Chi tiền mặt
Chị Lê Thị Hương, công nhân công ty may tại Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, từ đầu năm tới nay, chị làm một ngày 8 tiếng, nghỉ 2 ngày cuối tuần do công ty thiếu đơn hàng. “Trước đây, công ty nhiều đơn hàng, tôi làm tăng ca liên tục, thu nhập được trên dưới 10 triệu đồng/tháng, nay chỉ được một nửa. Sau Tết, việc ít, thu nhập giảm mạnh, chưa biết phải nghỉ lúc nào. Con cái đành gửi ông bà ở quê chăm và đi học cho tiết kiệm, không dám đưa con ra ở cùng bố mẹ”, chị Hương kể. Trong xóm trọ của chị Hương, do việc làm và thu nhập giảm, một số lao động nam đã nghỉ việc về Hà Nội chạy xe ôm kiếm sống, hoặc tạm về quê làm nông nghiệp chờ công ty có đơn hàng ổn định hơn mới trở lại làm.
Trước bối cảnh DN khó khăn, việc làm và thu nhập của NLĐ bị cắt giảm, BHXH Việt Nam vừa đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định 3 chính sách hỗ trợ (từ các quỹ BHXH) trong thời gian tới. Những đề xuất này tương tự một số chính sách đã áp dụng giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua (năm 2021-2022), tổng số tiền dự kiến hỗ trợ nếu được thông qua khoảng 31,6 nghìn tỷ đồng.
Công nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn đang rất cần được hỗ trợ Ảnh minh họa: Phạm Thanh |
BHXH Việt Nam đề xuất sử dụng một phần kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hỗ trợ bằng tiền tới NLĐ, với mức chung 1,7 triệu đồng/người. Nếu được thông qua, dự kiến có khoảng 13,5 triệu NLĐ được hưởng, tổng chi tiền hỗ trợ khoảng 23 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ NLĐ khối ngoài công lập, đang đóng BHTN, hoặc nghỉ việc trong 5 tháng đầu năm nay (không hỗ trợ với NLĐ khối công lập).
BHXH Việt Nam cũng đề xuất cho phép DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng. Với điều kiện, các đơn vị này đóng đầy đủ BHXH tới tháng 4/2023, cắt giảm LĐ từ 10% trở lên so với cuối năm 2022 (kể cả LĐ ngừng, nghỉ việc không lương). Dự kiến hơn 1,2 nghìn đơn vị được hưởng chính sách này, tổng số tiền tạm dừng đóng khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; Giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp từ 0,5% quỹ lương tháng hiện hành xuống 0%, áp dụng tới hết năm 2024. Chính sách này áp dụng với tất cả đơn vị sử dụng LĐ, trong thời gian giảm đóng các chế độ với NLĐ vẫn theo quy định. Dự kiến số tiền miễn đóng theo chính sách này khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, cho khoảng 490 nghìn đơn vị đang sử dụng trên 12,5 triệu LĐ.
Hỗ trợ là cần thiết
Trong văn bản đề xuất trên, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, hiện tại, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại… Trước những tác động trên, nhiều DN trong nước thiếu đơn hàng, kéo theo vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống NLĐ tại các DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất cần chính sách chia sẻ, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, NLĐ giảm bớt khó khăn qua đó cũng khẳng định vai trò chia sẻ khi rủi ro của các quỹ BHXH.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đánh giá, việc xác định mức hỗ trợ, đối tượng hưởng dựa trên thực tế kết dư, dự báo thu - chi các quỹ BHXH, sau chi hỗ trợ vẫn đảm bảo an toàn, tăng trưởng; theo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng; hướng tới nhóm khó khăn, cần được hỗ trợ. Do đó, các chính sách lần này sẽ không hỗ trợ đơn vị, người lao động khối hành chính sự nghiệp, đảng đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
BHXH Việt Nam tính toán, đến tháng 6/2023, quỹ BHTN còn kết dư hơn 60,6 nghìn tỷ đồng, nếu chính sách hỗ trợ bằng tiền kể trên được thông qua, sau khi chi, tới cuối năm nay quỹ vẫn kết dư hơn 38,9 nghìn tỷ đồng. Với quỹ hưu trí và tử tuất, hiện kết dư hơn 1,01 triệu tỷ đồng, sau khi tạm dừng đóng 6 tháng cho đơn vị sử dụng LĐ, tới cuối năm nay kết dư của quỹ này vẫn đạt hơn 1,04 triệu tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp, hiện kết dư hơn 64,9 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ và Xã hội nhận định, từ nay tới cuối năm, tình hình phục hồi của DN vẫn đối mặt thách thức. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, áp lực cắt giảm việc làm, LĐ thời gian tới rất lớn, làm tăng LĐ phi chính thức (nhóm LĐ khó khăn và dễ bị tổn thương nhất). “Cả DN và NLĐ đang cần sự hỗ trợ để vượt qua những khó khăn trước mắt chờ phục hồi, bứt tốc. Sự hỗ trợ cần cả về tài khóa, tín dụng lẫn an sinh xã hội, các gói hỗ trợ như đề xuất của BHXH Việt Nam rất cần thiết. Ngoài ra, tiền thuê nhà là khoản chi phí đáng kể với công nhân, nhà nước có thể sử dụng 2,8 nghìn tỷ còn dư của gói hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà năm 2022 để chi tiếp cho nửa cuối năm nay”, ông Vinh nói. Vị chuyên gia này cũng đề xuất các cấp thẩm quyền lưu ý đến nhóm gia đình công nhân, LĐ phổ thông có con đang đi học, để có hỗ trợ phù hợp, giảm nguy cơ các cháu phải nghỉ học vì bố mẹ mất việc làm, thu nhập giảm.
Khi chính sách hỗ trợ được ban hành, ông Vinh cũng cảm thấy lo lắng với quy trình và thủ tục hành chính có thể trở thành rào cản với DN, người lao động tiếp cận chính sách. Điều này do cán bộ hành chính đâu đó còn yếu về nghiệp vụ, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, trong khi hệ thống giám sát chưa hiệu quả.
Từ năm 2020 đến 2022, để hỗ trợ người dân, người lao động và DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nhà nước đã có 4 gói chính sách hỗ trợ. Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tổng số tiền hỗ trợ từ các chính sách này lên đến hơn 120 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1,4 triệu lượt đơn vị, hơn 68,4 triệu lượt người lao động và người dân. Trong đó, riêng hỗ trợ từ các quỹ BHXH, BHTN hơn 47,2 nghìn tỷ đồng.