Hiểm họa cháy nổ bủa vây khu dân cư: Nhà xưởng lô cốt, bịt bùng

Việc tập kết hàng trăm thùng xốp hàng hóa trong xưởng sản xuất không đảm bảo an toàn PCCC ở làng nghề La Phù rất dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Ảnh: P.V.
Việc tập kết hàng trăm thùng xốp hàng hóa trong xưởng sản xuất không đảm bảo an toàn PCCC ở làng nghề La Phù rất dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Ảnh: P.V.
TP - Hàng loạt cơ sở sản xuất, buôn bán bánh kẹo, nước giải khát...với nhiều vật liệu dễ cháy, nổ được xây dựng san sát, có nơi xen giữa nhà dân. Hầu hết các cơ sở này đều được quây tôn kín mít, xây dựng kiểu nhà ống kiên cố.

Nguy cơ

Sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng cơ sở sản xuất bánh kẹo khiến 8 người tử vong ở Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội), ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức tập trung khá nhiều nhà xưởng, nhà kho diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Nhiều nhà xưởng, nhà kho được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa,… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (Hoài Đức), ghi nhận của phóng viên cho thấy, hoạt động mua bán hàng hóa rất nhộn nhịp. Dọc hai bên đường là các điểm tập kết bánh kẹo, nước giải khát để phân phối đi các nơi tiêu thụ.

Đi sâu vào các con ngõ hai bên đường là các cơ sở sản xuất bánh kẹo. Theo nhiều người dân, hầu như ngày nào trục đường chính từ ngã ba giao cắt đường lớn vào cổng làng La Phù cũng bị tắc đường vì lượng xe tải ra vào chở hàng.

Trong vai một khách đi mua hàng về để bán tạp hóa, chúng tôi rẽ vào nhà xưởng của một số hộ. Theo quan sát, hầu hết nhà xưởng được xây dựng kiểu nhà ống, quây kín bằng tôn, chỉ có một cửa ra vào. Nhiều công nhân được bố trí phía cuối nhà, hoặc trên gác xép để đóng gói hàng hóa. Có những xưởng chất hàng trăm hộp xốp, thùng giấy hàng hóa trong kho. Nhiều nhà xưởng không có trang bị vật dụng PCCC.

Ngoài La Phù, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa ở các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế... Các cơ sở sản xuất hầu hết được xây dựng bằng tôn, quây kín mít và không bố trí lối thoát hiểm.

Khó xử lý

Trao đổi với báo chí, ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù (Hoài Đức) cho biết, cứ 2 đến 3 tháng một lần chính quyền phối hợp với đơn vị PCCC kiểm tra về công tác PCCC trên địa bàn và đặc biệt là tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù. Theo ông Thắng, cơ bản các xưởng, kho chứa đồ, bánh kẹo tại đây đều chấp hành. Các cơ sở không đáp ứng đều bị lập biên bản.

Kiểm tra công tác PCCC tại một số làng nghề cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất có hệ thống dây điện chằng chịt, không có thiết kế lối thoát nạn, không có hệ thống PCCC, bể nước cứu hỏa.

“Thực tế, trong quá trình đôn đốc, kiểm tra PCCC đối với các nhà kho, xưởng tạm, các cơ quan chức năng cũng gặp phải một số vướng mắc, khó khăn nhất định. Theo luật, khi đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra thì phải gửi công văn trước 3 ngày. Do vậy, những cơ sở muốn đối phó thừa thời gian để khắc phục các yêu cầu về PCCC, nhưng sau rồi đâu lại vào đó”, ông Thắng nói.

Theo UBND huyện Hoài Đức, hiện trên địa bàn huyện có 51 làng nghề, xưởng sản xuất xen kẽ các khu dân cư, đa phần không bố trí đủ các thiết bị PCCC, nguồn nước khan hiếm, đường làng nhỏ hẹp, nếu xảy ra cháy thì rất khó xử lý.

Ngay sau vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập các tổ công tác đặc biệt, kiểm tra công tác PCCC tại một số làng nghề. Theo đó, riêng ở xã Minh Khai, đoàn công tác phát hiện nhiều cơ sở sản xuất có hệ thống dây điện chằng chịt, không có thiết kế lối thoát nạn, không có hệ thống PCCC, bể nước cứu hỏa.

Một số cơ sở có trang bị, nhưng cửa thoát hiểm luôn ở trong tình trạng khóa chặt, bình xịt thì ở góc khuất tầm nhìn. Nhiều hộ dân đã thừa nhận thiếu sót và khắc phục, tuy nhiên, không ít hộ dân cho rằng, mấy chục năm qua chưa xảy ra cháy lần nào, nên chủ quan và không đề phòng.

Một cán bộ PCCC Hà Nội cho hay, khi kiểm tra, những chủ xưởng, chủ kho có thể đảm bảo PCCC nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy…

Các vụ cháy thường xảy ra tại các kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước về PCCC. Khi đoàn kiểm tra đến họ vẫn tiếp nhưng khi yêu cầu đảm bảo các biện pháp PCCC thì họ lại viện lý do thời gian thuê ngắn, khó thực hiện.

Tạm giữ thợ hàn xì, triệu tập chủ xưởng bánh

Liên quan tới vụ cháy xưởng bánh kẹo khiến 8 người tử vong ở Hà Nội, ngày 31/7, Công an TP Hà Nội tạm giữ Kiều Tiến Vinh – thợ hàn xì. Ông Nguyễn Văn Được, chủ xưởng bánh cũng bị triệu tập đến cơ quan CSĐT lấy lời khai.

Trao đổi về vấn đề an toàn khi hàn xì, thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình các kĩ năng phòng chống cháy nổ và thoát hiểm. Việc sử dụng thợ hàn xì phải có trình độ tay nghề tốt, đảm bảo chất lượng công việc và an toàn lao động tránh xảy ra cháy, nổ khi làm việc.

“Khi hàn xì ở khu vực có chứa chất dễ cháy, nổ cần dừng quá trình sản xuất, tổ chức cách ly vật liệu cháy ra khỏi khu vực sửa chữa, cắt cử người hoặc trực tiếp giám sát suốt quá trình hàn và sau khi đã hàn xong ít nhất 30 phút, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy cạnh khu vực hàn để xử lý kịp thời nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra” – thượng tá Quyến nói.                

Thanh Hà

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.