169 doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 116 nghìn tỷ đồng
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2023.
Qua tổng hợp báo cáo của 813 DN cho thấy, đến hết năm 2023, tổng tài sản doanh nghiệp sở hữu là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.
Ảnh minh họa. |
Tổng doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022. Lãi phát sinh trước thuế năm 2023 đạt 217.788 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.
Đáng lưu ý, trong tổng số này, có 93/813 DN có lỗ phát sinh trong năm, với tổng số lỗ phát sinh là 33.794 tỷ đồng. Ngoài ra, có 169/813 DN còn lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 116.692 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số nợ phải trả của các DN là hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 57%, tổng giá trị các khoản phải thu 605.045 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2023.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, của 78 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con, đến cuối năm 2023, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 2.875.246 tỷ đồng, tăng 1,27% so với đầu năm 2023.
Trong đó, các khoản phải thu của các DN này hơn 433 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ phải thu khó đòi hơn 54 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% tổng số nợ phải thu.
Bên cạnh đó, tình hình vay nợ nước ngoài của các DN này hơn 254 nghìn tỷ đồng, gồm vay nợ ngắn hạn trên 36 nghìn tỷ đồng, vay nợ dài hạn hơn 218 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo hợp nhất, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Các DN có số tổng doanh thu lớn theo số liệu báo cáo hợp nhất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Về lãi phát sinh trước thuế, báo cáo hợp nhất của các DN đạt trên 153 nghìn tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022. Các DN có lãi phát sinh trước thuế đạt cao trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn.
Ở chiều ngược lại, lỗ phát sinh của 5 DN gần 27 nghìn tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất cũng cho thấy, có 18 DN còn lỗ lũy kế hơn 60 nghìn tỷ đồng và 8 công ty mẹ còn lỗ lũy kế trên 54 nghìn tỷ đồng.
Đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm
Báo cáo chỉ rõ những DNNN có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN lớn, như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (87.751 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (37.764 tỷ đồng); Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (24.744 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (23.467 tỷ đồng)…
Chính phủ đánh giá, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực mà DNNN tham gia, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Bên cạnh đó, Một số DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Giải pháp được Chính phủ đề ra trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng: Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn.
Chính phủ nhấn mạnh, vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; Giải pháp khác cũng được nhấn mạnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý…