Giữa phố Tức Mặc
Tức Mặc là con phố dịu dàng tĩnh lặng gần ga Hàng Cỏ. Mạn giữa phố có ngôi biệt thự đã rêu phong. Chủ nhân ngôi biệt thự ấy là bà Dương Lan Hải dáng mảnh, tóc trắng cước. Nom bà thư thả bên hai gốc si và bể non bộ trên mảnh sân con trước nhà thì cứ nghĩ người lẫn cảnh đã xa lắm, đã lui vào quá vãng? Tuổi của hai gốc si nhiều hơn cả tuổi ngôi biệt thự này vài chục năm, chủ nhân cho biết thế…
Nhưng cảnh thôi, còn người thì có lẽ là chưa cũ của một thời chưa xa. Chủ nhân từng là phóng viên của báo Thiếu niên Tiền phong rồi phóng viên báo Nhân Dân. Lòng yêu sử cùng đức nhẫn nại đã đem đến cho bà mảnh bằng tiến sĩ sử ở nước ngoài.
Bà về làm dâu nhà này năm 1962, khi đó ông bố chồng, BS Trần Văn Lai đang là phó chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội. Cái tên ngõ phố Tức Mạc mang hơi hướng nơi phát tích nhà Trần vùng Thiên Trường cũng do ông bố chồng bà đặt tên.
Câu chuyện với chủ nhân cứ ngược mãi cái đoạn cụ thân sinh ông bố chồng có cửa hàng chạm khảm nổi tiếng ở phố Tràng Thi. Rồi một người con của cụ cùng học Trường Y Đông Dương với Vũ Đình Tụng. Và BS Trần Văn Lai cùng BS Tụng về làm ở Nhà thương Phủ Doãn ra sao. Một đốc tờ nổi tiếng của bệnh viện Phủ Doãn, BS Trần Văn Lai lại có chân trong hội kín ủng hộ Việt Minh, mật thám Pháp sục vào tận nhà bắt mang đi như thế nào vv...
Rồi sự kiện BS Trần Văn Lai có mặt ở Nghị viện Pháp phản đối “kế hoạch” thâm độc của chính phủ bảo hộ là di dân An Nam sang xứ Châu Phi và kết cục Pháp đã phải từ bỏ kế hoạch ấy như thế nào. Rồi tiếp theo là sự kiện BS bị Pháp bắt đi đày ở An-giê-ri nữa... Rồi “cơn cớ” để chính phủ Trần Trọng Kim “bổ” ông bố chồng vào chức Thị trưởng thành phố Hà Nội?...
Tôi cầm lên một bản sao mà chủ nhân lưu giữ.
…Tổng hội viên chức Uỷ ban sở Đốc lý Hà Nội. Thưa các bạn. Được tin chính thức BS Trần Văn Lai đã được cử làm Đốc lý thành phố Hà Nội. Ngài sẽ nhậm chức vào hôm thứ sáu ngày 20 tháng 7 năm 1945 vào hồi 12 giờ và 15 phút. Sau đó ngài sẽ cùng ông Thủ tướng Trần Trọng Kim và Khâm sai Phan Kế Toại sẽ dẫn lễ đến các đền thờ liệt sĩ Nguyên Tri Phương và Hoàng Diệu. Về quyền hạn, ngài nói ngài sẽ được toàn quyền về hành chính kể cả công việc cảnh sát của thành phố.
... Lúc chúng tôi lui bước ngài tha thiết nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta phải tỏ ra cho người ngoại quốc biết rằng chúng ta có thể làm ít ra cũng được như họ nếu không muốn nói là hơn họ! Thay mặt các đại biểu. Ngày 17-8-1945. Nguyễn Văn Tùng.
Một bản khác.
Chúng tôi được hay, làm cho Hà Nội sẽ to đẹp chẳng kém chi các kinh đô cường quốc đó là chương trình của Cụ Thị trưởng và cũng là nguyện vọng của 50 vạn dân Hà Nội, 25 triệu dân Việt Nam. Kính thưa Cụ, tin cụ lên cầm quyền Thị trưởng, vui mừng thì ở chúng tôi, còn lo âu là phần của Cụ. Từ nay cụ là người của lịch sử… Kính bút. Công dân Đặng Văn Bình, một nhà buôn Hà Nội.
20/7 nhậm chức Thị trưởng thì đến 19/8, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa vĩ đại giành chính quyền của nhân dân Hà Nội! Có lẽ trong lịch sử các Thị trưởng trên hành tinh, có nhiệm kỳ nào mà “đoản” vậy không nhỉ? Nhưng ông Thị trưởng Trần Văn Lai đã để lại cho hậu thế Việt bằng một việc vô tiền khoáng hậu. Gần một trăm tên đường phố mang hơi hướng thực dân đã được đặt lại tên, được mang những tên mới. Đó anh hùng dân tộc, nhà văn hóa Việt! Những đại lộ đẹp nhất Hà thành như Briére de L’isle đã trở thành Hùng Vương. Carnot đã trở thành Phan Đình Phùng. Henri D’Orleans là đường Phùng Hưng. Gambetta trở thành Trần Hưng Đạo. F. Garnier, tên viên quan ba chết trận ở Cầu Giấy trở thành đường Đinh Tiên Hoàng vv... như bây giờ ta vẫn gọi!
Việc thứ hai là BS ra sắc lệnh dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ hành chính.
Gian thờ trong căn biệt thự lấp lánh hai khuôn hình. Tấm ảnh cụ Trần Văn Lai phóng to từ tấm thẻ đại biểu Quốc hội khoá II. Còn ảnh đại tá Trần Mạnh Chu, chồng bà, mất năm 1991. Ông Chu là một trong 5 phó tiến sĩ Y khoa đầu tiên tu nghiệp ở Liên Xô (cũ). Sau này ông là chuyên viên đầu ngành quân y về tiết niệu.
Với nhiều thành tích hoạt động bí mật nội thành, sau 1954, cụ Trần Văn Lai được cử chức Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh một thời gian rồi chuyển sang công tác Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội và cũng làm phó cho Chủ tịch Trần Duy Hưng trong nhiều năm.
Bác sĩ Trần Văn Lai, đại biểu Quốc hội khoá II, III, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố các khoá I, II, III, IV, và V. Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Thành phố Hà Nội. Uỷ viên Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phó chủ tịch UBMTTQ Hà Nội mất ngày 5/11/1975 hưởng thọ 81 tuổi. BS Trần Văn Lai không nằm ở nghĩa trang Mai Dịch theo tiêu chuẩn mà theo nguyện vọng của cụ, gia đình đã đưa về làng Mọc Quan Nhân.
Và cuối phố Lê Phụng Hiểu
Cái tên phố mang tên vị anh hùng dân tộc Lê Phụng Hiểu cận gần với phố Tràng Tiền bây giờ cũng là do BS Trần Văn Lai đặt.
Nơi cuối phố là căn nhà của gia đình BS Trần Duy Hưng.
Hơn 30 năm ông đi xa. Hà Nội đông chật là vậy nhưng dường như vẫn có một khoảng trống nào đó mà chưa thể dễ lấp?
Lần ấy, tôi may mắn được anh Trần Chiến Thắng người con út của BS Trần Duy Hưng dẫn về nhà. Những bậc cầu thang sứt sẹo đã có tuổi dễ non thế kỷ? Những cánh cửa gỗ với hoạ tiết mộc mạc chắc cũng tuổi ấy bao năm lặng lẽ xoay trên nền ván sàn màu gụ im phắc... Chiếc quạt trần Phú Lãng Sa mang sang ta cỡ đầu thế kỷ đang lừ đừ xoay. Ngự trên vị trí trang trọng ban thờ là hình một cụ ông râu tóc bạc phơ, vẻ mặt phương phi. Cụ là lương y nổi tiếng cuối thế kỷ 19, thân sinh BS Trần Duy Hưng.
Nối nghiệp cha, từng đồng khoa với những thày thuốc Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, BS Trần Duy Hưng những tưởng tĩnh lặng mãi với vị thế ông chủ bệnh viện tư 10 giường ở Hàng Bông Ruộm, nhưng ông chủ nhà thương này đã lặng lẽ đi với cách mạng từ những năm đầu bốn mươi. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có dạo là một con bệnh trọng ở nhà thương Bông Ruộm này và một số nhà cách mạng khác nữa từng yên ổn hợp pháp trong vai con bệnh để trốn tránh sự truy lùng của mật thám Pháp!
Tôi để ý một tấm ảnh treo trên tường. Được anh Thắng chú giải cặn kẽ. Đó là đám cưới cụ Phạm Văn Đồng. Từ phải sang là Võ Nguyên Giáp, cô dâu xinh xắn đứng cạnh chú rể. Bên cạnh là vị chủ hôn đám cưới, BS Trần Duy Hưng. Kế là người anh trai cô dâu và người ngoài cùng là ông Trường Chinh. Thời điểm cưới là ngày 17/10/1946.
Ít người biết, không lâu trước đám cưới này, trong những bộn bề việc nước Bác Hồ đã tìm đến ngôi nhà này bởi một việc trọng. Là việc mời BS Trần Duy Hưng khi đó 33 tuổi ra đảm chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Thưa Cụ, chức chủ tịch, xin cụ chọn người xứng đáng hơn, tôi không quen làm... Cụ Hồ cười ồ tôi có quen việc làm Chủ tịch Nước đâu. Chúng ta cứ làm rồi sẽ quen...
Giao thừa Tết năm 1946, Cụ Hồ lại tìm đến BS Trần Duy Hưng Chú tìm cho Bác một nhà thật nghèo để Bác chúc Tết… Những giọt nước mắt của hai vị Chủ tịch nước và thành phố đã giàn ra trong đêm lạnh năm ấy khi người đàn bà gánh nước thuê quẳng cả đôi thùng ôm chầm lấy vị Chủ tịch nước vì bất ngờ được Cụ Hồ đến thăm nín đi cháu, Bác không đến thăm những người như cô chú thì thăm ai...
Thế rồi dằng dặc những ngày gian khó ở chiến khu, BS Trần Duy Hưng bận bịu với công việc của một thứ trưởng Bộ Nội vụ, thứ trưởng Bộ Y tế. Rồi ngày về năm 1954 ấy, một tấm ảnh khác trên tường kia, Bác Hồ ngồi giữa, bên phải là chủ tịch thành phố Hà Nội (như là chủ tịch Ủy ban quân quản) Vương Thừa Vũ. Bên trái là phó chủ tịch - BS Trần Duy Hưng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, BS phải đảm nhận chức Chủ tịch thành phố. Từ ấy, cho mãi đến năm 1977!
Anh Thắng khệ nệ bê ra một chồng sổ tay. Những cuốn sổ tay công tác của BS bằng thứ giấy thường, thông dụng những năm sáu, bảy mươi. Thứ mực ông viết là màu xanh lá mạ của học trò nghèo thời ấy hay dùng. Càng đọc càng thấy rối bởi không biết trích ra đoạn nào trong khối di cảo công tác đồ sộ kia? Cơ man những ngày tháng, những công việc, những ghi chú những là tự nhắc nhở người viết phải giải quyết phải quan tâm đến vô số vấn đề của thành kế dân sinh mà cương vị Chủ tịch thành phố phải lo!
Tôi cứ lật đi lật lại cái triện đồng khổ 3,5cm x 6,1cm mang chữ ký của chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng. Và cứ ngó mãi cái mép triện đồng đã mòn vẹt… Anh Thắng hỏi tôi biết tại sao không? Hóa ra thể theo đề nghị của Chủ tịch Trần Duy Hưng, biên chế văn phòng Ủy ban thành phố không có chức danh thư ký hay giúp việc! Vậy nên tất tật các công văn, thư từ, điện tín... đều một tay ông trực tiếp soạn cả. Người lái xe cho ông, ngoài lúc đi công tác và trong giờ hành chính thường được rảnh rỗi bởi ông tự lái trực tiếp đi giải quyết công việc trong thành phố
Cứ thảng thốt phần cuối câu chuyện của anh Thắng…
Đó là đám tang BS Trần Duy Hưng năm 1988. Trong dòng người dài dặc đến viếng, có nhiều người không quen biết nhau nhưng tự nhập vào một đoàn. Một người thợ cắt tóc không có họ hàng dây mơ rễ má chi với BS nhưng nhiều năm đã chăm sóc mái tóc cho vị Chủ tịch thành phố trong một ngõ hẻm. Hầu như đều đặn, vị khách này mỗi tháng đến nhà ông một lần. Mãi sau, người thợ cắt tóc mới nhận ra khách hàng của mình là vị Chủ tịch thành phố. Vốn mặn chuyện với khách, nhưng những lần cúp tóc ấy chả phải toàn những chuyện suông. Một thứ báo cáo, một cái kênh thông tin hữu hiệu về đời sống dân tình được tường trình, được tâm sự một cách thực chất, thô mộc không hề thổi phồng...
Và một người nông dân ở ngoại thành. Một chiều muộn đi dạo Bờ Hồ, BS tình cờ chứng kiến một người đàn bà dáng lam lũ bị kẻ gian lấy cắp. Bà đang khóc than với anh công an... BS gặp riêng anh công an nói gì đấy rồi biếu bà ít tiền để bà đi xe. Anh công an nói nhỏ cho bà biết người cho tiền là ai... Về đến nhà, bà kể lại mọi chuyện và dặn người con trai cả rằng phải khắc cốt ghi xương nghĩa cử đó...
Năm tháng vèo trôi, bà mẹ đã qui tiên từ lâu, nhưng bữa tin ông chủ tịch thành phố mất được loan đi, người con trai đã sang nội thành viếng!
Và nữa một cụ bà tóc trắng. Gần mười lăm năm trước, bà bị kẻ gian lừa cướp đoạt mất nhà. Thấy bà la khóc, người ta nửa đùa nửa thật rằng cứ đến nhà ông chủ tịch Trần Duy Hưng mà kêu…
Bà tìm đến thật. May mắn chuyện cũng được giải quyết.
Và vẫn nguyên vẹn kia cái bàn dài thượt kiểu cũ dùng cho văn phòng mà BS cho kê ngay trong phòng khách để giải quyết công việc.