Hiến pháp thể hiện ý Đảng, lòng dân

Hiến pháp thể hiện ý Đảng, lòng dân
TP - Nhân dịp đầu năm mới 2014, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ với Tiền Phong về một số thành tựu nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm qua, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh:

Năm 2013 là một năm hoạt động của Quốc hội đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đất đai (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và những năm còn lại của kế hoạch 5 năm. Đây cũng là năm đầu tiên Quốc hội tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

VƯỢT QUA THÁCH THỨC

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới. Ảnh: Hồng vĩnh
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới. Ảnh: Hồng vĩnh.
 

PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2013 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; đây là năm Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho giai đoạn mới?

Bà Tòng Thị Phóng: Đúng là như vậy. Năm 2013 là thời điểm để chúng ta nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm, bảo đảm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng phục hồi chậm; ở trong nước, lạm phát tăng, tồn kho, nợ xấu cao, ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước chuyển tích cực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được những kết quả bước đầu. Lĩnh vực văn hóa, thông tin được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị được giữ vững, đối ngoại tiếp tục mở rộng…

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết; chấp nhận tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, có nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Đây là những tiền đề quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà phát triển bền vững cho năm 2014 và những năm tiếp theo. Mục tiêu tăng GDP bình quân 2 năm 2014-2015 khoảng 6% và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ nợ công trong giới hạn an toàn, trả được nợ và có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…

QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THUỘC VỀ NHÂN DÂN

PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Quốc hội đã phát huy trí tuệ của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp như thế nào?

Bà Tòng Thị Phóng: Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để toàn dân tham gia ý kiến.

Sự kiện quan trọng này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn dân, thu hút sự quan tâm sâu sắc và đồng tình ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Có thể nói, cả hệ thống chính trị của chúng ta, nhân dân ta đã vào cuộc, đồng lòng tham gia xây dựng và hoàn thiện bản Hiến pháp này!

Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của nhân dân với Đảng. Đồng thời, nhân dân cũng mong muốn và yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

PV: Hiến pháp thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Bà Tòng Thị Phóng: Hiến pháp đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đây là quan điểm chủ đạo xuyên suốt nội dung của Hiến pháp, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước là ở Nhân dân, thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Hiến pháp khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Ngay từ Lời nói đầu, Hiến pháp đã long trọng tuyên bố Nhân dân Việt Nam là chủ thể “xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”.

Hiến pháp bổ sung đầy đủ các hình thức Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, Nhân dân có quyền thể hiện chính kiến của mình khi Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp. Tất cả các ý kiến phải được tập hợp, tổng hợp, báo cáo Quốc hội đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời. Tư duy chính trị - pháp lý mới này xuất phát từ nhận thức sâu sắc nguyên lý “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.

PV: Hiến pháp mới bổ sung các quy định về quyền con người, đây có phải là một điểm nhấn kế thừa và làm rõ hơn nội dung quyền con người, quyền công dân trong lịch sử lập hiến của chúng ta?

Bà Tòng Thị Phóng: Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Kế thừa tinh hoa của các bản Hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo, Hiến pháp quy định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

 “Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”.  

Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng

Hiến pháp khẳng định “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; xác định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Đây là những nguyên tắc cơ bản đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với công dân, con người; phòng ngừa mọi sự tùy tiện, hạn chế các quyền này từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước.

Với những sửa đổi bổ sung quan trọng như vậy, Hiến pháp mới “là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới” đúng như lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong diễn văn Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

PHÁT HUY DÂN CHỦ TẠI DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI

PV: Năm 2013, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Thông qua các phiên thảo luận, chất vấn, nhiều vấn đề nóng bỏng mà đồng bào, cử tri quan tâm được đưa ra phân tích, bàn bạc và tìm giải pháp tháo gỡ thế nào, thưa bà?

Bà Tòng Thị Phóng: Các phiên thảo luận về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, đặc biệt là chất vấn luôn sôi động, thu hút sự quan tâm theo dõi, giám sát của cử tri và đồng bào cả nước. Trong thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội; chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó xem xét, quyết định nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho năm 2014 và các năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…

Chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành với trách nhiệm của mình giải đáp các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết. Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước.

Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến hết năm 2014 phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức.

Vấn đề quy hoạch thủy điện cũng được Quốc hội bàn bạc sôi nổi, kiên quyết loại bỏ hàng trăm dự án không bảo đảm quy hoạch. Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi để có kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ .v.v…

PV: Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bà đánh giá về ý nghĩa của hoạt động này?

Bà Tòng Thị Phóng: Thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XI của Đảng, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cho nên việc lấy phiếu được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước; đồng thời cũng thể hiện yêu cầu, đòi hỏi của cử tri, của đại biểu Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội.

Tôi rất cảm ơn về cuộc trao đổi lý thú này, về sự quan tâm toàn diện của báo Tiền Phong đối với kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII. Hoan nghênh sự phối hợp của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các cơ quan của Quốc hội trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Mong rằng năm 2014, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong sẽ có nhiều tiến bộ, thành công hơn nữa trong việc tập hợp, động viên đoàn viên, thanh niên thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua báo Tiền Phong, tôi xin chuyển lời chúc tốt đẹp nhất của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong cả nước.

Chúc các đồng chí và các bạn năm mới mạnh khỏe, có nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Nguyễn Minh Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG