Đưa chính sách vào cuộc sống
Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế, thổi luồng gió mới cho việc thực hiện chính sách BHXH theo hướng linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập quốc tế. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, bên cạnh sự quyết liệt và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành BHXH cũng tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân; nâng cao hơn nữa năng lực và chất lượng phục vụ, quyết tâm biến những thách thức thành cơ hội để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
BHXH tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương điển hình trong việc đưa Nghị quyết 28-NQ/TW vào cuộc sống. Điển hình như xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp. Nắm bắt thực tế đó, BHXH huyện Nghĩa Đàn đã phối hợp với Bưu điện huyện, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện. Trước khi tới từng nhà, gặp từng người, cán bộ BHXH và Bưu điện tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động, hoàn cảnh từng người.
Việc tuyên truyền được vận dụng tối đa các hình thức như gặp trao đổi, các đoạn phim giới thiệu… đểu cung cấp thông tin về mức đóng, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, sau mỗi buổi tuyên truyền, hàng chục người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại bàn tư vấn, đại lý thu.
Ông Đặng Văn Bình là người đăng ký 2 hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện ngay sau buổi tuyên truyền của BHXH Nghĩa Đàn cho biết, bản thân ông đã tham gia BHXH gần 30 năm và đang hưởng hưu trí. Vì vậy, khi biết đến BHXH tự nguyện, ông quyết định đăng ký tham gia cho vợ và con trai đều là những lao động tự do. “Đây là sự đầu tư đúng đắn, có lợi nhất với gia đình để đề phòng những rủi ro khi già yếu, bệnh tật trong tương lai”, ông Bình chia sẻ. Tương tự, gia đình bà Phan Thị Khoa (Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn) kinh doanh tại chợ Nghĩa Hội cho hay, nhà bà có 5 người trong độ tuổi lao động, thì 4 người đã tham gia BHXH tự nguyện.
“Tôi đã tham gia BHXH bắt buộc được hơn 10 năm thì nghỉ việc về nhà buôn bán nhỏ, song tôi vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 1,5 triệu đồng/tháng, đóng 6 tháng 1 lần. Việc có thể lựa chọn đóng theo tháng, quý hoặc năm rất thuận lợi, linh hoạt và phù hợp với những người đi làm các công việc thời vụ”, chị Nguyễn Thị Hương (xã Nghi Tiến, Nghi Lộc) chia sẻ.
Tại huyện Yên Thành, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, việc phát triển BHXH tự nguyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, toàn huyện có trên 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Riêng 5 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 3.000 người tham gia mới. “Chúng tôi thông qua mạng lưới cộng tác viên là những Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và Chi hội Phụ nữ… tại các xóm. Đây là lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà, đưa được chính sách BHXH đến từng người dân. Đồng thời, cán bộ BHXH kết hợp triển khai đưa thông tin đến cho dân nghe, dân hiểu, dân tin, cùng chia sẻ và tháo gỡ khó khăn với họ”, bà Hoàng Thị Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành chia sẻ.
Hướng tới BHXH toàn dân
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã bám sát Chương trình hành động số 107 của BHXH Việt Nam và quán triệt đến từng đơn vị trực thuộc cũng như từng cán bộ nhân viên, người lao động. Từ đó, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28.
BHXH tỉnh Nghệ An cũng chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phù hợp với từng thời điểm, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Bên cạnh tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, BHXH tỉnh còn đẩy mạnh triển khai tuyên truyền trên mạng xã hội; mỗi cán bộ, người lao động trong đơn vị phải là một tuyên truyền viên đưa chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tại các hội nghị tuyên truyền về tận thôi, bản, BHXH các huyện kết hợp trao quyết định hưởng chế độ hưu trí cho những người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn, hoặc trao sổ BHXH cho những người tham gia mới…
Là một trong những tổ chức hội liên kết chặt chẽ với ngành BHXH “phủ sóng” BHXH tự nguyện, bà Nguyễn Thị Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Thành cho biết: “Tuyên truyền BHXH tự nguyện phải đúng, trúng từng đối tượng, phù hợp với từng hoàn cảnh. Cán bộ phụ nữ thường có sự thấu hiểu và tinh tế, sâu sát hơn với mỗi gia đình, nên quá trình tuyên truyền cũng thuận lợi hơn. Qua đó phổ biến kiến thức, thay đổi nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện”.
Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Nghệ An cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính; thay đổi tác phong phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Nghệ An đã có 41.466 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 101,89% kế hoạch năm), và tăng 10.252 người tham gia so với cuối năm 2018.