Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành

Kỹ sư Nguyễn Đình Dương hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông vào hồ nội thành
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông vào hồ nội thành
TP - “Cuộc đời tôi từ thời còn trẻ đến khi về già liên tục có những sáng kiến trong công việc, trong cuộc sống. Tất cả chỉ mong muốn những sáng kiến của mình có ích, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội ngày một tốt hơn”, kỹ sư Nguyễn Đình Dương (nguyên cán bộ Bộ Công nghiệp nhẹ, nay là Bộ Công Thương) chia sẻ khi trò chuyện với bạn đọc báo Tiền Phong nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.
Ý tưởng làm sạch sông hồ
Thưa kỹ sư Nguyễn Đình Dương, điều gì thôi thúc ông liên tục có những sáng kiến và gần đây là sáng kiến xây đập tràn chân cầu Tứ Liên, dẫn nước từ sông Hồng vào các hồ nội thành TP Hà Nội?
Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành ảnh 1 Kỹ sư Nguyễn Đình Dương, cây sáng kiến không biết ngừng nghỉ
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Trước đây nguồn nước cấp cho TP. Hà Nội qua các sông: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô chảy từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Trong nội thành TP. Hà Nội có các sông: Sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Tô Lịch, sông Cà Lồ, sông Đuống và hơn 100 hồ lớn nhỏ (nay còn gần 30 hồ).

Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Tôi thường đi đi về về từ TP.Hà Nội - TP.Hải Phòng để xây dựng đề án "Sản xuất khối đá nhựa". Rồi đi thực tế dọc sông Hồng, sông Tô Lịch để nghiên cứu đề án "Xây đập tràn chân cầu Tứ Liên".Suốt những năm qua, tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến như thế. 

Sau này, nước sông Hồng cạn dần. Sông hồ trong nội thành cũng cạn, nguồn nước bị ô nhiễm. Gắn bó với sông Hồng cả đời, tôi rất hiểu. Tôi thương yêu nó như “người yêu” của mình cho nên tôi muốn làm sao sông Hồng phải được đẹp lên bằng những đề án thật có giá trị.
Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành ảnh 2 Trong đó, ông mong muốn sông hồ nội thành, cảnh quan môi trường thủ đô ngày càng trong sạch, đẹp hơn
Từ đó thôi thúc tôi suy nghĩ rất nhiều về ý tưởng cấp nước tự chảy cho sông hồ TP. Hà Nội. Qua nhiều năm nghiên cứu và đi khắp các sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Tô Lịch, sông Cà Lồ cũng như theo dõi từng vụ nước. Tôi đi đến kết luận là phải xây đập tràn để có thể đưa nước từ sông Hồng vào các sông trong nội thành như sông Tô, sông Tích, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Đáy… Lượng nước tự chảy thông qua đập tràn được đề xuất xây ở chân cầu Tứ Liên sẽ góp phần đẩy lùi nước bẩn, làm sạch tự nhiên cho các sông hồ nội thành và làm cho môi trường cảnh quan các con sông của TP. Hà Nội trở nên sạch, đẹp hơn.

"Ý tưởng xây đập tràn chân cầu Tứ Liên cho ta một hồ lớn -  hồ sông Hồng có chiều dài trên dưới 100km từ cầu Tứ Liên đến sân bay Hoà Lạc và đến Hoà Bình. Hồ có sức chứa hàng tỷ mét khối nước được cung cấp cho nông nghiệp, cho các vườn cây xanh, đồng thời tẩy rửa các sông trong nội thành rất thuận lợi, đảm bảo tất các các con sông hồ sẽ sạch, đẹp", kỹ sư Nguyễn Đình Dương nói.

Cụ thể, ta phải nâng mực nước của sông Hồng lên đủ để tự chảy vào các sông trong nội thành. Từ các con sông này ta sẽ có thêm một lượng nước để cung cấp cho các hồ. Qua quan sát tôi thấy điểm cuối cùng của các dòng sông là hồ Tây nên tôi chọn xây đập tràn ở cầu Tứ Liên là hợp lý nhất.
Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành ảnh 3 Xây đập tràn dẫn nước vào sông hồ nội thành góp phần đẩy lùi nước bẩn, làm sạch tự nhiên cho các sông hồ nội thành và làm cho môi trường cảnh quan các con sông của Hà Nội trở nên sạch, đẹp hơn
Năm 2016, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả với tác phẩm: “Xây đập tràn chân cầu Tứ Liên cho một hồ lớn trên sông Hồng -  Hồ cung cấp nước cho các sông hồ trong nội thành Hà Nội”.
Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành ảnh 4 Nước sông Hồng cạn ở các cửa cống
Ông cho biết cụ thể đề án xây đập tràn chân cầu Tứ Liên ra sao?
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Công trình của tôi thiết kế phải nâng mực nước của sông Hồng lên để tạo thành một hồ lớn cung cấp nước cho các sông trong nội thành TP. Hà Nội. 
Tại khu vực cầu Tứ Liên có ba nhánh, một nhánh là sông Đuống, còn lại là sông Hồng chia làm hai nhánh, một nhánh lớn và nhánh nhỏ. Nhánh sông Đuống tôi xây một âu thuyền để tàu bè đi lại trên sông Đuống; Nhánh giữa sông tôi xây đập tràn; Nhánh con tôi xây âu thuyền để tàu bè đi lại trên sông Hồng.
Hiến kế xây đập tràn Tứ Liên, làm sạch sông hồ nội thành ảnh 5 Cục bản quyền tác giả chứng nhận tác phẩm “Xây đập tràn chân cầu Tứ Liên cho một hồ lớn trên sông Hồng”
Để có số liệu thật chính xác tôi lấy mặt sàn cầu Long Biên làm chuẩn. Mặt nước lúc cạn của sông Hồng hàng ngày tôi đo được từ mặt sàn cầu Long Biên xuống mặt nước là 15,4m. Nước lũ về mực nước cao nhất từ mặt sàn cầu Long Biên đến mặt nước là 9m. Tôi đi dọc theo sông Hồng quan sát thấy tất cả các vùng hai bên bờ sông dân cư sinh sống không bị ảnh hưởng gì đến cuộc sống sinh hoạt của dân. Nên tôi quyết định cao trình của đập tràn là 6,4m, nước tự chảy vào các sông hồ TP. Hà Nội được.

"Tôi đã lớn tuổi và không mong muốn gì hơn khi thấy các đề tài của mình được các đơn vị trong và ngoài nước, tư nhân hay nhà nước đặt vấn đề sản xuất đại trà, việc này không chỉ góp phần giảm rác thải nhựa vừa có vật phẩm có giá trị cho xã hội. Đồng thời góp phần đẩy lùi nước bẩn, làm sạch tự nhiên cho các sông hồ nội thành và làm cho môi trường cảnh quan các con sông của TP. Hà Nội trở nên sạch, đẹp hơn", kỹ sư Nguyễn Đình Dương cho biết.

Chọn địa điểm để xây đập tràn là khu vực gần Hồ Tây, tôi xây cửa cống và đường ống chảy vào Hồ Tây và từ đây ta mở cống cho nước chảy vào sông Tô Lịch. Ở phía trên ta xây thêm 2 cửa cống cho sông Tích và sông Cà Lồ. Xây xong đập và 3 cửa cống mới ta được một hồ lớn là hồ Sông Hồng. Hồ có chiều dài trên 100km từ cầu Tứ Liên lên Hoà Bình, có sức chứa hàng tỷ mét khối nước. 
Tôi xin nói rõ hơn ưu điểm của đề tài xây đập tràn chân cầu Tứ Liên này chỉ cần một nguồn vốn rất nhỏ. Thời gian thi công nhanh, tự thiết kế và thi công không cần đến nước ngoài. Việc xây hồ mới này với thời gian ngắn nhất sẽ không phải giải toả, không phải bồi thường.
Ngoài việc dẫn nước từ sông Hồng vào các sông hồ nội thành, xây đập tràn chân cầu Tứ Liên còn có ý nghĩa gì nữa không?
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Khi xây đập tràn cầu Tứ Liên ta được một hồ lớn, rộng và rất dài. Từ cầu Tứ Liên lên Hoà Bình, lượng nước chứa rất lơn. Hồ được xây từ cầu Tứ Liên rất lớn với cao trình là 6,4 nên áp lực rất mạnh. Nước để tẩy rửa các sông hồ trong nội thành được trữ lượng lớn nên có thể cung cấp nước cho nông nghiệp đầy đủ.
Tôi xin nhắc lại, ý tưởng xây đập tràn chân cầu Tứ Liên cho ta một hồ lớn -  hồ sông Hồng có chiều dài trên dưới 100km từ cầu Tứ Liên đến sân bay Hoà Lạc và đến Hoà Bình. Hồ có sức chứa hàng tỷ mét khối nước được cung cấp cho nông nghiệp, cho các vườn cây xanh, đồng thời tẩy rửa các sông trong nội thành rất thuận lợi, đảm bảo tất các các con sông hồ sẽ sạch, đẹp. 
Về giao thông, ta có thêm một tuyến đường thuỷ từ cầu Tứ Liên lên sân bay Hoà Lạc và tỉnh Hòa Bình. Tuyến đường thuỷ phía bắc TP. Hà Nội. Ngoài ra, hồ mới còn là khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng hàng tuần cho người dân thủ đô. Hồ là nơi cung cấp thuỷ sản tôm, cua, cá cho thủ đô. Hai bên bờ sông Hồng sẽ được xây dựng thành phố rộng mở và cao đẹp.
Cây sáng kiến không biết ngừng nghỉ
Tuổi đã cao, thông thường người ta chọn nghỉ ngơi bên con cháu, tại sao ông vẫn liên lục có nhiều sáng kiến giải quyết những vấn đề xã hội đang cần như rác thải, sông hồ cạn nước gây ô nhiễm…?
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Tôi tự nhìn nhận mình là người không biết ngừng suy nghĩ, đặc biệt là suy nghĩ ra những sáng kiến, những giải pháp hữu ích mà xã hội đang cần giải quyết. 
Cuộc đời tôi từ thời còn trẻ đến khi về già liên tục có những sáng kiến trong công việc, trong cuộc sống. Tất cả chỉ mong muốn những sáng kiến của mình có ích, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội ngày một tốt hơn. Trước khi về hưu, tôi công tác tại nhà máy Sắt Tráng Men - Nhôm Hải Phòng và liên tục có nhiều sáng kiến hữu ích trong công việc được ghi nhận, đánh giá cao.
Trong đó tôi có đề tài nghiên cứu sản xuất than hoạt tính, sau này được áp dụng và tạo ra lò sản xuất than hoạt tính rất hữu ích. Rồi tôi có sáng kiến thiết kế lò tráng men giúp kéo dài thời gian hoạt động thêm 3 tháng thay vì lò tráng men nhập từ nước ngoài vào chỉ sử dụng được 6 tháng. 
Sau này về hưu, tôi không bỏ được thói quen này. Lúc thấy có nhiều rác thải nhựa cứng trong môi trường tôi lại suy nghĩ làm cách nào đó để biến chúng thành những vật phẩm có ích cho xã hội, vừa giải quyết rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Từ đó tôi nghiên cứu đề tài sản xuất khối đá nhựa dựa trên quy trình hoạt động của công trình than hoạt tính. Đề tài sản xuất khối nhựa của tôi sử dụng hết toàn bộ các loại nhựa cứng trên trái đất, đồng thời không ảnh đến môi trường sống của người dân là vậy.
Tôi đã sống ở TP. Hà Nội từ năm 1950, là học sinh tôi rất thích bơi lội. Sáng 5 giờ dậy đạp xe dọc sông Hồng để lên Quảng Bá bơi lội. Đến 7 giờ tôi về đi học ở trường Nguyễn Trãi. Cứ thế, sáng đi bơi, chiều ra bãi sông Hồng đá bóng, chơi thể thao trên các bãi cát của sông Hồng và bơi lội. Mùa nước lũ không bơi được, chúng tôi ngồi trên đê ngắm nhìn dòng nước chảy, nước lũ chảy rất mạnh không ai bơi được. Sông Hồng cứ hàng năm cạn rồi lại đầy. Ngày xưa sông Hồng là sông cái đầy nước, sông hồ trong nội thành TP.Hà Nội cũng đầy nước và sạch sẽ. Sau này tôi thấy sông Hồng và sông hồ nội thành dần cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước bắt đầu từ đây càng thôi thúc tôi phải suy nghĩ tìm cách giải quyết nó. Ý tưởng xây đập tràn chân cầu Tứ Liên từ đây mà ra. 
Trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu, công trình trên gia đình vẫn luôn ủng hộ ông chứ?
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Các con và vợ tôi đồng tình ủng hộ. Việc tôi làm cũng vì cộng đồng, xã hội thôi. Tất nhiên giai đoạn ban đầu, cả nhà ai cũng lo lắng cho sức khoẻ của tôi. Về hưu rồi tôi không chịu nghỉ ngơi mà còn lặn lội đi thực địa, thực tế để nghiên cứu, đôi lúc gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng.
Tôi thường đi đi về về từ TP.Hà Nội – TP.Hải Phòng để xây dựng đề án “Sản xuất khối đá nhựa”. Rồi đi thực tế dọc sông Hồng, sông Tô Lịch…để nghiên cứu đề án “Xây đập tràn chân cầu Tứ Liên”… Suốt những năm qua, tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến đi như thế. 
Có lúc tôi đi bằng xe máy, chở vợ theo cho đỡ buồn. Vợ tôi cũng an tâm, bớt lo lắng khi có người đi chung. Hai lần vợ chồng tôi thoát chết khi đi thực nghiệm mực nước dâng ở trên sông Nhuệ. Tôi rất biết ơn vợ và các con đã ủng hộ tôi.
Đóng góp chút sức cho xã hội
Ông kỳ vọng thế nào với hai đề tài tâm huyết nhất của mình là đề tài “Sản xuất khối đá nhựa” và “Xây đập tràn chân cầu Tứ Liên”?
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương: Như tôi đã trao đổi, hiện nay ở nước ta còn tồn đọng rất nhiều rác thải chưa được xử lý tái chế, gánh nặng cho môi trường ngày càng tăng. Chưa kể hàng ngàn container phế liệu từ nước ngoài vận chuyển vào, đang tồn đọng ở các cảng trong tình trạng vô chủ. 
Với đề tài sản xuất khối đá nhựa giúp xử lý được số rác thải nhựa hiện nay, đồng thời là một giải pháp công nghệ hữu ích để ngăn mặn, giúp bà con sản xuất nông nghiệp hạn chế thiệt hại. Tôi xin nhấn mạnh, đề tài sản xuất khối đá nhựa sử dụng hết các loại nhựa trên trái đất và không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. 
Đặc biệt, khối đá nhựa này phù hợp với tình hình đất đai ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, có thể ngăn mặn, ngăn triều cường ở các tỉnh Nam Bộ. Bởi đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất thấp, không thể dùng bê tông xi măng, sắt thép để nâng chiều cao vì nước biển ăn mòn và phá vỡ kết cấu những khối bê tông, sắt thép này. Tôi sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ mà không cần tính toán đến các yếu tố khác như tiền bản quyền. 
Với đề tài xây đập tràn chân cầu Tứ Liên, tôi xin phép một lần nữa nói rõ hơn ưu điểm của đề tài xây đập tràn chân cầu Tứ Liên này chỉ cần một nguồn vốn rất nhỏ. Thời gian thi công nhanh, tự thiết kế và thi công không cần đến nước ngoài. Việc xây hồ mới này với thời gian ngắn nhất sẽ không phải giải toả, không phải bồi thường.
Tôi đã lớn tuổi và không mong muốn gì hơn khi thấy các đề tài của mình được các đơn vị trong và ngoài nước, tư nhân hay nhà nước đặt vấn đề sản xuất đại trà, việc này không chỉ góp phần giảm rác thải nhựa vừa có vật phẩm có giá trị cho xã hội. Đồng thời góp phần đẩy lùi nước bẩn, làm sạch tự nhiên cho các sông hồ nội thành và làm cho môi trường cảnh quan các con sông của TP. Hà Nội trở nên sạch, đẹp hơn.
Năm vừa qua, miền Trung chịu nhiều thiên tai bão lũ. Tôi cũng như mọi người mong muốn đóng góp phần nào đó để người dân bớt khổ, ổn định cuộc sống. Các công trình nghiên cứu này nếu được chuyển giao có kinh phí, tôi dành tặng xây nhà cho bà con miền Trung và mua sách vở tặng các cháu nhỏ. Như vậy tôi đã mãn nguyện rồi. 
Tôi năm nay đã 87 tuổi rồi. Từ khi về hưu năm 1989 đến nay, tôi vẫn luôn giữ ngọn lửa cống hiến cho cộng động, cho xã hội dù ở bất kì vị trí nào. Là công dân của Thủ đô Hà Nội tôi mong muốn góp thêm sáng kiến, giải pháp để thủ đô ngày một xanh sạch đẹp hơn.
MỚI - NÓNG