Hành trình gian nan
Gần trăm nghệ sỹ của nhà hát Talarium Et Lux có mặt ở Hà Nội từ 27/7. Tại họp báo công bố đêm diễn duy nhất 1/8, bà Lê Thị Hòa, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đào tạo và Tư vấn truyền thông AAA, đơn vị tổ chức, nói thêm về cuộc thương thuyết dài gần hai năm. “Nhiều người hỏi để đưa được cả nhà hát Nga này tới có khó không. Nếu có tiền thì không hề khó, nhưng chúng tôi không có tiền. Chi phí cho gần 100 nghệ sỹ ăn ở khách sạn 4-5 sao, vé máy bay, thù lao, vận chuyển hàng tấn thiết bị mất đến 1 triệu USD. Chúng tôi vừa thương thuyết vừa tìm cách, tìm nhà tài trợ”, bà Hòa nói. Đơn vị tổ chức này từng đưa dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker, dàn nhạc giao hưởng lừng danh Maxim Fedotov và cặp song tấu Yri Bashamet và Galina Petrova đến Việt Nam.
Sát ngày diễn, nhà sản xuất vẫn có chút hoang mang, không chắc có đáp ứng nổi “bản yêu sách” của nhà hát Talarium Et Lux. Nhà sản xuất chỉ thở phào khi lãnh đạo nhà hát tận thấy Trung tâm Hội nghị Quốc gia và tỏ hài lòng. “Đến bây giờ tôi tự tin tất cả yêu cầu họ đưa ra chúng tôi đáp ứng đủ. Chỉ có điều Việt Nam không có nhà hát chuẩn để múa ballet, chúng ta phải chấp nhận có sao dùng vậy. Mặt sàn Trung tâm Hội nghị phải gia cố thêm hai lớp, vừa đảm bảo cho mặt sàn cũ, vừa để trải lớp thảm chuyên dụng cho nghệ sỹ. Nhà tổ chức cũng phải đau đầu tính toán chi phí này”, bà Hòa nói.
Ngoài đòi hỏi mặt sàn 300m2, màn hình LED cũng “khủng” không kém - 300m2. Theo nhà sản xuất, hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng là thách thức, vì các nhà cung cấp Hà Nội không đáp ứng được, phải chuyển từ TPHCM ra. Nhiều thiết bị cũng phải vận chuyển từ Singapore về. Nhà sản xuất nói thêm, mất nhiều công sức đưa nhà hát về rồi, nên những yếu tố còn lại không còn quá quan trọng nữa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong tầm tay.
Thiên nga không giãy chết?
Giám đốc nhà hát, bà Omelchenko Irina, phát biểu trong họp báo: “Vở ballet 150 tuổi đời kể câu chuyện buồn của một cô gái trẻ, nhân vật gặp bi kịch ở cuối và chết. Nhưng trong bản dựng của biên đạo múa Marina Yurievna Alecksandrova sẽ là cái kết có hậu, phần còn lại giữ nguyên toàn bộ phần cổ điển từ trước tới nay”.
Lịch lưu diễn thế giới của Talarium Et Lux khá dày đặc. Theo bà Irina, khán giả quan tâm tới bản dựng Hồ thiên nga này do “sự chuyên nghiệp, nổi tiếng của dàn diễn viên chính, và biên đạo múa huyền thoại ballet thế giới Mikhail Leonidovich Lavrovsky xuất thân từ nhà hát Bolshoi danh tiếng”. Bà nói thêm, Talarium Et Lux là nhà hát ballet duy nhất sử dụng công nghệ 3D, ánh sáng thay cho phông cảnh. Phản ứng của khán giả khá thú vị, trẻ em đến xem hứng thú, thậm chí hết đêm diễn ra hành lang múa theo.
Vở diễn ballet và âm nhạc không thể tách rời, và thường nghệ sỹ diễn trên nền nhạc của dàn nhạc giao hưởng trình diễn. Nhưng nghệ sỹ Nga dịp này sẽ diễn trên nền nhạc thu sẵn, điều khiến nhiều người yêu nghệ thuật e ngại. “Dàn nhạc giao hưởng cho diễn viên cảm xúc hơn, nhưng hoàn cảnh này không thể khác. Trong chuyến đi Bắc Kinh vừa rồi, chúng tôi đi cùng dàn nhạc giao hưởng, nhưng lại có sự cố phông cảnh và âm nhạc không khớp. Tôi sẽ cố gắng hết sức cống hiến cho đêm diễn”, nghệ sỹ nam chính Sergey Smirnov nói. Giám đốc nhà hát nói thêm về bài học xương máu, có hôm nhạc trưởng phải về sớm xem bóng đá nên chỉ huy dàn nhạc chơi quá nhanh. “Đôi khi diễn viên múa trên nền nhạc thu sẵn lại đảm bảo ít rủi ro hơn”, bà Irina nói.
Không có dàn nhạc giao hưởng đi kèm, bù lại các nghệ sỹ quyết bù đắp cho khán giả bằng ứng dụng công nghệ 3D, ánh sáng để tăng hiệu ứng thị giác. Nữ nghệ sỹ chính Elisaveta Sergeevna Nebesnaya cho rằng, công nghệ 3D giúp nghệ sỹ dễ dàng chuyển tải câu chuyện, hình tượng nhân vật. Trông nàng thiên nga Elisaveta bên ngoài thật mong manh trong chiếc đầm hoa cúp ngực. Chị luôn dịu dàng và tươi cười khi nhắc đến Việt Nam. Tâm sự thêm về nghiệp ballet, chị nói: “Nghề nghiệp là cuộc đời của chúng tôi, không chỉ là công việc kiếm cơm. Có thể so sánh sự tập luyện của chúng tôi như lao động khổ sai, như thợ đẽo đá. Sau mỗi đêm diễn, diễn viên chính có thể sút 2-3 kg. Ngoài đau chân, đau người khi tập luyện, chúng tôi hạnh phúc khi kết thúc đêm diễn được khán giả chào đón. Mọi cái giá phải trả không còn là vấn đề nữa”.
Ngoài vé do các nhà tài trợ chính quản lý, đơn vị tổ chức chỉ có khoảng 500 vé bán ra, đắt nhất 9 triệu đồng/cặp. Theo nhà tổ chức, hiện danh sách chờ mua vé khá dài. Mong muốn của nhà tổ chức là tấm vé đến được với những người thực sự tha thiết. Nghệ sỹ violon Bùi Công Duy trong vai trò giám đốc nghệ thuật cũng nói, sau vài năm quan sát công chúng ở các chương trình lớn mà đa số là vé mời, anh không lo lắng lắm vì “những ai thực sự muốn đi xem sẽ tìm ra cách”.