Bộ Tư lệnh Phát triển Khả năng Tác chiến của lục quân Mỹ hồi cuối tháng 2 đăng trên trang mạng Linkedin hình ảnh phác thảo về khẩu pháo. Hình ảnh mô tả một khẩu pháo cực lớn trên một chiếc xe kéo có ít nhất sáu bánh, được kéo bởi một chiếc xe tải hạng nặng tám bánh.
Lục quân Mỹ xếp hạng loạt súng mới vào hàng có tầm bắn "vượt qua 1.000 dặm." Mỗi pháo đòi hỏi tám binh sĩ vận hành. Một khẩu đội sẽ bao gồm bốn pháo. Các khẩu pháo sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển.
Mặc dù có kích thước lớn hơn bất kỳ loại pháo nào hiện có, pháo tầm xa chiến lược (SLRC) thực sự không đòi hỏi nhiều về công nghệ mới, Đại tá John Rafferty, người năm 2018 đã lãnh đạo nhóm hiện đại hóa hỏa lực tầm xa của lục quân Mỹ, nói với Breaking Defense.
Rafferty nói rằng khẩu pháo mới sẽ mượn các yếu tố của pháo 155 mm hiện có. “Nó là khẩu súng lớn hơn các loại khác, chúng tôi đã tăng quy mô những thứ chúng tôi đã làm. "
Pháo tầm xa chiến lược là một trong một số các vũ khí mới mà lục quân Mỹ muốn có, giúp họ bắt kịp, và cuối cùng vượt trội, so với tầm bắn và sức tàn phá của hỏa lực Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Quân đội Mỹ trong những năm 2000 tụt lại phía sau các đối thủ chính về phát triển pháo binh.
Điều đó đã thay đổi khi Trung Quốc bắt đầu gây ảnh hưởng nhiều hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự thay đổi đã tăng tốc khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2014. Quân đội Mỹ đã triển khai trở lại châu Âu hai tiểu đoàn tên lửa mà trước đó đã rút khỏi lục địa này.
Giờ đây, quân đội Mỹ đang phát triển các nòng mới, dài hơn cho pháo phản lực tự hành M-109 và pháo phản lực kéo M-198. Họ cũng đang chế tạo đạn rocket mới cho cả hai súng. Các bản nâng cấp có thể tăng tầm bắn của pháo phản lực từ khoảng cách 32km lên 130km.
Lục quân Mỹ cũng đang phát triển các tên lửa mới cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và hệ thống tên lửa đa đầu đạn (MLRS).
Về tầm bắn, pháo tầm xa chiến lược nằm giữa tên lửa tấn công chính xác và tên lửa siêu thanh. Với khẩu pháo mới, lục quân Mỹ có thể tấn công các mục tiêu như căn cứ, mạng lưới hậu cần và căn cứ không quân đối phương - trước đây là trách nhiệm của các máy bay và tên lửa của không quân và hải quân Mỹ.