“Lục Vân Tiên” giữa đời thường, Kỳ 1:

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng, khắc tinh trộm cướp trên phố

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng phụ vợ bán hàng rong trên phố Ảnh: Văn Minh
Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng phụ vợ bán hàng rong trên phố Ảnh: Văn Minh
TP - Ngày ông chạy xe ôm, phụ vợ bán hàng rong trên hè phố, đêm xuống, ông cùng đồng đội rong ruổi khắp các con đường để giữ bình yên cho phố phường. "Cái nghiệp nó vận vào đời không biết tự bao giờ…"- hiệp sĩ Trần Văn Hoàng, người lo việc bao đồng ấy, bộc bạch.

25 năm lo “chuyện thiên hạ”

Sau biến cố nhóm hiệp sĩ Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM) bị bọn trộm xe SH tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong, thủ lĩnh nhóm Trần Văn Hoàng vẫn chưa nguôi nỗi đau: “Thương tật trên người tui không là gì so với mất mát quá lớn của hai đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình suốt bao năm qua”.

Trở về sau nhiều tuần nằm viện “chiến đấu” với tử thần, người đàn ông có dáng người nhỏ bé, gầy còm lại lao vào công việc thường nhật chạy xe ôm, phụ vợ bên gánh hàng rong trên hè phố bươn chải mưu sinh.

Nói về cuộc đời, bản thân ông đúc kết: “Số vợ chồng tui nghèo từ trong bụng mẹ nghèo ra. Lớn lên cũng không khá gì hơn, từ đi làm thuê làm mướn, đến chạy xe ôm đầu đường xó chợ”.

Trong những lúc rảnh rỗi ông lại rong ruổi trên đường phố “săn” bọn trộm cướp. Công việc chẳng ai thuê, cũng chẳng có đồng lương nào nhưng lại đối mặt với đủ thứ nguy hiểm. Ấy vậy ông vẫn an nhiên làm ngót nghét 25 năm nay. Ngần ấy thời gian, ông nhẩm tính đã phát hiện, bắt hơn 500 vụ trộm cướp.

Nhớ lại cơ duyên đưa ông đến cái danh “hiệp sĩ” đường phố vốn lành ít dữ nhiều, ông kể: “Hồi đó vào những năm 1990, trong một buổi mình đạp xe trên phố thì thấy người dân truy hô bị cướp giật. Vốn là dân Bình Định, trong người cũng có ít món võ nghề nên chẳng thể làm ngơ. Tui quăng xe vào lề đường, đuổi theo tên cướp cả trăm mét mới hạ được”.

Lần đầu làm được việc nghĩa khiến ông cảm thấy vui sướng tột cùng. Dù chiếc xe đạp bị hư hỏng, ông phải dắt bộ về nhà, mất mớ tiền đi sửa lại. “Vậy mà vui. Rồi từ đó mình đến với cái nghiệp đi bắt trộm cướp từ khi nào không biết”, hiệp sĩ Hoàng chia sẻ.

Từng sống đi chết lại

Đó là một đêm định mệnh của nhóm hiệp sĩ Tân Bình khiến cộng đồng mạng, dư luận thương xót, khi 2 trong số 5 hiệp sĩ bắt nhóm trộm xe máy tử vong vào đêm 13/5.

Bản thân hiệp sĩ Hoàng cũng bị đâm thủng ruột. “Thập tử nhất sinh” trong hôn mê suốt nhiều ngày liền, những tưởng “tử thần” đã đưa ông đi nhưng không ngờ lại trả ông lại…

Người nhà cũng cố giấu ông về chuyện hai “đồng đội” đã chết để ông yên tâm dưỡng thương, nhưng ông cứ hỏi hoài về tình hình của mấy anh em trong nhóm buộc chị Trương Thị Xí - vợ ông cũng phải nói sự thật cho ông biết.

“Nghe tin thằng Nam và Thôi chết mà tui điếng người. Tự trách mình sao lúc đó không làm gì để cứu anh em. Càng trách hơn khi bản thân là thủ lĩnh nhóm đã quá chủ quan để xảy ra cơ sự không thể tha thứ được”, ông Hoàng dằn vặt bản thân.

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng, khắc tinh trộm cướp trên phố ảnh 1 Hiệp sĩ đường phố Trần Văn Hoàng

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng (SN 1971, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) là người được tuyên dương 2 lần trong chương trình “Gương sáng phố phường” của TPHCM vào các năm 2014 và 2018. Đây là chương trình tuyên dương những người có đóng góp tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Gặp ông sau khi ra viện, tôi hỏi ông: “Từ ngày xuất viện về đến giờ, ông có tiếp tục công việc săn bắt trộm cướp nữa không? Ông gật đầu: “Có chứ! Vài trận rồi”.

“Mà nói thật, không được sung sức như trước, nên việc chính vẫn do một số anh em đeo bám theo”, hiệp sĩ Hoàng cho biết.

Ông bảo những ngày nằm viện cảm thấy ngứa ngáy lắm. Nhớ những đêm cùng anh em rong ruổi trên các con đường, cùng chia sẻ những khó khăn vất vả nhưng thành quả là mang lại bình yên cho phố phường càng khiến ông muốn bước xuống giường bệnh ngay.

Nhìn ông vốn một người có dáng mỏng cơm, chẳng ra dáng nào là hiệp sĩ nhưng những gì ông làm được mọi người đều ngạc nhiên không hiểu sức mạnh nào cho ông dũng khí.

Ông luôn hiên ngang, không sợ bị trả thù. Từng nhiều lần bị băng nhóm trộm cướp đe dọa bản thân và gia đình vì cái tội phá “nồi cơm”, nhưng ông tâm sự, cái tốt mà thua cái xấu thì cuộc đời này đen tối quá.

Việc của ông, ông cảm thấy có ý nghĩa thì cứ làm. Ông có chiếc xe máy cũ là chiến hữu suốt bao năm qua. “Nó là “con ngựa” chiến mà tôi ưng ý nhất đấy. Từng vào sinh ra tử với tui và anh em trong nhóm. Nhiều thằng trộm cướp đã ngã dưới chân con “ngựa sắt” này”, ông Hoàng tự hào.

Nhiều đêm bỏ vợ bỏ con ở nhà để đi bắt trộm cướp, bà vợ Trương Thị Xí không trách mà còn tấm tắc khen.

Ngồi bán hàng rong trên vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TPHCM), bà Xí tự hào kể: “Anh em trong nhóm nể ổng lắm bởi nhỏ người chứ lì đòn. Gặp mấy thằng trộm cướp cỡ nào ổng cũng chơi khô máu… chẳng sợ”.

Anh em đồng nghiệp cũng từng đánh giá, với bản tính gan lì, liều lĩnh và không sợ nguy hiểm ấy đã giúp ông bắt được nhiều vụ trộm cướp nguy hiểm.

Cũng chính vì thế mà sau này ông mới nhận ra rằng, việc quá tự tin dẫn đến chủ quan, không đề phòng khi gặp bọn trộm cướp khiến ông và đồng đội phải trả giá quá đắt.

Ông bảo thời nào cũng có mấy thằng trộm cướp nguy hiểm, miễn mình sơ hở thì bị chúng nó “đớp” liền.

Hiện tại, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng bắt tay vào việc chấn chỉnh nhóm hiệp sĩ Tân Bình để hoạt động bài bản, an toàn hơn. “Nhóm sẽ không tự ý truy bắt tội phạm mà phải đeo bám, báo ngay với công an để phối hợp xử lý, làm sao an toàn nhất mà vẫn hiệu quả”, hiệp sĩ Hoàng đúc kết.

Thực tế hiện nay vẫn có một số người lợi dụng danh nghĩa hiệp sĩ để tư lợi cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của những người hiệp sĩ chân chính. Chia sẻ về việc này, thủ lĩnh nhóm hiệp sĩ Tân Bình cam kết sẽ không để mất lòng tin ở người dân, cố gắng làm tốt công việc của nhóm để mang lại bình yên cho phố phường.     

Tại cuộc họp thông tin về các đối tượng cuồng sát nhóm hiệp sĩ Tân Bình trên phố, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết: “Mô hình hiệp sĩ đường phố nếu hoạt động có hiệu quả, làm nhiều việc nghĩa thì được công an, chính quyền và người dân ghi nhận, khen thưởng xứng đáng".

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Minh, không phải ai muốn trở thành hiệp sĩ đều được. Công an TPHCM đang nghiên cứu, hoàn chỉnh quy chuẩn, quy chế về mô hình này để góp phần phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố.

MỚI - NÓNG