻ rằng, vợ chồng cô kiếm tiền rất dễ dàng nhưng lại thường phải xa con, nên cả đôi thống nhất đổi nghề, đưa con nhỏ về Sài Gòn mở Spa chuyên chăm sóc sắc đẹp.

Ai gặp quý bà thành đạt Đàm Thị Lý bây giờ, khó hình dung hình ảnh “Lý Tồ”, “Lý Cò” thời người đẹp này còn là một cô cử mới tốt nghiệp ra trường, toát mồ hôi tìm việc làm trên phố núi...  

Sơn nữ Tây Nguyên đầu tiên vào tới vòng chung kết hoa hậu quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức năm 2000 là H’Nep Kbuôr người Ê đê, nhà tận buôn M’găm heo hút giữa núi đồi thảo nguyên. Sở hữu đôi mắt huyền đẹp buồn hun hút, H’Nep Kbuôr nay là cán bộ Hội Phụ nữ huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, mới kết hôn với một sĩ quan quân đội đầu năm 2016. Thí sinh Ê Đê thứ hai vào tới vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2004 ở Tuần Châu là H’Wion Knul Á khôi Đắk Lắk. Sau cuộc thi, H’Wion trở thành nhân viên giao dịch Agribank và bắt được một tấm chồng Êđê đẹp trai, chiều vợ đúng như cô từng mong ước.

MỚI - NÓNG