Hiến kế để sân bay Long Thành sớm khởi động

Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn
Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn
TPO - “Hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án và các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó” – nhà báo Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập báo Tiền Phong bày tỏ. 

Sáng nay (28/3) tại TPHCM, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều chuyên gia và nhà khoa học. Hội thảo là dịp để các cơ quan chức năng, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ là cửa ngõ hàng không lớn nhất của cả nước. Dự án cũng được kỳ vọng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực mang lại nguồn thu lớn cho ngành hàng không, dần hình thành nên một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Bộ và cả nước. Dự án cũng là lời giải triệt để cho tình trạng quá tải, ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, không ít ý kiến đã cho rằng, việc triển khai dự án ở thời điểm này bị chậm (việc xây dựng một sân bay tại Long Thành – Đồng Nai đã được đề cập từ trước năm 1975 và Chính phủ chính thức có quy hoạch từ năm 2005), làm đất nước ta vuột đi nhiều cơ hội. Vì vậy, việc sớm triển khai, hoàn thành dự án cũng là mong mỏi chung của cả nước; trước hết là người dân và chính quyền Đồng Nai, TPHCM.

Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Dự án có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn một chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD). Trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị đã triển khai khẩn trương.

Về mặt bằng, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10,11 năm 2017 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5.000 ha, ảnh hưởng khoảng 47.000 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng gần 23.000 tỷ đồng. Hiện nay, các chính sách thực hiện giải phóng mặt bằng đã được xây dựng để sớm triển khai trên thực tế.

Về phương án kiến trúc, sau nhiều cuộc trưng bày, lấy ý kiến 9 phương án được chọn, Chính phủ đã thống nhất lựa chọn phương án nhà ga mang biểu tượng hoa sen vừa hiện đại, vừa mang bản sắc văn hoá dân tộc của nhà thiết kế Hàn Quốc.

Hiện nay, bước xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đang được tiến hành và buộc phải được Quốc hội thông qua (dự kiến vào tháng 10 năm 2019). Tiếp đến là các bước chọn nhà đầu tư, chọn nhà thầu xây dựng…        

Tại cuộc họp bàn công tác triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành mới đây, Bộ Giao thông vận tải nêu quyết tâm chậm nhất tháng 6/2020 khởi công dự án và năm 2023 đưa dự án vào khai thác.

Đây là một quyết tâm cao, tinh thần làm việc khẩn trương của các Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, như đã nói, vì đây là dự án đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn, phức tạp nên còn rất nhiều khó khăn phía trước cón rất nhiều.

“Hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành” nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án và các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó” – nhà báo Lê Xuân Sơn-Tổng Biên tập báo Tiền Phong  chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.