Hé lộ hậu trường bí mật vụ trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vào cuối tháng 6, nhóm quan chức CIA có cuộc họp bí mật với các sĩ quan tình báo Nga tại một thủ đô không được tiết lộ ở Trung Đông, để nêu đề xuất trao đổi tù nhân.
Hé lộ hậu trường bí mật vụ trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Mỹ ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris ra tận sân bay đón nhóm người Mỹ trở về. (Ảnh: CNN)

Đây là đề xuất mới nhất sau một loạt đề xuất mà Mỹ nêu với phía Nga trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để những người Mỹ bị giam giữ tại Nga được trả tự do.

Nhưng lần này, CIA có đề xuất mới: Vadim Krasikov, công dân Nga bị kết tội sát hại một người đàn ông ở Berlin và đang thụ án chung thân trong nhà tù ở Đức.

Đề xuất mà CIA nêu ra cho người Nga ngày hôm đó là đỉnh cao của nhiều tháng nỗ lực nhằm thuyết phục người Đức thả Krasikov, người được cho là có mối quan hệ cá nhân với một số quan chức Nga.

Thỏa thuận được CIA nêu hôm đó bao gồm trao đổi Krasikov lấy hai người Mỹ đang bị giam giữ tại Nga với cáo buộc gián điệp: Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan và phóng viên báo Wall Street Journal Evan Gershkovich.

Các quan chức Nga mang đề xuất này về Mátxcơva. Đến đầu tháng 7, trong một cuộc điện đàm với Giám đốc CIA Bill Burns, Nga nói với người Mỹ rằng họ đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn cần được trao đổi thêm để thống nhất.

Ngày 17/7, Mátxcơva chính thức chấp nhận đề xuất và gửi câu trả lời cho CIA, dẫn đến cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Mỹ và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh, liên quan đến 24 tù nhân và 7 quốc gia.

Đây là một sự kết thúc chóng vánh đáng kinh ngạc sau mấy năm đàm phán khó khăn giữa Mỹ và nhiều quốc gia. Thoả thuận đánh dấu kết thúc của một thử thách đau thương đối với Gershkovich, người vừa bị kết án 16 năm tù sau hơn 1 năm thụ án, và đối với Whelan, người đã bị giam giữ tại Nga trong gần 6 năm.

Thỏa thuận cũng đã đưa nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva trở về nhà và trả tự do cho Vladimir Kara-Murza.

Ngày 1/8, Gershkovich, Whelan và Kurmasheva bước lên chiếc máy bay của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ để trở về nước. Hơn nửa tá máy bay trên đường băng đông đúc ở Ankara ngày hôm đó là minh chứng cho số lượng quốc gia đã tham gia vào quá trình đàm phán phức tạp kéo dài nhiều tháng.

“Thỏa thuận này trở thành hiện thực là một kỳ tích của ngoại giao và tình bạn. Nhiều quốc gia giúp thực hiện điều này. Họ tham gia các cuộc đàm phán khó khăn, phức tạp theo đề nghị của tôi”, Tổng thống Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng ngày 1/8.

Đêm muộn hôm đó, nhóm người Mỹ đáp xuống sân bay quân sự Andrews, nơi họ được người thân, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris chào đón.

Điểm mấu chốt

Mấu chốt của thỏa thuận là Tổng thống Biden có thể thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz thả Krasikov, người mà phía Nga mong muốn nhất.

Khi Krasikov bị kết tội giết cựu tay súng Chechnya, tòa án Đức cho rằng Krasikov hành động thay mặt nước Nga.

Chính quyền Biden đã nhiều năm tìm cách thả Whelan. Tháng 1/2023, các sĩ quan tình báo Mỹ gặp đối tác Nga tại một quốc gia thứ ba để nêu đề xuất trao đổi Whelan lấy hai công dân Nga bị giam giữ tại Slovenia. Nga từ chối lời đề nghị đó.

Tình hình sau đó thay đổi. Tháng 3/2023, lực lượng an ninh Nga bắt giữ Gershkovich vì tội gián điệp.

Chính quyền Biden chấp nhận trao đổi tù nhân Nga có giá trị nhất mà họ có trong tay – nhà buôn vũ khí Viktor Bout, để đổi lấy việc thả sao WNBA Brittney Griner.

Điều đó khiến Mỹ không còn tù nhân Nga có giá trị cao nào để trao đổi nữa. Vì vậy, các quan chức Mỹ bắt đầu lùng sục khắp thế giới để tìm những người Nga đang bị giam giữ, âm thầm thuyết phục các đồng minh để có thể thực hiện thỏa thuận với Mátxcơva.

Tháng 11 năm đó, các sĩ quan CIA tại Mátxcơva đề xuất trao đổi 4 tù nhân Nga đang bị giam giữ ở Na Uy, Ba Lan và Slovenia để đổi lấy Whelan và Gershkovich.

Nhưng Nga từ chối, và phía Mỹ nhận thấy người mà Mátxcơva muốn là Krasikov.

Vì thế, Chính phủ Mỹ, thông qua các kênh tình báo, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia, chuyển sang tìm cách thuyết phục Chính phủ Đức trao đổi người đàn ông này.

Hé lộ hậu trường bí mật vụ trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Mỹ ảnh 2
Máy bay của các quốc gia liên quan đậu trên đường băng Ankara Esenboga để thực hiện thoả thuận trao đổi tù nhân ngày 1/8. (Ảnh: Getty)

Có nhiều cuộc đàm phán bí mật diễn ra sau đó, được tổ chức thông qua kênh bí mật của CIA, trong đó có khả năng trả tự do cho nhân vật bất đồng chính kiến ​​người Nga Alexey Navalny để đổi lấy Krasikov.

Trước khi CIA có thể đưa ra bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào cho phía Nga liên quan đến Krasikov, chính quyền Tổng thống Biden phải thuyết phục Đức đồng ý.

Các quan chức Mỹ âm thầm làm việc suốt năm qua để khiến Chính phủ Đức đồng ý thả Krasikov, thậm chí cả Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris cũng phải vận động Berlin.

Ông Biden nêu vấn đề này với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc điện đàm vào tháng 1 năm nay, sau đó tiếp tục nêu ra trong cuộc trao đổi tại Phòng Bầu dục vào tháng 2.

Hé lộ hậu trường bí mật vụ trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Mỹ ảnh 3

Vadim Krasikov đang thụ án tù ở Đức trước khi được đưa vào thoả thuận trao đổi tù nhân. (Ảnh: Reuters)

Sự cố bất ngờ

Khi phía Đức đã tỏ ý chấp thuận, một sự cố khác xảy ra: Ngày 16/2, Navalny chết tù.

"Mọi thứ đã nguội lạnh" sau khi Navalny qua đời, một quan chức Mỹ nắm được quá trình đàm phán cho biết.

Thông tin về cái chết của Navalny được công khai ngay trong giờ khai mạc Hội nghị An ninh Munich, khiến tình hình trở nên nguy hiểm.

Sau khi kết thúc cuộc họp theo lịch trình của hội nghị, Phó Tổng thống Harris yêu cầu tất cả nhân viên rời khỏi phòng để bà gặp riêng nhà lãnh đạo Đức.

Trong cuộc trò chuyện đó, bà Harris nhấn mạnh việc thả Krasikov sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với thỏa thuận, một quan chức Nhà Trắng nói với CNN.

Tại Washington, vào ngày Mỹ biết tin Navalny qua đời, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc gặp hẹn trước với bố mẹ của Gershkovich. Điều này thúc đẩy ông Sullivan chỉ đạo nhóm của mình bắt đầu chuẩn bị danh sách những người vẫn có thể giúp Mỹ đạt được thỏa thuận với Đức.

Danh sách được hoàn thiện vào cuối tháng 3. Tổng thống Biden gửi thư cho Thủ tướng Scholz vào tháng 4 và cuối cùng Berlin đã đồng ý thả Krasikov vào đầu tháng 6. Theo nhiều quan chức Mỹ, chìa khóa để đạt được điều này là đưa Kara-Murza và 7 tù nhân chính trị Nga khác vào thoả thuận.

Mỹ không chỉ phải thuyết phục Đức. Tại Munich, bà Harris cũng có cuộc gặp riêng Thủ tướng Robert Golob của Slovenia, để thúc đẩy việc thả 2 công dân Nga đang bị Slovenia giam giữ mà Washington xác định là ưu tiên hàng đầu đối với Mátxcơva.

Tổng thống Biden trực tiếp gây sức ép với Slovenia. Mới chỉ 2 tuần trước, ông Biden gọi điện cho Thủ tướng Slovenia để thúc giục.

Mãi đến những tuần gần đây Mátxcơva mới đồng ý với thỏa thuận trên bàn đàm phán. Sau đó, mọi thứ bắt đầu diễn ra nhanh chóng.

Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake cho biết, có một nỗi sợ liên tục trong vài tuần qua rằng thoả thuận sẽ gặp sự cố, vì có quá nhiều bên tham gia.

"Chúng tôi chỉ lo rằng thông tin nào đó bị rò rỉ sẽ làm hỏng thoả thuận”, ông nói với CNN.

Đại sứ Flake cho biết, ông chỉ được tham gia thoả thuận từ vài tuần trước, khi quá trình đàm phán đã gần đến giai đoạn cuối. "Chỉ có rất, rất ít người biết về thoả thuận đó", ông nói.

Theo CNN
MỚI - NÓNG