Hiến kế chấn hưng văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Đầu tư nguồn lực, quan tâm đào tạo tài lực, hoàn thiện thể chế, chính sách... là những nhóm giải pháp mấu chốt để tháo gỡ khó khăn, phát triển văn hóa do các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ đề xuất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam:

Cơm áo đôi khi “đùa rất ác” văn nghệ sĩ

Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí.

Hơn 80 năm trước, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ngày nay sống trong nền kinh tế thị trường, cơm áo không chỉ “đùa” mà còn nhiều khi “đùa” rất ác, mà ác thật với giới văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả “cái nợ áo cơm”, mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hơn nữa, trách nhiệm của hoạt động văn học, nghệ thuật là phải biến những đồng tiền được đầu tư từ tiền thuế của nhân dân thành “siêu tiền”, tức là phải chăm lo đến việc giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc và tâm hồn dân tộc, góp phần hình thành “kháng thể văn hóa” trong hành trang hội nhập của các thế hệ người Việt Nam, để sao cho dân tộc ta “hội nhập mà không hòa tan”, “hội nhập để tỏa sáng”.

Hiến kế chấn hưng văn hóa Việt ảnh 1

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đề xuất chăm lo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.

Chúng tôi muốn đề xuất, kiến nghị là chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ. Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng, yếu tố căn cốt nhất làm nên văn nghệ sĩ là tài năng, năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian.

Gần 600 năm trước, khi được vua Lê Thái Tông giao cho việc định lễ nhạc, Nguyễn Trãi tâu rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và dân tộc đang được đẩy tới tầm cao mới trong bối cảnh thế giới đang tiến những bước khổng lồ vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ, cách mạng công nghiệp mới và toàn cầu hóa sâu rộng. Dân tộc chung sức đồng lòng, vượt qua đại dịch COVID-19 và muôn vàn khó khăn gian khổ, khơi dậy ý chí quật cường, khát vọng phát triển và hào khí non sông để quyết đưa đất nước ta thành một nước công nghiệp phát triển, phồn vinh hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI. Như thế là ta đang hội đủ cả “gốc” và cả “văn” cho một nền văn hóa mới, một nền văn học nghệ thuật mới.

Trích tham luận của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:

Không thể hời hợt về văn hóa dân tộc

Trong nhiệm vụ “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”, công việc chính phải là xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hệ giá trị mới đều gồm hai bộ phận là những giá trị truyền thống tốt đẹp cần bảo tồn và những giá trị mới bổ sung, thay thế cái lỗi thời. Để xây dựng được hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, điều quan trọng nhất là cần xác định được những giá trị truyền thống nào cần được bảo tồn và phát triển; những giá trị nào đang trong quá trình suy thoái; những cái gì đang là thói hư tật xấu phải loại bỏ.

Trong ba việc ấy, cần kíp và quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất luôn là việc xác định và thừa nhận các thói hư tật xấu (phi giá trị). Khó khăn là vì người Việt Nam vốn có truyền thống “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, không “vạch áo cho người xem lưng”. Trong khi đó, ở những giai đoạn chuyển mình, các tật xấu thường nổi lên có khi còn rõ hơn cả những giá trị, cho nên sự cần kíp, quan trọng và khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Vai trò của văn hóa trong việc xây dựng con người phải bắt đầu từ giáo dục. Muốn xây dựng văn hóa-con người thì chương trình đào tạo phổ thông rất cần bổ sung môn học về văn hóa dân tộc. Không thể phát triển văn hóa mà học sinh lại không biết hoặc lơ mơ, hời hợt về văn hóa dân tộc. Cùng với đó là bộ ba truyền thống quốc văn-quốc ngữ-quốc sử và giáo dục công dân đều phải được xem là những môn học bắt buộc cho tất cả học sinh, chứ không phải môn phụ, môn lựa chọn hay tích hợp. Các môn học giáo dục giá trị, xây dựng văn hóa-con người cần được xây dựng và cải tạo một cách cơ bản từ sách giáo khoa cho đến phương pháp giảng dạy, học tập.

Trích tham luận của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

Thanh niên đấu tranh với biểu hiện phản văn hóa

Để phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới, tuổi trẻ Việt Nam cần thực hiện nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, trong đó:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh, thiếu nhi. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường dân tộc; có đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội.

…Đấu tranh với các hành vi, biểu hiện phản văn hóa, văn hóa phẩm độc hại. Triển khai các công cụ tuyên truyền trên mạng xã hội, góp phần tạo không gian và môi trường lành mạnh, thúc đẩy, nhân rộng những giá trị tốt đẹp cho thanh thiếu niên. Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá...

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.