> Hiến pháp phải để toàn dân hiểu
> Cuối năm càng khó vay vốn kinh doanh
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 400 hiệp hội hoạt động.
Điểm đáng chú ý, phần lớn hiệp hội đều có bộ máy già mang đậm dấu ấn hành chính. Có tới 83% là cán bộ từng công tác ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước, có tới 26 chủ tịch hiệp hội nguyên là Thứ trưởng các Bộ.
“Đặc trưng này khiến hiệp hội mang nặng dấu ấn hành chính, thiếu dân chủ, hạn chế về trách nhiệm và trình độ”- Ông Tuấn cho biết.
Phân tích về yếu tố trên, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ hậu gia nhập WTO, ông Trịnh Minh Anh cũng cho rằng, việc mời các quan chức về hưu làm chủ tịch hiệp hội có nguyên nhân một phần từ việc doanh nghiệp vẫn ỷ lại vào nhà nước muốn dễ vận động chính sách và xin kinh phí.
Xu hướng khác nữa là bầu giám đốc doanh nghiệp thành viên mạnh nhất trong ngành hàng làm chủ tịch.
Ưu điểm nhằm mạnh về kinh phí hoạt động nhưng dễ có sự phân biệt đối xử với các thành viên, đặc biệt là khi ra chính sách hoặc phân bổ hạn mức.
Theo các đại biểu tham dự, hiện còn nhiều khoảng tối khoảng mờ trong hoạt động của các hiệp hội. Điểm bất cập có thể thấy là 100% hiệp hội không có trụ sở.
Ông Đặng Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên kể: hiện hội không có trụ sở riêng, lương không, cán bộ chỉ “ăn” lương hưu đơn thuần trong khi kinh nghiệm không có, cán bộ trẻ không ai vào hiệp hội.
Bà Hoàng Thị Thái, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An cho biết, hiện có 5.000 hội viên nhưng từ 2005 đến nay hội đang hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc, không kinh phí, không trụ sở”.
“8 năm hoạt động nhận 36 người vào làm việc rồi lại lần lượt ra đi. Đề nghị VCCI kiến nghị Nhà nước có chính sách và cơ chế hỗ trợ hiệp hội doanh nghiệp hoạt động”- Bà nói.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong thực tế, đã có một số tỉnh hào phóng cấp kinh phí, trụ sở, biên chế và cấp cả ô tô cho các hiệp hội hoạt động.
Tuy nhiên, với cơ chế này, các hiệp hội sẽ không còn tính độc lập khi vận động chính sách và hướng đến phục vụ nhà nước chứ không phải phục vụ doanh nghiệp.
“Không phải có tiền mới làm được hiệp hội. Các anh phải mở hướng liên kết rộng với các nhà chuyên môn như công ty luật, giảng viên đại học để tăng khả năng nghiên cứu chuyên nghiệp. Cũng có thể mở rộng liên kết qua mạng xã hội”- TS Lê Đăng Doanh đề xuất.