> Cây gãy đè trúng đầu, một phụ nữ tử vong
“Thần chết” bủa vây
Ngày 2/10, trên đường Hoàng Hoa Thám (cạnh công viên Bách Thảo), bà N.T.H. sống tại phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) đang đi bộ bỗng nhiên bị một cành cây xà cừ khô rơi trúng đầu, chết tại chỗ. Cả gia đình nạn nhân thảng thốt trước cái chết không ngờ tới của người phụ nữ tuổi 60 này. Được biết, hiện Cty Công viên cây xanh Hà Nội vừa hỗ trợ nạn nhân 20 triệu đồng.
Câu chuyện của bà H. không mới, chỉ nối dài thêm danh sách những cái chết “trời ơi đất hỡi” trên đường phố Thủ đô. Hồi đầu tháng 8, một người đàn ông trung niên bị cây muỗng nghiêng từ trước đổ vào người và tử vong trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng). Ghê sợ nhất là trường hợp xảy ra năm 2006 trên đường Đê La Thành (quận Đống Đa), một thanh niên đi xe máy vướng vào sợi dây điện thoại sà xuống đường siết vào cổ gây tử vong.
Luật sư Hoàng Văn Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định hiện hành trong trường hợp bị cành cây rơi vào đầu dẫn tới tử vong, trách nhiệm thuộc về Cty Công viên Cây xanh-đơn vị được giao quản lý. Nạn nhân và người nhà nạn nhân có thể yêu cầu công ty bồi thường theo Luật Dân sự. |
Trước những cái chết bất ngờ trên, nhóm PV Tiền Phong đã có cuộc khảo sát trên một số đường phố Hà Nội. Không khó để tìm thấy các cây chết khô “uốn éo” trên các phố trung tâm như Lý Thường Kiệt, Quán Sứ, Nguyễn Biểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Oái oăm thay, người dân sống gần những nơi nguy hiểm này không ít lần liên hệ với các nhà chức trách, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Mối họa từ dây điện cũng không hiếm. Từ mấy tháng nay, đầu ngõ Thái Hà, đường Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều đoạn dây to nhỏ đủ loại, chằng chịt sà xuống lơ lửng ngang mặt người. Người đi xe máy phải cúi đầu, khổ sở lách qua. Quan sát kỹ trông chúng như những chiếc thòng lọng đen đúa.
Trên trời đã vậy, dưới đất cũng không yên. Dạo một vòng quanh khu vực khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi đếm được 5 hố ga bị hỏng. Những hố ga này được nhét một cái ghế cũ hay một cái giường bỏ đi. “Chuyên nghiệp” hơn, có lô cốt được nhét cành cây để báo hiệu.
Đáng tiếc thay, câu chuyện hố cống nuốt người đã được nhiều cơ quan báo chí và người dân phản ánh, nhưng cơ quan chức năng làm ngơ. Thậm chí, PV Tiền Phong đã từng gọi điện cho các ban ngành liên quan, UBND quận Cầu Giấy để thông tin sự việc.
Chị Hương, chủ quán tạp hoá bên đường trong khu đô thị Nam Trung Yên nói: “Chắn sắt đã để đây 3 tháng; có khoảng 7-8 vụ tai nạn, người thì chưa chết, nhưng chảy máu, xe vỡ đèn, vỡ yếm thường xuyên”. Trên địa bàn có biết bao hố ga mất nắp như ở Nam Trung Yên?
Chặt một cành cây khô, phải có 5 chữ ký
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó GĐ Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Quy trình chặt hạ cành hoặc cây xanh nguy hiểm được tiến hành theo hai phương thức gồm: Chặt hạ, cắt tỉa theo kế hoạch và chặt hạ đột xuất theo tin báo của cá nhân, tổ chức”.
Một cây chết khô từ lâu trên phố Nguyễn Biểu (quận Ba Đình) chưa được chặt bỏ. Ảnh: Thanh Hùng. |
Việc chặt hạ một cây, hay cành cây đột xuất theo tin báo vẫn phải theo một quy trình phức tạp: Sau khi nhận tin báo, cán bộ công ty đi khảo sát. Sau đó, tập hợp một số trường hợp, gộp lại báo cáo Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng).
Nếu kế hoạch được duyệt (có thể không, vì phải cân đối kinh phí), Cty Công viên Cây xanh sẽ thông báo cho UBND phường, ngành điện lực, viễn thông, cấp nước (để bảo vệ đường dây, đường ống). Ít nhất, 5 cơ quan phải tham gia để xử lý một cây xanh nguy hiểm.
Hiện, Cty Công viên Cây xanh đang quản lý trên 46.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Khi được hỏi kinh phí hằng năm được cấp để chăm sóc, cắt tỉa cành cây, lãnh đạo đơn vị này nói chưa tính được.
Theo ông Hưng, quy trình xin phép cấp trên, báo cáo cấp dưới như vậy để đảm bảo nguồn tiền thanh toán cho công ty; có người chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra với công nhân. Tránh hiện tượng cây quý bị nhân viên chặt trộm... Vì thế, dù gặp trường hợp nguy hiểm (như cây chết, cành khô... chờ rơi đầu người đi đường-PV), công ty khó có thể tự ý làm. Khi cần kíp lắm, ông Hưng phải gọi điện trực tiếp cho người thẩm quyền để xin chặt rồi hoàn thiện thủ tục sau. Nhưng, phương án xử lý nhanh này ít khi áp dụng.
Câu chuyện xử lý dây rợ chằng chịt khi chặt hạ cây xanh, được ông Hưng cho là “cực kỳ nan giải” cũng tương tự như việc xử lý các loại dây sà xuống đường. Khi chặt cây, công ty thường thông báo cho các đơn vị quản lý đường dây, nhưng ngoài ngành điện, hầu như không nơi nào xuất hiện. Chỉ khi cây đổ, đứt dây, các đơn vị liên quan mới ra mặt.
Trước sự lằng nhằng trong quy trình giải quyết của các cơ quan chức năng, người dân tìm cách "tự xử". Trong trường hợp dây điện sa xuống đường tại phố Thái Hà, người dân tự cột lại bằng các túi ni lông; ô tô chạy qua, rơi xuống lại ra cột lại. Các nắp cống bị hở tại Nam Trung Yên, các hộ dân kề đó đưa bàn ghế, giường hỏng ra che chắn và cảnh báo cho người lạ.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, xu hướng người dân "tự xử" một cách tạm bợ như vậy cho thấy sự “đáng buồn”, “chán nản” của người dân với công tác quản lý đô thị.
Theo ông Liêm, các cấp chính quyền từ tổ dân phố, UBND phường, các sở ngành đều có thể nhận tin báo, đốc thúc xử lý, nhưng đã không làm tròn bổn phận.
Mở rộng ra, ông Liêm cho rằng, “sự nửa vời” cũng thể hiện ở cấp thành phố khi việc hạ ngầm các đường dây được thực hiện nửa chừng dẫn tới tình trạng dây rợ chằng chịt tại các khu đô thị mới, còn những nơi đã hạ ngầm thì tái diễn.
Về mảng cây xanh, ông Liêm cho rằng, UBND TP Hà Nội cần tạo ra cơ chế khoán cho Cty Công viên cây xanh, không thể để tình trạng chặt một cành cây cũng đi xin kinh phí như hiện nay.