Hãy đặt vào vị trí người bị hại

Hãy đặt vào vị trí người bị hại
TP - Một lần, đi trên đường Nguyễn Trãi (TPHCM), tôi chứng kiến một vụ đánh ghen. Cô gái bị 4 người đàn ông lao vào đấm, đá, cô gái rũ xuống chịu trận, đau đớn.

> Hành động của hai nữ sinh và ý kiến anh Xuân Bắc

Kỳ lạ thay, xung quanh nhiều đàn ông đứng xem, chỉ trỏ, bình luận. Nhìn cảnh ấy, tôi biết một mình không thể lao vào cứu cô gái khỏi 4 gã đang hăng máu kia nên đã gọi 113. Ít phút sau, họ xuất hiện và giải cứu cô gái đáng thương đó.

Một lần khác, tôi gặp vụ tai nạn thương tâm, nạn nhân bị xe bồn cán đứt đôi người. Những người xung quanh tụm lại xem rồi lảng đi mất. Tôi hoảng hốt gọi cơ quan chức năng nhưng bất ngờ nhận được những câu hỏi câu giờ: “Có nặng không? Hai bên có tự giải quyết được với nhau không?...”.

Lúc đó, cảm giác thất vọng ập đến xâm chiếm tôi. Trong lúc cấp bách giữa sự sống và cái chết người ta mới cần đến cơ quan chức năng thì họ lại phải trả lời đủ bộ câu hỏi.

Vì thế, người dân, thanh niên vô cảm, thờ ơ là đáng trách, nhưng với cơ quan chức năng, nếu áp dụng hình thức xử lý giống nhau trong mọi trường hợp sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nếu ai sống vô cảm, hãy thử một lần đặt mình vào vị trí người bị nạn, nằm giữa đường cầu cứu nhưng nhận được sự thờ ơ thì có lẽ đến hết đời họ cũng không hành xử như vậy nữa.

Trấn Thành
Diễn viên, MC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG