> Hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang nguy kịch
10% vi khuẩn liên cầu lợn týp 2 có mặt trong thịt lợn gây ra căn bệnh nguy hiểm này. Ảnh L.N. |
Thủ phạm tiết canh, heo bệnh
Hai ngày sau khi vào BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cấp cứu do nhiễm bệnh liên cầu lợn, hôm qua 18-5, ông Nguyễn T. B. 57 tuổi, ngụ ở Bình Thuận vẫn chưa qua nguy kịch. Trước đó, ông B. nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, sốt cao, ù tai… Kết quả xét nghiệm cho thấy ông B. đã bị vi khuẩn liên cầu lợn tấn công.
Người nhà ông B. cho biết, trong một lần nhâm nhi với bạn, ông B. đã ăn hai chén tiết canh tại quán cháo lòng gần nhà. Sau đó, ông B. buồn nôn, đau đầu dữ dội. Người nhà mua thuốc uống nhưng không đỡ và trở nặng nên chuyển ông B. vào TPHCM điều trị.
Theo TS-BS Nguyễn Hoan Phú - Phó Khoa Nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), từ đầu năm đến nay, nơi đây đã có 11 trường hợp nhiễm liên cầu lợn vào cấp cứu, nhiều trường hợp bệnh nặng. “Cách đây một tuần hai bệnh nhân V.V.T 45 tuổi ở Bà Rịa- Vũng Tàu và H.N 34 tuổi ngụ ở TPHCM nhập viện vì vi khuẩn liên cầu lợn tấn công”- bác sĩ Phú cho biết.
Cả hai trường hợp này được xác định ăn thịt heo không rõ nguồn gốc và có những biểu hiện của bệnh như sốt, buồn nôn, đau đầu… chỉ sau khi ăn một ngày. Dù đã được bệnh viện tuyến trước cứu chữa nhưng theo các bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới, do phát hiện bệnh muộn nên sau một tuần điều trị bệnh tình của hai trường hợp trên vẫn chưa thuyên giảm.
Bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa- giảng viên bộ môn nhiễm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đang nghiên cứu sinh tại Khoa Nhiễm Việt-Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết trung bình mỗi năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận điều trị khoảng 30-40 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn và con số này ngày càng tăng.
“Hầu hết ca bệnh đều do ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, thịt chưa nấu chín nhưng không hề biết”- bác sĩ Nghĩa cảnh báo. Người mắc bệnh liên cầu lợn thường ở độ tuổi từ 40-60, trong đó 80% là nam giới. “Nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ở khu vực phía Nam thì 70% có sử dụng lòng heo, tiết canh”- bác sĩ Nghĩa cho biết.
Chết vì chủ quan
Mới đây BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã có cuộc khảo sát ở các lò mổ tại TPHCM và cho thấy khoảng 10% vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn týp 2 - loại vi khuẩn có mặt nhiều nhất trong những người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, có trong thịt lợn cho dù đã kiểm dịch. Ngoài ra 30% số người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn làm việc trong môi trường liên quan đến giết mổ, chế biến thịt lợn.
Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết bệnh liên cầu lợn là do vi khuẩn ở lợn xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, trầy xước, lở niêm mạc chân răng… Loại vi khuẩn này thường trú sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp và bộ phận sinh dục lợn nên khi mắc bệnh, vi khuẩn liên cầu lợn lây qua người khi tiếp xúc trực tiếp không an toàn như giết mổ, ăn uống chưa chín, ăn tiết canh...
“Biến chứng nặng hơn khi vi khuẩn này gây viêm màng não và nhiễm trùng huyết”- bác sĩ Phú cảnh báo. Theo ông, nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong. “Nếu điều trị thành công cũng để lại chứng nặng nề như giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn”- bác sĩ Phú nói.
Bác sĩ Nghĩa thì cho rằng khuẩn liên cầu khuẩn lợn hay ẩn núp ở lòng, dồi trường, tiết canh... Để phòng ngừa, bác sĩ Nghĩa khuyên: Người giết mổ, chế biến, mua bán thịt heo phải đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc. Trong khi những người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến. Ngoài ra tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt không nguồn gốc, chưa nấu chín…
Theo điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 5, cả nước đã có 14 trường hợp mắc liên cầu lợn nặng phải nhập viện. Trong đó khu vực miền Bắc đã có 6 tỉnh, thành gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng. |