Hết Tết, đồng nát bới rác ra 'vàng'

Hết Tết, đồng nát bới rác ra 'vàng'
Khi Tết mới đang dần qua đi, “giới” đồng nát đã rậm rịch vào mùa làm ăn hứa hẹn hốt bạc.

Hết Tết, đồng nát bới rác ra 'vàng'

> Đại gia đình sống nhờ gánh đồng nát của con dâu

> Làng dao búa

Khi Tết mới đang dần qua đi, “giới” đồng nát đã rậm rịch vào mùa làm ăn hứa hẹn hốt bạc.

Hết Tết, đồng nát bới rác ra 'vàng' ảnh 1
 

Bới rác ra “vàng”

Ngay từ mồng 4 Tết, chị Thỏa (Chương Mỹ - Hà Nội) đã “xuất quân”. Một mình một “ngựa sắt”, chị len lỏi quanh các con phố lớn, nhỏ tại Hà Nội để tìm rác. Mặc dù sát Tết, chị đã đạp “rã cẳng” nhưng đầu năm mới, chị vẫn hừng hực khí thế.

Chị Thỏa thành thật: “Trước Tết, chúng tôi có thể mua được rất nhiều đồ vì đó là thời điểm nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa đón Tết, đồ thải loại rất nhiều. Còn sau Tết, không nhiều nhà tổng vệ sinh nhưng tôi vẫn gom được nhiều đồ mà có khi còn chẳng mất tiền”.

Chị cho biết, trong ngày Tết, mọi người ăn nhậu rất nhiều và vứt đi rất nhiều đồ phế thải như lon bia, lon nước ngọt, bom bia, vỏ thùng,… Năm mới, các gia đình thường kiêng vứt rác trước cửa nhà nên họ lẳng lặng tới vứt tại một nơi “tập kết”.

Theo kinh nghiệm của chị, hầu hết cụm dân cư nào cũng có một nơi “tập kết” rác nên trước Tết, chị đi “do thám” trước. Đến Tết, chị chỉ việc đến các địa điểm được đánh dấu sẵn mà… bới những túi nilon, những hộp đồ vứt la liệt.

Nếu cảm thấy chưa đủ, chị mới đi lòng vòng quanh các ngõ xóm để kiếm thêm đồ. Làm việc như vậy, chỉ thỉnh thoảng chị mới phải bỏ tiền mua đồng nát. Còn lại, hầu hết đều được miễn phí.

“Vì đồng nát rất sẵn, mà lại được thu gom tập trung nên tôi không mất quá nhiều công sức và vốn liếng. Cũng chính vì vậy, mọi người sẽ thấy đội ngũ đồng nát đầu năm mới khá im hơi lặng tiếng, chứ không rao khản cả cổ như trong năm” - Chị Thỏa chia sẻ.

Một điểm thuận lợi nữa khi xuất quân trong dịp năm mới nữa chính là ít cạnh tranh. Nếu trong năm, có khi chị và “đồng nghiệp” phải tranh nhau từng cân giấy, từng vỏ hộp, vỏ chai thì thời điểm này, mọi thứ dễ chịu hơn rất nhiều vì rất đội quân đồng nát làm ngày Tết không quá nhiều.

Khi được hỏi về lợi nhuận thu được trong mấy ngày Tết, chị Thỏa từ chối trả lời nhưng cũng tiết lộ thu nhập có thể gấp 3, gấp 4 ngày bình thường. Nếu may mắn “trúng quả”, mấy ngày Tết có khi kiếm được nhiều hơn cả một tháng làm việc.

Thu gom cây cảnh

Trong giới đồng nát, nếu chị em chủ yếu là tìm kiếm đồ phế thải từ các gia đình thì khá nhiều người thuộc phái mạnh lại có cách kiếm tiền nhiều hơn nhưng đòi hỏi sức khỏe hơn. Đó là thu gom cây cảnh Tết.

Từ mồng 5 Tết, anh Oai, một người trong giới đồng nát đã bắt đầu “đi làm”. Anh cho biết, thời điểm đó, khá nhiều gia đình đã hóa vàng nên họ “thanh lý” khá nhiều đồ, trong đó có cây cảnh.

“Năm nay, trời nóng hơn mọi năm nên cây cảnh héo sớm hơn. Những gia đình thuê cây thì mang trả cây. Những người mua cây thường mang đi gửi. Nhưng đó là những cây có giá trị rất lớn. Còn lại, hầu hết mọi người đều vứt đi” - Anh Oai đúc kết sau vài năm làm việc.

“Nếu là cành, vứt đi rất dễ. Nhưng nếu là cây, việc tưởng đơn giản lại hóa ra rất phức tạp. Một cây cao khoảng 2m thôi cũng có gốc khá lớn, phải trồng trong chậu lớn với nhiều đất. Lúc trồng cây vào chậu đã vất vả rồi, lúc đào cây ra khỏi chậu còn vất vả hơn. Nhiều người chơi sang, vứt cả cây cả chậu. Vứt cả mà có dễ đâu. Chậu cây nặng như thế họ huy động vài người cũng không bê cây ra bãi rác được” - Anh Oai giải thích cho lý do công việc của mình tiến triển tốt.

Chính vì vậy, khi gần hết Tết, cứ thấy bóng dáng đồng nát đâu là nhiều gia đình lại gọi cho bằng được. Người thì bán rẻ, người lại cho không. Mục đích cuối cùng của họ vẫn là tống khứ cây cảnh cho khỏi rác nhà.

Vì có sức khỏe nên công việc này với anh nhẹ như không. Mỗi khi có được “hàng”, anh chở ngay cây cảnh tới những vườn cảnh quen bán với giá vài trăm ngàn, thậm chí có những cây thế đẹp, anh thu về cả triệu đồng.

“Thu gom cây cảnh như vậy ai cũng có lợi. Gia chủ thì chẳng mất công để vứt đồng nát. Tôi kiếm được nhiều hơn thường ngày. Nhưng cuối cùng chủ vườn vẫn là người có lợi nhất. Chỉ cần bỏ một ít tiền mà họ có được nhiều gốc rất đẹp và lâu năm.

Tôi đã chứng kiến có chủ vườn mua cây của tôi giá 700.000 đồng nhưng năm sau bán lại với giá 5 triệu đồng. Tất nhiên họ cũng phải bỏ công chăm sóc, tạo dáng cho cây nhưng chắc chắn thu mua như vậy họ có lợi hơn tự trồng cây con rất nhiều” - Anh Oai phân tích cặn kẽ.

Chính vì vậy, anh Oai cho biết, trong những năm gần đây, không ít chủ vườn cũng đóng giả đồng nát thu gom cây cảnh giá rẻ về chăm sóc, để năm sau họ bán ra với giá cao gấp thậm chí là 10 lần.

Theo Thanh Hà
VTC News

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG