Hé lộ ngân hàng nước ngoài muốn 'tái cơ cấu' Oceanbank

Ngoài Oceabank thì có khả năng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng đang được một vài đối tác quan tâm. Ảnh minh họa
Ngoài Oceabank thì có khả năng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng đang được một vài đối tác quan tâm. Ảnh minh họa
TPO - “Hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank. Ngân hàng này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank”, thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sáng nay.

Tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay 20/7, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết thông tin này.

Vị đại diện NHNN cũng cho hay, việc mua lại một tổ chức tín dụng không phải là một thương vụ đơn giản và cần nhiều thời gian để xem xét và đánh giá. Bởi vì ngân hàng có nhiều hoạt động phức tạp, hệ thống ngân hàng trải dài ở nhiều tỉnh thành.

Theo ông Thọ, nhà đầu tư nước ngoài lần này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công. Nếu thương vụ M&A này được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

OceanBank hiện là ngân hàng được đánh giá cao nhất trong mắt các nhà đầu tư ngoại so với 2 ngân hàng cùng bị NHNN mua lại 0 đồng là GPBank và CBBank (Ngân hàng Xây dựng). Vì thế, nếu ngân hàng này đã được nhà đầu tư ngoại mua lại cũng không phải là điều quá bất ngờ.

Trên thực tế, cách đây chưa lâu, từng có thông tin rò rỉ: ngân hàng 0 đồng Đại dương (OceanBank) đang đi đến “hồi kết” với một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á. Phỏng đoán này cũng đến khi trước đó, vào ngày 7/6, trong buổi toạ đàm với 15 doanh nghiệp Nhật Bản, khi nghe Chủ tịch Ngân hàng Senshu Ikeda bày tỏ mong muốn mở văn phòng đại diện tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề liệu Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam (với nợ xấu ở mức vừa phải) và Thủ tướng sẵn sàng tạo điều kiện cho việc này.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong cách đây vài tháng, NHNN đã tạo điều kiện cho đối tác ngoại vào làm việc, nghe ngóng, rà soát tất cả tại OceanBank. “Cơ bản nhìn chung, họ khá ưng ý.”, một đại diện NHNN cho hay. Trong khi đó, một nhân viên đang công tác tại ngân hàng này chia sẻ với phóng viên cả mấy tháng trời nay phải “quần quật” làm việc liên tục với đối tác.

Về phương án mua lại ngân hàng 0 đồng này sẽ thế nào? Theo giới quan sát, nhiều khả năng, đối tác  ngoại sẽ phải “bơm” tiền tươi vào xử lý những khoản dẫn đến âm vốn chủ sở hữu, sau đó, NHNN và Chính phủ chắc chắn sẽ phải tạo điều kiện, cơ chế để họ hoạt động, phục hồi dần.

Cho tới thời điểm hiện tại, vụ 'đại án' Hà Văn Thắm liên quan trực tiếp tới OceanBank vẫn chưa khép lại. Bản thân cổ đông của ngân hàng này đang rất muốn được lên tiếng liên quan tới quyết định đơn phương mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng của NHNN. Trong năm 2017, Oceanbank đặt chỉ tiêu tiền gửi khách hàng trên 30 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng.

Một nguồn tin nữa cũng cho hay, trong 3 ngân hàng 0 đồng, có khả năng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng đang được một vài đối tác quan tâm, xem xét. Hiện NHNN và Chính phủ rất khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng mua lại bắt buộc.

MỚI - NÓNG