Hiện đại hóa kiểu... đường sắt

TP - Quyết tâm hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải của ngành đường sắt trong thời gian vừa qua đã làm nức lòng hàng vạn khách hàng trung thành, đặc biệt là những người cần “tấm giấy thông hành” về quê đoàn tụ cùng gia đình mỗi khi vào dịp năm hết, tết đến.

Không vui sao được, khách hàng được phục vụ theo tiêu chuẩn tương đương dịch vụ hàng không với việc cho ra đời hệ thống bán vé điện tử, hành khách có thể tự đặt chỗ, tự thanh toán rồi in thẻ lên tàu như thẻ lên máy bay. Hệ thống đường truyền cũng được đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo hoạt động mua vé tàu qua mạng thông suốt. Những người không có điều kiện lên mạng còn được tạo điều kiện ngồi nhà nhắn tin, chờ đến lượt ra ga mua vé, không phải khổ sở rồng rắn xếp hàng qua đêm trên sân ga. Dường như, câu chuyện “qua sông lụy đò” chỉ còn là hoài niệm một thời khó khăn.

Nhưng niềm vui chưa tày gang thì nỗi buồn ập đến. Hệ thống đường truyền được quảng cáo trong cuộc họp báo gần đây là đáp ứng được hai triệu lượt truy cập cùng lúc đã bị “treo” gần một tiếng đồng hồ vào sáng 1/10, làm nhiều người vuột mất cơ hội mua vé tàu tết. Thậm chí có hành khách đã đặt được chỗ, đã ra ngân hàng nộp tiền, chỉ còn mỗi việc in ấn cũng bị mất vé. Và, cũng thật ngạc nhiên, thời gian giữ chỗ đến 24 tiếng, khách hàng tiền đã trao nhưng chưa đầy một tiếng sau thì cháo không còn để múc. Chuyện lạ này đến bây giờ vẫn chưa giải thích được một cách sòng phẳng.

Hành khách cầu cứu đến đường dây nóng để nhờ hỗ trợ thì đường dây… lạnh ngắt vì chuông reo không ai bắt máy. Điều này lý giải vì sao nhiều hành khách vẫn ví dịch vụ ngồi nhà “a lô” sẽ có người mang vé đến tận nơi ngành đường sắt triển khai vài năm nay là chuyện khoa học viễn tưởng.

Nỗi buồn mang tên vé tàu tết vẫn chưa hết. Người ta không có điều kiện lên mạng thì mới đi mua trực tiếp. Vậy mà ngành đường sắt yêu cầu phải thường xuyên truy cập vào trang web của mình để nắm bắt thông tin, làm vậy có khác gì đánh đố thượng đế. Hậu quả là nhiều người mất tiền, mất công để nhắn tin SMS lấy số thứ tự, đến lúc mua thì ngậm ngùi trắng tay vì vé đã hết hoặc chưa bán ra.

Công bằng mà nói, việc cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng hiện đại của ngành đường sắt là rất đáng ghi nhận và hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, cộng đồng kinh tế ASEAN đang hiển hiện trước mắt nhưng liệu có đạt được như kỳ vọng của người dân, có phải là “bình mới rượu cũ” nếu chỉ nâng cấp một đường truyền, xây dựng một hệ thống bán vé điện tử mà chưa quan tâm đến yếu tố con người.