Với sự ra đời của TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã hình thành nên tam giác phát triển kinh tế giữa 3 thành phố: Rạch Giá- Hà Tiên và Phú Quốc. Với thế “chân vạc” cộng thêm “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”, tỉnh cuối cùng trên vùng biển Tây Nam này đang được kỳ vọng không chỉ là nền kinh tế hàng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà còn sánh vai với “đàn anh” trên cả nước.
Thu nhập bình quân 2.504 USD
Báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh giá: Trong nhiệm kỳ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; khai thác, phát huy tốt các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL về thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.504 USD năm 2020 (gấp 1,45 lần so với năm 2015)...
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng. Nổi bật là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu; liên kết du lịch với các địa phương khác trong nước và quốc tế được mở rộng (hiện nay Sân bay Quốc tế Phú Quốc kết nối đường bay với 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới). Du lịch biển có bước phát triển khá mạnh, tổng lượng khách du lịch đạt trên 28,2 triệu lượt khách.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết mục tiêu những năm tới: Tiếp tục duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu khu vực ĐBSCL và trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển nâng cao nguồn nhân lực; và tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Hình thành thế “chân vạc” từ 3 thành phố
Kiên Giang hiện sở hữu 3 thành phố và tất cả đều ở vị thế… đắc địa. Trong đó, Rạch Giá là một thành phố có bề dày lịch sử khai phá hơn 300 năm. Nơi đây từng là cảng thị sầm uất của quốc gia Phù Nam cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo. Thành phố biển này có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á… Từ trung tân TP Rạch Giá đi tàu cao tốc ra TP Phú Quốc chỉ 2 giờ 35 phút, đi máy bay cần 25 phút; còn đi về TP Hà Tiên chỉ khoảng 2 tiếng ngồi trên ô tô.
Điểm nhấn của TP Rạch Giá là khu đô thị lấn biển với hơn 700ha được triển khai từ năm 1997, và tất cả đều được qui hoạch bài bản và hiện đại. Nằm trong khu vực phát triển năng động, TP Rạch Giá là một trong 4 đô thị trọng điểm của khu vực ĐBSCL, là trung tâm của tam giác phát triển kinh tế biển Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc. Chính quyền thành phố đang nỗ lực phấn đấu đưa Rạch Giá lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Cách TP Rạch Giá 90km về hướng tây Bắc tỉnh Kiên Giang là TP Hà Tiên, vùng đất được ví như “Thiên đường nơi hạ giới” với “Hà Tiên Thập vịnh” của thi sỹ Mạc Thiên Tứ viết gần 300 năm trước, nơi “mến yêu đẹp như xứ thơ…” của nhạc sỹ Lê Dinh làm rung động, xao xuyến con tim bao thế hệ. Qua bao thăng trầm, cái xứ thần tiên ấy vẫn luôn hút hồn du khách… Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên đầy chất thơ ấy, những di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo cổ kính, linh thiêng đã trở thành điểm dừng chân lưu luyến lòng người. Vùng đất được ví như “Hạ Long phương Nam” hội tụ với núi , sông, hang động, hải đảo, đầm, vịnh.
TP Hà Tiên có đường biên giới chung với Campuchia, có đường xuyên Á từ Bang kok (Thái Lan) chạy qua thành phố; có con sông Giang Thành đổ về đầm Đông Hồ, con sông này nối liền với kinh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng kết nối Hà Tiên với tỉnh An Giang. Từ TP Hà Tiên đi tàu cao tốc ra Phú Quốc chỉ mất 1 tiếng 15 phút. Thành phố xinh đẹp trên bờ biển Tây này luôn nhộn nhịp với du khách khắp nơi trong nước và khách nước ngoài qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Với tiềm năng lợi thế nói trên, ngành “công nghiệp không khói” được ưu tiên phát triển hàng đầu. Theo báo cáo của UBND TP Hà Tiên: Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,34%, đây là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các loại hình dịch vụ phát triển khá mạnh về số lượng, quy mô và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, bình quân hằng năm thu hút trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng doanh thu hằng năm trên 7,25%. Chính quyền thành phố phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Tiên trở thành đô thị loại II.
Được cho là “sinh sau đẻ muộn” nhưng TP Phú Quốc mới là hòn đảo đang vươn lên mạnh mẽ, thách thức các nền kinh tế không chỉ khu vực ĐBSCL. Từ một “làng chài” ăn đong, Phú Quốc đã vươn lên mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua. Với việc thu ngân sách (gần 4.500 tỷ) bằng 1/2 tổng thu của tỉnh Kiên Giang, đã cho thấy sức mạnh của hòn đảo có diện tích tương đương với quốc đảo Singapore như thế nào. Tuy nhiên theo đánh giá, đó chỉ mới là khúc dạo đầu, sức mạnh của đảo Ngọc sẽ thành “Phù Đổng” khi có những cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ Phú Quốc khoá XI, nhiệm kỳ 2015-2020: Tổng giá trị sản xuất (khu vực I và khu vực II) tăng 84,61% so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hàng năm tăng trên 13%; trong đó, đóng góp lớn nhất là lĩnh vực xây dựng tăng 14,45%/năm; riêng ngành thương mại, dịch vụ tăng gấp 2,37 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỷ, vượt 57,39% so với Nghị quyết (chỉ tiêu NQ 90.000 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Lượng khách bình quân mỗi năm tăng 27,99%; Năm 2020, lượng khách đến Phú Quốc đạt 3 triệu khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 1/3. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỷ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hàng năm tăng 19,27%.
Toàn huyện có 321 dự án đầu tư, diện tích 10.936ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 340.366 tỷ đồng. Trong đó, có 47 dự án đã đưa vào khai thác với diện tích 1.204 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 13.584 tỷ đồng; 75 dự án đang triển khai xây dựng (trong đó có 15 dự án đã khai thác một phần), diện tích 3.956 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 158.401 tỷ đồng.
Kiên Giang có diện tích trên 6.349 km2, bao gồm đất liền và hải đảo. Phía Bắc giáp Campuchia, với đường biên giới dài 56,8km, phía Nam giáp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu; phía Đông Bắc giáp An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang; phía Tây Nam là vịnh Thái Lan với bờ biển dài hơn 200km. Kiên Giang có 145 hòn đảo lớn nhỏ, lớn nhất là đảo Phú Quốc, xa nhất là đảo Thổ Chu, tạo nên 5 quần đảo: Bà Lụa, Hải Tặc, An Thới, Nam Du và Thổ Chu. Biển đảo Kiên Giang giáp với vùng biển của các nước Campuchia, Malaysia, Indonesia.
Đảo Phú Quốc nằm trong vùng biển Tây Nam Việt Nam, cách thành phố Rạch Giá 120km, cách thành phố Hà Tiên 45km, gần đường vận biển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây và cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay. Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, Phú Quốc có diện tích hơn 589 km2, dân số hơn 179.000 người. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Phú Quốc, là niềm vinh dự tự hào của người dân nơi hòn đảo.
|