Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Giáo dục không thể nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm đã có những chia sẻ với tân sinh, sinh viên về nghề giáo cũng như vai trò của giáo dục trong sự nghiệp trồng người. 

Mở đầu bài phát biểu, GS Minh khẳng định những sinh viên lựa chọn ngành sư phạm hẳn trong sâu thẳm trái tim của mỗi em đều nặng tình yêu thương với con người, với quê hương đất nước; trong trí tuệ thông minh của mỗi em đều mong muốn có nhiều tri thức để đem đến cho trẻ, cho cộng đồng và điều đặc biệt trân quý đó là trong mỗi em đều tiềm ẩn đức hi sinh, để bắt đầu cho một sự dấn thân cao cả trong tương lai.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Giáo dục không thể nhập khẩu ảnh 1

GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (người đeo cà vạt) trao phần thưởng cho các tân sinh viên có thành tích xuất sắc. Ảnh: Duy Phạm

"Thầy khâm phục các em vì bản lĩnh, vì rằng, giữa ngổn ngang của biết bao trăn trở, giữa những so bì hơn thiệt, giữa những tác động ngoại cảnh đang dội vào trong tâm tư các em, các em đã quyết chí đến với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và phần lớn các em sau này sẽ trở thành nhà giáo", ông Minh nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Giáo dục không thể nhập khẩu ảnh 2

Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm rạng ngời trong lễ khai giảng được tổ chức đúng ngày thành lập trường. Ảnh: Duy Phạm

Đối với sinh viên, ông Minh cho rằng hãy bắt đầu cho một cách nghĩ mới. Đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới và người tạo ra nó không ai khác chính là các em. Học đại học là học cách đề xuất vấn đề, cách giải quyết vấn đề, và mục đích làm được gì; tức là học phương pháp làm việc hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dặn dò sinh viên hãy vì một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. Hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Giáo dục không thể nhập khẩu ảnh 3

Nét trong trẻo của các nhà giáo tương lai. Ảnh: Duy Phạm

"Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau. Mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai", ông Minh mong muốn.

Theo ông, mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng. Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh, và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo mà hãy đồng hành.

Chính người lớn có lúc đã tước mất quyền vô tư con trẻ. Trẻ phải được vui chơi, được học hành và được chăm sóc. Bình đẳng cần được nhận thức đúng mực, không phải đồng phục và cào bằng. Khi dám đối diện với sự thật thì mới dám thay đổi.

Một điều nữa mà GS Nguyễn Văn Minh muốn gửi gắm đến các tân sinh viên, các tân nhà giáo tương lai rằng giáo dục nhiều nước rất hay, nhưng giáo dục không thể nào nhập khẩu, nó phải gắn với điều kiện văn hóa, kinh tế của mỗi đất nước.

Vì vậy, ông tin rằng một thế hệ mới, hãy nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn.

"Thầy tin tưởng các em, vì trong sâu thẳm của các em đang ẩn chứa đức hi sinh cao đẹp", GS Minh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.