Hé lộ về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Israel

Lò phản ứng hạt nhân của Israel ở Dimona.
Lò phản ứng hạt nhân của Israel ở Dimona.
Nằm sâu bên dưới lớp cát sa mạc, Nhà nước Israel cho chế tạo một quả bom hạt nhân bí mật, sử dụng công nghệ và vật liệu do các cường quốc thân thiện cung cấp hay được đánh cắp bởi mạng lưới điệp viên ngầm.

Mặc dù vào năm 1986, một chuyên gia kỹ thuật bất mãn tên là Mordechai Vanunu đã tiết lộ chương trình hạt nhân bí mật của Israel, nhưng giới chức chính quyền nước này vẫn không bao giờ xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của chương trình.

Tháng 12/2013, cựu phát ngôn viên của Knesset, Quốc hội Israel, là Avraham Burg tuyên bố nước này sở hữu vũ khí hạt nhân lẫn hóa học đồng thời mô tả chính sách "không tiết lộ" của chính quyền là "lỗi thời và trẻ con" thì ngay lập tức một nhóm cánh hữu chính thức kêu gọi mở một cuộc điều tra về tội phản quốc đối với Avraham Burg.

Hé lộ về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Israel ảnh 1

Mordechai Vanunu, người tố giác chương trình hạt nhân bí mật của Israel.

Những nhiệm vụ bí mật của điệp viên Israel

Israel - không giống như Iran - không ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho nên chắc chắn nước này không vi phạm nó. Nhưng, sự thật là Israel đã vi phạm Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân cũng như nhiều luật quốc tế và quốc gia hạn chế buôn lậu công nghệ và vật liệu hạt nhân.

Trong số các quốc gia bí mật bán vật liệu và công nghệ hạt nhân hay nhắm mắt làm ngơ trước hành vi đánh cắp bí mật hạt nhân của Israel có cả những chính quyền tích cực hô hào chống phổ biến vũ khí hạt nhân - đó là, Anh, Pháp, Mỹ, Đức và cả Na Uy.

Trong khi đó, các điệp viên Israel được giao nhiệm vụ tìm mua vật liệu và công nghệ hạt nhân tiên tiến luôn có cách để thâm nhập thành công vào các ngành công nghiệp nhạy cảm nhất thế giới. Ví dụ, mạng lưới gián điệp thành công nhất của Israel gọi là "Lakam" - từ viết tắt tiếng Do Thái của một tổ chức có tên gọi hiền lành: Cơ quan liên kết khoa học - trong đó bao gồm các nhân vật nổi bật như Arnon Milchan, nhà sản xuất phim Hollywood với các bộ phim nổi tiếng như "Pretty Woman", "LA Confidential" và "12 rears a Slave".

Tháng 12/2013, Arnon Milchan cuối cùng đã chính thức thừa nhận vai trò đáng kể của ông trong hoạt động "thu mua" công nghệ hạt nhân bí mật của Nhà nước Do Thái. Milchan cũng tiết lộ chuyện ông thuyết phục nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Mỹ Arthur Biehl gia nhập bộ phận lãnh đạo của một trong những công ty của ông.

Theo cuốn tiểu sử về Arnon Milchan của hai tác giả - nhà báo Israel - Meir Doron và Joseph Gelman, Milchan được Tổng thống Shimon Peres tuyển mộ cho chương trình chiếm hữu công nghệ hạt nhân bí mật của Nhà nước Do Thái từ năm 1965 khi hai người gặp nhau trong hộp đêm Mandy's ở Tel Aviv.

Milchan được giao nhiệm vụ đánh cắp công nghệ làm giàu uranium, chụp ảnh các bản thiết kế máy ly tâm được một chuyên gia Đức cung cấp sau khi người này nhận được khoản tiền hối lộ lớn.

Về sau, cũng chính các bản thiết kế này - thuộc sở hữu của Urenco, tập đoàn làm giàu uranium châu Âu - tiếp tục bị đánh cắp lần thứ 2 bởi Abdul Qadeer Khan, nhân viên người Pakistan của Urenco. Abdul Khan sử dụng các bản thiết kế để giúp Pakistan thành lập chương trình làm giàu uranium và tạo dựng một mạng lưới buôn lậu hạt nhân toàn cầu, bán thiết kế cho Libya, Triều Tiên và Iran.

Do các máy ly tâm của Israel gần giống với hệ thống của Iran cho nên Israel có điều kiện thuận lợi để tạo ra sâu máy tính có tên mã Stuxnet tấn công các máy ly tâm của Tehran vào năm 2010.

Hé lộ về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Israel ảnh 2

Nhà sản xuất phim và điệp viên mật của Israel - Arnon Milchan (giữa) cùng với Brad Pitt và Angelina Jolie tại buổi chiếu ra mắt bộ phim “Ông bà Smith”.

Người ta cho rằng các chiến tích của mạng lưới Lakam thậm chí còn táo bạo hơn cả Abdul Khan. Năm 1968, Lakam đã khiến một chiếc tàu chở quặng uranium “tàng hình” ngay giữa Địa Trung Hải. Trong sự kiện được gọi là vụ án Plumbat này, điệp viên Israel sử dụng mạng lưới các công ty bình phong để mua lô hàng uranium oxide, gọi là "bánh vàng", ở thành phố cảng Antwerp của Bỉ.

"Bánh vàng" được giấu trong những cái trống dán nhãn "plumbet" (chất dẫn xuất chì) chất lên chiếc tàu chở hàng Scheersberg được một công ty của Liberia thuê.

Vụ bán "bánh vàng" được che đậy như là giao dịch giữa các công ty Đức và Italia với sự giúp đỡ từ giới chức Đức. Sau khi Scheersberg cập cảng ở thành phố Rotterdam của Hà Lan, toàn bộ thủy thủ được giải tán với lý do là chiếc tàu đã bán cho người khác và thủy thủ đoàn người Israel vào tiếp thu. Scheersberg di chuyển vào Địa Trung Hải và toàn bộ hàng hóa được chuyển sang chiếc tàu khác dưới sự bảo vệ của Hải quân Israel.

Năm 2013, các tài liệu giải mật của Anh và Mỹ cũng tiết lộ: Israel bí mật mua khoảng 100 tấn "bánh vàng" từ Argentina năm 1963 - 1964 mà không hề có những quy định bắt buộc nhằm ngăn ngừa sử dụng chúng để chế tạo vũ khí. Lò phản ứng hạt nhân của Israel cũng đòi hỏi deuterium oxide, cũng gọi là "nước nặng", để tiết chế phản ứng phân tích hạt nhân.

Để giải quyết mối băn khoăn này, Israel quay sang Na Uy và Anh. Năm 1959, Israel mua 20 tấn nước nặng dư thừa mà Na Uy đã bán cho Anh trong chương trình hạt nhân của nước này.

Theo Thiên Minh

Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG