Nhiều âm nhạc hơn nữa…
Ricky Kaj đã chạm đến điểm sâu thẳm nơi tâm hồn gặp gỡ lương tri. Là Đại sứ Liên Hiệp Quốc về các hoạt động nhân đạo và môi trường, Ricky chuyên viết nhạc để đánh động về tình trạng môi trường, tự nhiên, động vật hoang dã bị xâm hại… Cùng với chất liệu truyền thống Ấn Độ, Ricky khai thác tinh hoa âm nhạc khắp nơi lập nên dàn hòa tấu thế giới, gồm cả đàn bầu của Việt Nam. Những hình ảnh, thông điệp bằng lời chạy trên màn hình trong lúc chơi nhạc có thể khiến khán giả phải rùng mình khi thấy vẻ đẹp âm nhạc song hành và bắt nguồn từ thiên nhiên như thế nào. Ông cùng khán giả nhiều lần hô vang khẩu hiệu của Hò Dô: “More music, less plastic” (tạm dịch: Thêm âm nhạc, bớt thải nhựa). Khó ai có thể phù hợp hơn ông để khép lại 3 ngày đắm say với âm nhạc của Hò Dô.
Như cá gặp nước, tiếng đàn bầu của NSƯT Hải Phượng hòa quyện lạ lùng với dàn nhạc chủ yếu gồm các nhạc cụ đặc trưng Ấn Độ và nền keyboard của Rickey Kaj. Hẳn nhiều người bên dưới không nghĩ có một ngày mình lại nhảy theo… đàn bầu. Thì cũng như đêm đầu, ngay cả các bạn nước ngoài cũng từng đôi một dập dìu theo tiếng nhị trên nền nhạc salsa. Đêm trăng giữa tháng không thể dịu dàng, lãng mạn hơn trên đường Nguyễn Huệ. Những kỷ niệm hẳn sẽ theo mãi du khách ngay cả khi họ đã rời Việt Nam…
Có một cách tỏ ra hữu hiệu để tôn vinh chất liệu dân gian bằng cách đặt chúng vào một không gian lạ để sự đối lập và hòa quyện đồng thời làm bật nên từng nét đẹp nguyên bản riêng có. Đó là khi Hà Trần và Cao Công Nghĩa chêm những lời hát dân ca vào bản hòa tấu phức tạp của Nguyên Lê. Hay có khi chỉ vài câu “dô hò là hò dô” cất lên sau đoạn rap của Lê Thanh Tâm cùng ban nhạc jazz quốc tế Cosmopolitan Urbane (thành lập riêng cho Hò Dô) đã đủ khiến khán giả phấn khích. Ngô Hồng Quang đích thực là ngôi sao của đêm khai cuộc khi cất vài câu dân ca Việt Nam vào nền hòa thanh bằng miệng của nhóm a capella Cuba Voice Tempo (quán quân X-factor Tây Ban Nha). Lựa chọn Đông Tây kim cổ của Hò Dô đã phát huy tác dụng, làm nên nét đẹp riêng, vừa hoành tráng vừa gần gũi, xứng tầm lễ hội âm nhạc quốc tế.
Hò Dô lập hẳn một dự án hội tụ các anh tài âm nhạc dân gian châu Á để cho sáo Hàn Quốc đối thoại cùng nhị Mông Cổ và các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Nhưng sự kết hợp đã giúp Hò Dô thu hút lượng khán giả đông đảo hơn cả vẫn là Vietnam Allstars quy tụ những nhạc sĩ, nhạc công đầu bảng trong nước và hải ngoại như Anh Quân, Đức Trí, Hồng Kiên, Hoài Sa, Dũng Đà Lạt, A Dìn… cùng người châm mồi lửa Thu Minh.
Ngay trước đó, khán giả đã bị đổ gục bởi màn thể hiện mãnh liệt của Lachiva Gantiva. Với người viết, đây là một trong những lần hiếm hoi được trải nghiệm quyền lực nguyên thủy của âm nhạc, dựa trên tiết tấu và nhịp điệu. Toàn bộ ban nhạc đều chơi trên cùng một tầng thăng hoa làm nên sức mạnh tổng lực khiến khán giả không thể cưỡng lại. Một thành viên vui tính còn mặc áo của đội tuyển Việt Nam…
Quả là một thách thức ghê gớm dành cho Allstars. May thay, màn chào sân bằng một thứ nhạc khác hẳn (jazz funk) cũng tỏ ra không kém cạnh đội bạn (của đáng tội quân ta đông hơn). Phố đi bộ thêm một lần bùng cháy với hai bài đầu của Thu Minh. Những bài sau cũng không tệ, nhưng phải nói với I am diva và Đường cong, Thu Minh đã xuất sắc, xuất thần, xuất toàn lực giọng hát với những nốt cao căng đầy, chói sáng ở đẳng cấp của một diva rock.
Ngôi sao của lễ hội
“Một lễ hội âm nhạc không dựa vào một ngôi sao nhất định nào. Ngôi sao ở đây chính là khán giả, chính là không khí lễ hội. Và nếu các bạn phấn khởi, hồ hởi, xởi lởi, cởi mở với nó thì lễ hội đó là của chính các bạn”, tổng đạo diễn Huy Tuấn nói những lời này trước đông đảo khán giả của đêm cuối và khán giả vỗ tay vang dội, thưởng cho chính mình.
Chắc chắn khán giả là thành phần tối quan trọng của bất kỳ lễ hội âm nhạc nào. Nhưng số lượng chỉ là một trong những thước đo, điều quan trọng là tinh thần, sự hưởng ứng của khán giả. Không phải vô cớ mà Sài Gòn từ lâu đã và vẫn là một mảnh đất trù phú về âm nhạc. Chính nhu cầu thưởng thức lớn và sự cởi mở trong âm nhạc của người dân nơi đây đã làm nên sự phát triển ấy. Hò Dô trở thành một dịp để khán giả TPHCM biểu dương lực lượng và tình yêu âm nhạc. Ngay Phó Giám đốc Sở VHTT, NSƯT Thanh Thúy cũng xuống sân nhảy theo tiếng nhạc của Ricky Kaj. Đến chơi hội cùng cha mẹ, những em bé tuổi mẫu giáo cũng gân cổ: “Dô hò dô hò là hò dô” cùng mọi người theo kêu gọi của MC… Đủ hiểu dòng máu hội hè vốn sẵn chảy trong huyết quản người dân thành phố.
Bên cạnh những ngôi sao gọi là “quốc dân” làm nên tên tuổi từ đây, TPHCM cũng đang có những thần tượng đích thực dành cho giới trẻ. Đứng cạnh các chủ nhân Grammy và tên tuổi khổng lồ của Nguyên Lê trong đêm cuối, là nhóm nhạc vừa rũ bỏ “thân phận” underground Cá Hồi Hoang. Thứ âm nhạc đẹp giản dị, thậm chí còn thô sơ, nhưng câu chuyện của tuổi trẻ đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong công chúng. Khán giả trẻ phải nói là cổ vũ điên cuồng cho từng động tác của ban nhạc, hát theo là đương nhiên. SGO 48, nhóm nhạc nữ 27 thành viên theo mô hình của Nhật cũng mang đến những nét chấm phá “quốc tế” cho lễ hội khi Việt hóa các ca khúc Nhật.
Tóm lại, gần như mọi thẩm mỹ âm nhạc đều có chỗ đứng trong nhạc mục của Hò Dô. Lần đầu tổ chức miễn phí coi như chào sân công chúng thành phố. Lần thứ hai, tổng đạo diễn hy vọng Hò Dô sẽ diễn ra ở một không gian khác, thoáng rộng hơn, cho phép nhiều sân khấu có thể chạy cùng lúc. Đó mới thực sự là lúc thử lửa khán giả và tất nhiên cả BTC. Dù sao Hò Dô cũng có một lợi thế đó là sự đồng hành của lãnh đạo TPHCM. Đêm nào lãnh đạo từ cả trung ương và thành phố cũng đều có mặt tham dự, tặng hoa, cảm ơn nghệ sĩ. Hy vọng đây sẽ là sự sát cánh dài hơi để TPHCM có cơ trở thành điểm đến mới của người yêu lễ hội âm nhạc khắp trên thế giới.
“Hò Dô lần đầu tổ chức nên mọi thứ rất tươi mới, tôi rất thích không khí mang đậm chất quốc tế của lễ hội. Hò Dô có nhiều sự lựa chọn về thể loại âm nhạc cho người nghe, với mục đích nâng cao nhận thức về các loại hình âm nhạc của thế giới cũng như của Việt Nam. Điều này rất đáng quý”.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang