Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Văn hóa phải trở thành sức mạnh mềm

0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội KaTe của người Chăm ở Ninh Thuận
Lễ hội KaTe của người Chăm ở Ninh Thuận
TP - Hôm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa đầu ngành và đông đảo văn nghệ sỹ dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chung nhận định về tầm vóc của văn hóa - sức mạnh mềm để phát triển đất nước bền vững. Văn hóa là sự sống còn của dân tộc.

Sức hút của Hội nghị

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 24/11 tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hội nghị; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng… tham dự hội nghị quan trọng này.

Tính chất lịch sử không chỉ ở dấu mốc tròn 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), đây còn là một trong những dịp hiếm hoi gần như toàn bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước dự hội nghị “Diên Hồng” về văn hóa. Hội nghị chia thành hai phiên làm việc. Sáng 24/11, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL đánh giá, nhìn lại quá trình phát triển văn hóa sau 35 năm đổi mới. Phiên họp buổi chiều, tập trung thảo luận về “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - một nội dung cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chính phủ phê duyệt Chiến lược hôm 12/11.

Văn hóa phải trở thành sức mạnh mềm ảnh 1

Lễ hội Đâm trâu ăn mừng mùa màng bội thu... của người dân tộc Tây Nguyên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn nhập bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, rằng “không chỉ vinh hạnh mà còn hào hứng” dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến văn hóa thu hút đông đảo trí thức, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa vui mừng thông báo, gần 1.200 trang kỷ yếu của hội nghị đều là những tham luận, đề xuất tâm huyết cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Ban Tổ chức tiếp tục nhận thêm tham luận của các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ gửi về từ khắp cả nước.

Văn hóa còn lép vế

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Báo cáo tập trung đánh giá kết quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước; nêu một số hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người, xác định rõ nguyên nhân và những vấn đề đặt ra; định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, trong đó nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp trọng tâm.

Hội nghị không chỉ được tổ chức trực tiếp tại Nhà Quốc hội mà còn trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu tại các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố. Hội trường Diên Hồng đón những gương mặt ưu tú ở nhiều lĩnh vực. Đó là những giáo sư đầu ngành về văn hóa, lịch sử: GS.TS NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam... cùng nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú các ngành nghệ thuật, lãnh đạo các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật.

Văn hóa Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng sau 35 năm đổi mới, thể hiện khá toàn diện như: nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…

Các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập, yếu kém của lĩnh vực này, đó là thành tựu chưa xứng tầm so với sự phát triển của kinh tế-xã hội. “Môi trường văn hóa gia đình-nhà trường-xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng. Nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế chưa được cấp ủy, chính quyền nhiều nơi quan tâm đúng mức...”, ông Nghĩa nêu.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, một số hạn chế, bất cập được thể hiện rõ qua hiện tượng văn hóa dễ dãi mang tính thị trường, biểu hiện lệch chuẩn trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng... đều có những thiếu sót. Ở mảng văn học nghệ thuật, sự thiếu vắng tác phẩm có giá trị cao được cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng chưa có sự chuyển biến đáng kể. Phát biểu tại phiên họp, ông Hùng nhắc lại nỗi trăn trở, chua xót của ngành văn hóa khi mức đầu tư cho văn hóa chưa đầy 2% ngân sách. “Dù so sánh khập khiễng nhưng có đại biểu Quốc hội từng ví von, đầu tư cho văn hóa chỉ bằng kinh phí làm vài cây số đường nhựa trong 5 năm”, ông phát biểu.

Phát huy sức mạnh nội sinh

“Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết, chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa, mà đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt và khí chất của dân tộc”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nêu. Ông nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, không chỉ xem văn hóa như niềm tự hào mà còn phải coi đó là sức mạnh mềm của đất nước.

Đề dẫn cho phiên thảo luận, ông Nghĩa gợi mở 9 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển văn hóa như nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm của dân tộc. Có thể kể đến: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội...

Gần chục tham luận trình bày tại hội nghị, hàng chục tham luận từ các bộ, ngành, trí thức, văn nghệ sỹ đều hiến kế phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, đề xuất 5 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có kiện toàn khung thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, khó khăn; hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa…

GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, mất mát lớn nhất của văn hóa chính là mất con người. GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, viết trong tham luận in trong kỷ yếu: “Để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững, thì văn hóa phải gắn với con người. Văn hóa quan hệ chặt chẽ với con người như hai trang của một tờ giấy. Con người sáng tạo ra văn hóa, ra các giá trị văn hóa, đến lượt mình các giá trị văn hóa lại tạo ra con người”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.