Chiến lược chuyển mục tiêu ra nước ngoài của IS
Đến nay, các cuộc tấn công của IS ở ngoài Syria và Iraq trong hai tháng qua đã khiến hơn 500 người thiệt mạng, bao gồm 129 nạn nhân ở Paris, 224 người trên máy bay của hãng hàng không Nga rơi ở Ai Cập, hơn 100 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 40 người ở Beirut (Lebanon).
Giới tình báo tin rằng, cuộc tấn công của IS ở Paris có thể là một phần trong chuỗi các đợt tấn công của nước này nhằm vào phương Tây. Dựa trên những thông tin tình báo và tuyên bố của IS, các chuyên gia về khủng bố Mỹ tin rằng, IS đang tích cực xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố ra thế giới như một cách mở rộng dấu ấn của nhóm này và thành lập một mạng lưới của triều đại Hồi giáo.
Ngoài những kẻ thù mạnh như những đồng minh ở châu Âu của Mỹ, IS cũng có thể đang nhắm mục tiêu vào những nước khác như Nga hoặc nhóm phiến quân Hezbollah, những tổ chức của người Syria ở Syria.
“IS rõ ràng đã có bước chuyển quan trọng khi tập trung vào những mục tiêu ở bên ngoài. Đó là những gì chúng ta đã thấy ở Sinai, Beirut và Paris”, một quan chức tình báo Mỹ cao cấp nói với NBC News.
Theo vị này, sự chuyển hướng của IS không phải là hành động đáp trả cho những đợt không kích dữ dội của phương Tây khiến IS mất đi vài phần lãnh thổ trong những tháng qua. Thay vào đó, người này cảnh báo đây là bước chuyển chiến lược của IS và điều này khiến Washington vô cùng lo ngại, vì phiến quân đã có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công kỹ lưỡng hơn, từ bước lên kế hoạch đến giai đoạn điều phối tác chiến.
“Đây là cách mà IS giương cao ngọn cờ của chúng, củng cố lại tổ chức. Tấn công Mỹ, phương Tây, Nga và Ai Cập mà cách mà phiến quân nói rằng ‘Chúng tôi là chủ cuộc chơi, không phải các người, cũng không phải al-Qaeda hay tổ chức nào khác, mà là IS’”, ông nói.
Một quan chức khác cho biết, những kết quả phân tích về các cuộc tấn công của IS cho thấy lực lượng này đang tích cực nhận thêm những chiến binh giàu kinh nghiệm. CIA, Bộ Quốc phòng và các cơ quan an ninh liên quan của Mỹ đang nỗ lực xác minh, liệu có phần tử thuộc IS nào đã vào lãnh thổ Mỹ hay chưa. Đến nay không có nhiều dấu hiệu về khả năng này. Song song đó, chính phủ cũng đang huy động lực lượng để tăng cường an ninh tại những địa điểm dễ gặp nguy cơ ở nước ngoài, như các đại sứ quán, tổ chức quốc tế hoặc công ty đa quốc gia.
Trong khi đó, ông Douglas Ollivant, cựu giám đốc phụ trách tình hình Iraq ở Hội đồng An ninh Quốc gia, hoài nghi khả năng IS có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Ông cho rằng Mỹ đang rất nỗ lực tăng cường kiểm soát ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ cũng không nhiều những người bất mãn đến từ Nam Á hay Bắc Phi, so với các nước ở châu Âu hoặc châu Á. Do vậy, khả năng gây tác động đến nhóm người này ở Mỹ bằng các cuộc tấn công có thể không đạt hiệu quả.
Theo tờ Financial Times, mục tiêu nước ngoài kế tiếp của IS có thể sẽ là Đức. Phiến quân muốn gây chia rẽ trên toàn châu Âu, đặc biệt là kích động sự thù hằn đối với những người tị nạn, qua đó làm tăng uy tín cho các đảng cánh hữu để làm cô lập những người Hồi giáo ở châu Âu. Một cuộc tấn công nhằm vào Đức cũng sẽ làm suy yếu vị thế chính trị của Thủ tướng Angela Merkel.
Anh cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công kế tiếp. Giám đốc Cơ quan Nội an Anh, Andrew Parket, cho biết đơn vị này đã phá 6 âm mưu tấn công trong năm 2015. Tuy nhiên, một cuộc khủng bố quy mô lớn như ở Paris có thể sẽ không lặp lại ở Anh.
Ai đứng sau kế hoạch tác chiến của IS?
Hiện tại, các đơn vị phòng chống khủng bố ở Mỹ nỗ lực xác minh, đối tượng nào trong hàng ngũ IS có nhiều kinh nghiệm và khả năng để có thể gây ra những cuộc tấn công ở Paris hoặc tấn công máy bay Nga.
Một số ý kiến hoài nghi IS có thể đã bắt tay với al-Qaeda hoặc những nhánh của mạng lưới này như al-Nusra hoặc Jabhat al-Nusra. Nhiều ý kiến không ủng hộ giả thiết về sự hợp tác này do cả đôi bên đều muốn chứng tỏ sức mạnh. Tuy nhiên, một quan chức nói, các chiến binh đơn lẻ của các bên có thể đã tham gia kế hoạch. “IS luôn áp dụng chính sách rộng mở”, ông nói.
Những cuộc tấn công quy mô lớn gần đây của IS đang dấy lên khả năng mà CIA lo lắng từ lâu: những tướng lĩnh quân sự cao cấp của Saddam Hussein sau khi thất thế đã trở thành các chỉ huy cao cấp trong hàng ngũ IS để chống phương Tây. Sau cuộc chiến ở Iraq do Mỹ phát động năm 2003, Mỹ đã giải thể các cơ quan quân sự và quân đội của đảng Baath, khiến hàng loạt tướng sĩ giàu kinh nghiệm và lòng đầy căm phẫn rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Những năm gần đây, giới tình báo đã thu thập nhiều bằng chứng cho thấy các đối tượng này không chỉ đang gia nhập IS, mà còn giúp hướng dẫn huấn luyện, kinh nghiệm tác chiến chiến lược cho IS để giúp phiến quân chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq. “Họ đang làm những gì là điều chúng tôi không thể biết. Không ai nắm rõ IS đang chỉ đạo những cựu tướng lĩnh của Hussein chuẩn bị cho các kế hoạch nào tiếp theo”, một quan chức nói.