Một phụ nữ cầm tấm biển có hình ảnh dưa hấu khi tham gia cuộc biểu tình ở Los Angeles, tháng 11/2023. (Ảnh: AP) |
Từ New York đến Tel Aviv, Dubai đến Belgrade, hình ảnh loại quả vỏ xanh, ruột đỏ và hạt đen giống màu quốc kỳ Palestine trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, tập hợp các nhà hoạt động không nói cùng ngôn ngữ hay cùng nền văn hóa nhưng chia sẻ mục tiêu chung.
Những người muốn thể hiện quan điểm khác biệt đã đi tiên phong trong sử dụng “algospeak”, nghĩa là sử dụng cách viết hoặc hình ảnh sáng tạo để vượt qua sự kiểm duyệt.
Nhiều người trên khắp thế giới chuyển sang sử dụng thuật toán để vượt rào cản trên TikTok, Instagram và các nền tảng khác. Internet hiện nay tràn ngập hình ảnh, biểu tượng cảm xúc và các mã khác. Biểu tượng (emoji) dưa hấu là ví dụ mới nhất.
Sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Chính phủ Israel dẹp hết việc trưng cờ Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Tại thành phố Ramallah năm 1980, quân đội Israel đóng cửa phòng trưng bày của 3 nghệ sĩ vì họ treo các tác phẩm nghệ thuật chính trị mang màu cờ Palestine – đỏ, xanh lá cây, đen và trắng.
Nghệ sĩ Sliman Mansour kể lại rằng một sĩ quan Israel bảo ông không được tổ chức triển lãm nếu quân đội không cho phép, và không được vẽ bằng màu cờ của Palestine.
Sĩ quan này đề cập đến quả dưa hấu như một ví dụ về nghệ thuật vi phạm quy định của quân đội. Để phản đối, mọi người bắt đầu sử dụng hình ảnh loại trái cây này ở nơi công cộng để thể hiện thông điệp chính trị.
“Có câu chuyện về những chàng trai trẻ hiên ngang đi trên đường với những miếng dưa hấu trên tay, bất chấp nguy cơ bị lính Israel bắt giữ. Khi tôi nhìn thấy quả dưa hấu, tôi nghĩ đến tinh thần bất khuất của người dân chúng tôi”, tác giả Mahdi Sabbagh sinh ra ở Jerusalem viết.
Một cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Palestine ở Toronto, Canada. (Ảnh: AP) |
Từ giữa những năm 90, thời điểm Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình tạm thời, cho đến thời Chính phủ Israel hiện tại, việc treo cờ Palestine vẫn là một vấn đề lớn.
Một năm trước, Bộ trưởng An ninh quốc gia cực hữu Itamar Ben-Gvir của Israel cấm treo cờ Palestine ở những nơi công cộng, bất chấp sự phản đối kịch liệt. Đáp lại, Zazim, một nhóm hoạt động gồm người Israel gốc Ả-rập và Do Thái, đã dán trên những chiếc xe taxi ở Tel Aviv miếng dán hình dưa hấu cỡ lớn kèm theo dòng chữ: “Đây không phải quốc kỳ của Palestine”.
“Thông điệp của chúng tôi gửi tới chính phủ rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ luôn tìm cách vượt qua bất kỳ lệnh cấm vô lý nào và chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và dân chủ, cho dù điều này liên quan đến cờ Palestine”, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố.
Đối với một số người, việc đề cao màu cờ là nỗ lực vì tự do và bình đẳng chứ không chỉ vì một nhà nước.
“Tôi chưa bao giờ quan tâm đến cờ hay chủ nghĩa dân tộc. Nhưng khi nói đến Palestine, đó là lá cờ của một dân tộc thuộc địa chưa bao giờ được độc lập. Và bởi vì nó đã bị cấm nên trở thành biểu tượng của sự phản kháng hơn là của chủ nghĩa dân tộc”, ông Mayssoun Sukarieh, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông tại King’s College London, nhận xét.