TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật, Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu T.Ư, cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp phải biến chứng với mốt làm tai Phật sau khi tiêm chất làm đầy vào tai. Một bệnh nhân nữ (35 tuổi, ở Hà Nội) đã tiêm chất làm đầy tại một cơ sở không có chuyên môn.
Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân nhập viện vì phần tiêm filler bị đau, sưng tấy đỏ và biến dạng. Bác sĩ Quang cho biết, bệnh nhân rất may mắn đến viện cấp cứu sớm, nên vùng tai bị viêm nhiễm chưa hoại tử. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn chịu tổn thương vì nhiều vùng da bị lồi, lõm ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ.
Bác sĩ Quang cho biết: “Filler là loại sản phẩm được đưa vào cơ thể giúp độn mô, làm đầy và tạo hình cấu trúc hay giúp tái tạo và tăng cường độ ẩm, trẻ hóa làn da. Ngày nay, tiêm filler được nhiều chị em sử dụng thay cho các phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, độn cằm, căng bóng da… Tùy vào từng vùng giải phẫu cần can thiệp, bác sĩ sẽ lựa chọn vị trí tiêm cũng như loại phù hợp, tiêm đúng lớp giải phẫu để đảm bảo về thẩm mỹ, tránh những tác dụng không mong muốn như lộ khối filler, hiện tượng xanh tím quanh mắt sau tiêm, hay dịch chuyển khối gây chảy xệ mặt”.
Bác sĩ khuyến cáo, cần tìm hiểu kỹ phương pháp tiêm filler cũng như lựa chọn cơ sở uy tín, được cấp phép để tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Kỹ thuật tiêm filler đòi hỏi cần được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo bài bản, cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng. Không ít trường hợp do tin tưởng nhầm chỗ nên đã gặp họa sau khi tiêm filler, như mù mắt sau nâng mũi, hoại tử vòng một, vòng ba...
“Chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, tiêm vào cơ thể dễ gây kích ứng, biến chứng nhiễm trùng”, bác sĩ Quang nói.