Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong:

Hiện thực hóa 'giấc mơ đại ngàn'

0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 6. Ảnh: Như Ý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 6. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 25/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch kiểm tra công tác chuẩn bị Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 62 diễn ra tại thành phố Pleiku.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Lịch cho biết, tỉnh Gia Lai đánh giá rất cao uy tín của giải. “Lãnh đạo tỉnh Gia Lai mong muốn giải đấu là một sự kiện văn hoá, thể thao và kinh tế. Chúng tôi xác định các khâu chuẩn bị phải tốt nhất, đảm bảo tổ chức thành công giải đấu. Qua giải đấu, chúng tôi mong muốn giới thiệu với các vận động viên, các nhà tài trợ, bạn bè, du khách trong và ngoài nước một hình ảnh Gia Lai đầy tiềm năng, thế mạnh, đặc sắc về văn hoá, tạo ấn tượng một Gia Lai thân thiện, mến khách, là điểm đến đầy thú vị trong vùng đất Tây Nguyên”, bà Lịch nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, các đơn vị chức năng của tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku đã chuẩn bị chu đáo nhất, từ công tác hậu cần, đường chạy cho các vận động viên, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Gia Lai yêu cầu kiểm soát từ xa và giám sát y tế khi các vận động viên, du khách đến với Gia Lai, đảm bảo giải diễn ra an toàn nhất. “Người dân Gia Lai rất phấn khởi, thích thú, theo dõi rất sát giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 62… Các điểm đến như nhà hàng, địa điểm du lịch những ngày qua rất náo nhiệt. Người dân Gia Lai đã sẵn sàng tâm thế tổ chức giải đấu, và tin rằng giải sẽ thành công”, bà Lịch chia sẻ thêm.

Bà Lịch nhấn mạnh, Gia Lai là một tỉnh Tây Nguyên, có nét văn hoá đặc trưng của Tây Nguyên đại ngàn. Rừng không chỉ là môi trường, không chỉ là kinh tế mà còn là văn hoá, là hơi thở, đời sống của người dân trong tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ này là bảo vệ rừng, khôi phục, phát triển rừng, trồng cây gây rừng với mong muốn giữ được đại ngàn cho Gia Lai, cho Tây Nguyên.

“Chính vì thế, chủ đề của giải đấu - Giấc mơ đại ngàn, các hoạt động bên lề rất phù hợp, chúng tôi ủng hộ, đánh giá rất cao. Chúng tôi thấy rằng, giấc mơ đại ngàn chính là giấc mơ của Gia Lai chúng tôi trong tương lai. Tỉnh Gia Lai có tiềm năng, thế mạnh trong du lịch với cộng đồng 44 dân tộc anh em. Nét đặc sắc văn hoá của đồng bào Jrai, Ba Na, cũng như đặc sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những thế mạnh của tỉnh chúng tôi. Chúng tôi mong muốn, qua giải đấu sẽ quảng bá hình ảnh Gia Lai đến với mọi người, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cũng như tiềm năng khác về nông nghiệp, về năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế xã hội Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung một cách bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu.

Cam kết sẽ không nâng giá

Chiều 25/3, ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai cho biết, ước tính Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 62 diễn ra tại thành phố Pleiku thu hút khoảng gần 5.000 VĐV chuyên và không chuyên. Thường các VĐV sẽ có người thân đi theo. Bởi vậy, đây là dịp để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm địa phương. Theo ông Nhung, hiện thành phố Pleiku và Sở Công Thương Gia Lai đã có gần 50 gian hàng với các sản phẩm, thương hiệu uy tính nhất của địa phương bày bán, giới thiệu quanh khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, phục vụ VĐV, khách du lịch. “Sở đã có công văn chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, hàng quán không nâng giá thời điểm diễn ra giải Tiền Phong Marathon", ông Nhung chia sẻ.

Về công tác phòng chống COVID-19, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tổ chức giải đấu. Trên cơ sở này, Sở Y tế Gia Lai xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19 với nhiều cấp độ khác nhau, đặc biệt là phương án ứng phó nếu ghi nhận trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian diễn ra giải.

Hiện thực hóa 'giấc mơ đại ngàn' ảnh 1
MỚI - NÓNG