Hiệu trưởng bị tố 'ăn chặn' học bổng của học sinh

Trường THPT Dân tộc nội trú, nơi có nhiều sai phạm trong thu chi tài chính mấy năm gần đây. Ảnh: Lê Hoàng.
Trường THPT Dân tộc nội trú, nơi có nhiều sai phạm trong thu chi tài chính mấy năm gần đây. Ảnh: Lê Hoàng.
Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá bị tố cáo duyệt sai nguyên tắc hàng tỷ đồng chi trả chế độ cho học sinh. Trong đó, khoản tiền học bổng của các em được cho là bị 'xà xẻo' số lượng lớn.

Theo đơn thư tố cáo của cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, ngôi trường này đã xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động thu chi tài chính gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 109/2009 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc, học sinh đạt thành tích xuất sắc hàng năm sẽ được thưởng 800.000 đồng, giỏi là 600.000 đồng và khá là 400.000 đồng mỗi em.

Tuy nhiên, suốt 5 năm làm hiệu trưởng (từ năm 2009 đến nay), bà Phạm Thị Hà đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn chỉ chi thưởng 10-30% trên tổng số tiền Nhà nước chi trả cho học sinh. Cá biệt, có năm học sinh xếp loại khá trường này không được thưởng. Như năm 2011-2012, toàn trường có 52 học sinh giỏi nhưng chỉ được thưởng 150.000 đồng/học sinh; 443 học sinh tiến tiến cũng chỉ được thưởng 50.000 đồng/em (mỗi định xuất bị cắt xén 350.000 đồng).

Tổng cộng, 5 năm qua, riêng khoản tiền thưởng cho học sinh giỏi, tiên tiến, bà Hà và thuộc cấp bị cáo buộc đã “ăn chặn” của học sinh là hơn 850 triệu triệu đồng.

Lý giải cho sai phạm này, bà Phạm Thị Hà cho hay, nhà trường đã “vận dụng linh hoạt” chính sách chi thưởng cho học trò. Số tiền dư, theo bà Hà đã được dùng để tổ chức cho thầy trò đi du lịch, tổ chức sự kiện, thưởng đột xuất… Tuy nhiên, bà Hà không cung cấp được hồ sơ, chứng từ chứng minh việc chi tiền thưởng vào các hoạt động khác.

Ngoài ra, cũng theo tố cáo, quỹ hội phụ huynh là phần đóng góp tự nguyện, do cha mẹ học sinh quản lý. Tuy nhiên, ở trường này đều bị khấu trừ thẳng vào tiền học bổng của học sinh. Mỗi năm, tuỳ từng lớp, số tiền bị trừ khác nhau, nhưng không dưới 8 triệu đồng.

Theo quy định, học sinh học tại trường dân tộc nội trú đều được cấp tiền tư trang quần áo, cặp sách, giấy bút… Số tiền chi mua các vật dụng này được tính trong ngân sách chi giáo dục đào tạo hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước. Song trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá vẫn bắt học sinh đóng góp bằng cách trừ thẳng vào học bổng. Cụ thể, lớp 10D năm học 2012 bị trừ 6,9 triệu đồng may áo đồng phục, lớp 10D trong quý IV năm học 2013 bị trừ số tiền gần 7,6 triệu đồng; lớp 10C trong quý IV/2012 cũng bị trừ hơn 7,1 triệu đồng…

Lý giải việc này, ông Cao Chí Kiên, Kế toán trưởng nhà trường nói: “Có thể nhà trường mua thêm quần áo gì đó cho các em”. Tuy nhiên, các học sinh cho hay, chỉ nhận được một áo sơ mi có gắn logo nhà trường theo hướng dẫn. Ngoài ra nhà trường không mua thêm bất kỳ bộ quần áo nào khác. Ông Kiên cũng không cung cấp được chứng từ, hồ sơ mua áo cấp thêm cho học sinh ngoài tiêu chuẩn.

Tương tự, Thông tư 109 quy định, Nhà nước chi tiền mua bảo hiểm y tế, chi mua sổ y tế, khám sức khoẻ y tế thông thường hàng năm cho học sinh, song lãnh đạo trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa cũng được cho đã “tịch thu” khoản này của các em, thông qua việc trừ thẳng vào học bổng. 

Bà Phạm Thị Hà thừa nhận “thu chi như thế là sai”, song bản thân bà chưa hề biết chuyện này. “Cái này là do tài vụ, kế toán, thủ quỹ làm ẩu”, bà Hà nói. Tuy nhiên, bà Quách Thị Linh, thủ quỹ nhà trường khẳng định: “Chỉ thực hiện khi có chữ ký của hiệu trưởng và kế toán trưởng”.

Ngày 26/12, trao đổi với VnExpress, ông Trịnh Xuân Cảnh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, Sở đã nhận được đơn tố cáo về những dấu hiệu sai phạm tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và đang giao cho bộ phận thanh tra thành lập đoàn thẩm tra xác minh.

Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hoá tiền thân là Trường Thanh niên Dân tộc và Trường Bổ túc Công nông cùng được thành lập năm 1970 tại huyện Ngọc Lặc. Đến năm 1985, hai trường sáp nhập thành Trường THPT Dân tộc Nội trú. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ các dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng miền núi và dân tộc của tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ cho học sinh vùng cao, vùng dân tộc theo học tại đây.

                                                                                     Theo Lê Hoàng

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.