Hiểm nguy với nghề lặn biển cạo vỏ tàu

Út Nghĩa kiểm tra đồ nghề trước khi trao cho bạn lặn. Ảnh: Phúc Hưng
Út Nghĩa kiểm tra đồ nghề trước khi trao cho bạn lặn. Ảnh: Phúc Hưng
Những tay thợ lặn đen đúa, tóc úa vàng mang theo đồ nghề nhảy tõm xuống biển rồi mất hút trong vài giờ để làm sạch đáy tàu với tiền công vài trăm nghìn.

Hương lộ 1, con đường duy nhất dẫn vào thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có nhiều căn biệt thự nằm san sát nhau. Đối nghịch hình ảnh đó là những căn nhà xập xệ nằm sâu trong các con hẻm ở vùng ven thị trấn. Đó là nơi sinh sống của những người nghèo, mưu sinh bằng nghề lặn cạo đáy tàu.

Có hơn chục nhóm thợ lặn hành nghề ở phố biển sầm uất nhất miền Tây này. Họ được chủ tàu thuê lặn cạo bỏ lớp hàu hay rong rêu bám kín dưới vỏ tàu sau những chuyến đi biển dài ngày. Khi con tàu được làm sạch, thợ lặn được trả công vài trăm nghìn đồng, tùy vào giá cả thỏa thuận ban đầu.

Mỗi nhóm lặn phải trang bị máy dầu, bình hơi chứa ôxy loại 5 ký, kính lặn và hai đường ống dài (mỗi ống 100 m). Đặc biệt thứ không thể thiếu là lưỡi giá (xẻng) sắt được mài giũa bén ngót, có cán cầm khoảng 2 tấc.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm lặn, Út Nghĩa (Lê Minh Nghĩa, 42 tuổi) được xem là bậc thầy của nghề. Ông bảo rằng người thợ lặn không được ngớt những vết sẹo chi chít trên người, vì nếu không có những vết thương rỉ máu ấy thì xem như họ đang thất nghiệp.

"Tôi không còn nhớ nổi đã bao nhiều lần mình bị thương hay suýt chết do bị kẹt người vào lớp bùn dưới đáy biển, bị xác hàu cứa vào da thịt", vừa nói, ông Út Nghĩa vừa cởi chiếc áo thun đang mặc để lộ ra những vết sẹo kiểu như khoe chiến tích.

Nhóm lặn của Út Nghĩa có 3 người, ông là trưởng nhóm nên mỗi khi có khách yêu cầu làm vệ sinh tàu, ông trực tiếp lặn xuống biển quan sát đáy tàu xem có nhiều vật bám hay không, rồi mới mặc cả chuyện tiền bạc. Bình quân mỗi tàu được cạo sạch, nhóm của Út Nghĩa nhận được tiền công từ 300 đến 500 nghìn đồng, tùy vào độ lớn bé của tàu.

Trưa đầu tháng 5, nắng ở vùng Cà Mau như cháy da, Út Nghĩa và các cộng sự chuẩn bị đồ nghề để làm vệ sinh cho tàu đánh bắt cá của Ba Quân. Cả nhóm lên chiếc thuyền loại nhỏ, nổ máy chạy thẳng ra cửa biển Sông Đốc. Khi neo thuyền cố định, Út Nghĩa phân phát đồ nghề cho hai tay lặn là anh Phan Văn Có và Trần Văn Hường.

Hiểm nguy với nghề lặn biển cạo vỏ tàu ảnh 1

Sau gần 5 giờ mất hút, anh Có ngoi lên mặt nước khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Ảnh: Phúc Hưng

Sau tiếng nổ của máy dầu D6 cũ kỹ, hơi được nén vào bình ôxy đấu nối cẩn thận với hai đường ống dẫn hơi. Nhanh như chớp, anh Có và đồng nghiệp ngậm ống hơi, đeo kính lặn mang theo lưỡi giá nhảy xuống biển, rồi mất hút vài giờ. Họ dùng lưỡi giá cạo bỏ hết những vật bám vào đáy tàu.

Đứng trên thuyền, người trưởng nhóm có vai trò quan trọng đảm bảo tính mạng cho bạn nghề. Ngoài việc đảm bảo cho máy phát ôxy không bị tắt đột ngột, Út Nghĩa còn quan sát các loại tàu thuyền khác đi ngang qua, nếu thấy nguy hiểm, ông giật mạnh ống hơi 3 lần báo hiệu cho bạn lặn nép sát vào thân tàu nổi lên.

"Tôi phải quan sát tim hơi của bạn lặn, thông thường nếu người lặn không gặp sự cố bất trắc dưới nước thì tim hơi khoảng một giây là nổi lên một lần. Trong trường hợp bạn lặn gặp sự cố, tim hơi sẽ nổi kéo dài liên hồi. Lúc đó tôi phải nhanh chóng lặn xuống ứng cứu", Út Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.

Gần 5 tiếng sau, hai tay lặn của Út Nghĩa ngoi lên, tay chân nhăn nheo vì ngâm mình dưới nước nhiều giờ nhưng họ khẳng định với trưởng nhóm rằng mình không sao, rồi vui vẻ nhận 500 nghìn đồng tiền công.

Những tay thợ của nhóm Út Nghĩa có thể lặn ở những vùng nước sâu 10- 35 m. Để làm nghề, họ không được hút thuốc hay uống nước đá lạnh trước khi lặn. Khi kết thúc công việc, họ lên thuyền và chỉ được uống trà nóng. Trong trường hợp bạn lặn bị thiếu hơi dưới đáy sông, đồng nghiệp đưa họ lên thuyền, rồi phải ôm bạn lặn xuống sông để cứu.

"Khi bị sự cố, thợ lặn tay chân mềm nhũn, có khi chảy máu mũi. Chúng tôi đưa họ trở lại đúng độ sâu mà họ gặp nạn để lấy sức ép của nước cứu người, với điều kiện họ còn ngậm được ống hơi vào miệng khi lặn xuống. Họ được bóp tay chân dưới nước kéo dài hơn 30 phút. Khi lên thuyền, chúng tôi dùng lưỡi dao lam rọc vào da thịt họ ở nhiều nơi để xả máu độc", anh Có giải thích.

Thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng nhưng các thợ lặn luôn đối mặt với nguy hiểm, có khi còn bỏ mạng. Cuối năm 2014, nhiều bạn lặn ở Sông Đốc đau thương trước cái chết của anh Út. Trong lúc lặn, ống hơi bị bể, anh không thể ngoi lên mặt nước kịp thời nên tử vong trước khi được bạn đưa lên bờ.

Hiểm nguy với nghề lặn biển cạo vỏ tàu ảnh 2

Anh Có phải cắt bỏ đốt tay giữa khi lặn trúng vào chân vịt tàu cá lúc hành nghề. Ảnh: Phúc Hưng

Nói về sự nguy hiểm, dù là người có nhiều năm kinh nghiệm, Út Nghĩa không quên lần thoát chết năm 2008 khi lặn ở độ sâu gần 40 m khi máy phát ôxy bị tắt, khiến ông phải nằm viện hàng tháng trời. Hay việc anh Có phải cắt bỏ đốt tay giữa vì bị nước cuốn trúng vào chân vịt tàu cá trong lần lặn ở đảo Hòn Khoai hồi sau Tết vừa qua.

Dù nguy hiểm, vất vả nhưng vì mưu sinh, các tay thợ lặn ở thị trấn Sông Đốc vẫn phải mang theo đồ nghề nhảy xuống biển bất kể là ngày hay đêm khi có khách yêu cầu. "Công việc này đã ăn vào máu thịt chúng tôi rồi, không bỏ được", anh Có nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.