Việc bà hiệu trưởng bắt học sinh trả lời với 19 câu hỏi chỉ là phiếu điều tra, khảo sát bình thường nhằm làm "sáng tỏ" về 231 cái tát có được phép không?
Luật sư Hòa cho rằng, việc phát phiếu điều tra cho các cháu ở lứa tuổi này hoàn toàn không phù hợp vì sẽ tác động vào tâm lý trẻ. Ở lứa tuổi các học sinh này còn chưa nhận thức được hành vi nhưng lại trở thành đối tượng liên quan trực tiếp đến các hoạt động phục vụ cho việc báo cáo, điều tra như vậy là không phù hợp.
“Vì vậy, việc hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh yêu cầu các em phải ghi rõ họ và tên, lớp, trả lời tất cả các câu hỏi theo phiếu in sẵn đã gây áp lực rất lớn đến tâm lý của các em học sinh này”- luật sư Hòa nhấn mạnh.
Luật sư Hòa cho rằng, hiệu trưởng phải là người nhận trách nhiệm vụ này. Ngoài ra, hiệu trưởng đáng ra phải là người khuyến khích, động viên học sinh và đứng ra bảo vệ các cháu sau sự việc.
“Đằng này, việc đi tát bạn đã phải làm theo sự chỉ đạo của cô giáo trong khi các cháu chưa nhận thức được hành vi của mình. Và bây giờ, các học sinh này lại phải bị “hỏi cung” theo ý của cô hiệu trưởng”- vị luật sư này cho hay.
Trong khi đó, luật sư Hòa cho rằng, đúng ra, ở lứa tuổi học sinh này cần phải bảo vệ các em, vì các em vẫn là trẻ em.
“Trong các văn bản về quy định quy chế học sinh thì các cháu cũng không phải là đối tượng chịu trách nhiệm. Trường hợp các em chưa đủ 18 tuổi bị truy cứu trách nhiệm- người chưa thành niên thì việc lấy lời khai bắt buộc phải có người giám hộ, phụ huynh hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”- luật sư Hòa nhấn mạnh thêm.
TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, sự việc phát phiếu điều tra bắt học sinh trả lời thể hiện, bà hiệu trưởng không chấp nhận rằng mình sai, mình cần phải sửa lỗi, muốn ép phần sai sang phía trẻ em hoặc muốn chứng minh là mọi việc không quá nghiêm trọng như báo chí đăng tin.
“Tôi kiến nghị với UBND Huyện Quảng Ninh sẽ cắt chức hiệu trưởng và để người khác đảm nhận nhiệm vụ giáo dục trẻ thay cho vị này”- bà Hương chia sẻ.
Trước đó, phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác nhận, đơn vị này vừa nhận được báo cáo số 46 từ Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, xã Duy Ninh về việc nhà trường đã điều tra các học sinh bằng phiếu điều tra liên quan đến vụ em H.LN (11 tuổi) bị 231 cái tát gây xôn xao dư luận.
Hiệu trưởng nhà trường lý giải việc buộc 23 học sinh trong lớp liên quan đến việc tát em N. viết lời khai với 19 câu hỏi chỉ là phiếu điều tra, khảo sát bình thường nhằm làm "sáng tỏ" về 231 cái tát.
"Cô giáo trong vụ tát học sinh đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Cô giáo hiệu trưởng lại đi làm một việc rất phản giáo dục, yêu cầu học sinh khảo sát một sự việc mà nó đã rất rõ ràng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
"Cách đưa ra 19 câu hỏi rồi bắt học sinh trả lời như "hỏi cung" không ai có thể đồng tình. Những người làm ra các câu hỏi này thể hiện sự ngớ ngẩn", GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo"Bắt trẻ em trả lời như vậy thể hiện người ta đã nghĩ sẵn và nghĩ kỹ cách làm thế nào để chứng minh chuyện ấy không có gì nghiêm trọng, chỉ là sai sót của cá nhân chứ không phải để sửa chữa lỗi lầm", PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn Hà Nội.
"Ban giám hiệu đã chỉ đạo thực hiện lấy lời khai của học sinh từ chiều 24/11. Dù dưới hình thức gì thì việc làm này theo lãnh đạo Cục Nhà giáo đều không thể chấp nhận được", ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT.
"Có vẻ như vị hiệu trưởng này đang cố gắng vùng vẫy để giảm nhẹ trách nhiệm của chính mình. Nhưng càng làm càng trở nên lố bịch. Lẽ ra trường phải họp để kiểm điểm rút kinh nghiệm chứ không phải đi khảo sát học sinh tát nhẹ với tát nặng", Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục tại TPHCM.