Hãy dám làm những điều khác biệt

Đặng Thị Thanh Thương (bìa phải) trong lễ khai mạc Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
Đặng Thị Thanh Thương (bìa phải) trong lễ khai mạc Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.
TP - Đặng Thị Thanh Thương (đại diện tuổi trẻ Việt Nam có bài phát biểu tại Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC ở Đà Nẵng mới đây) cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tuổi trẻ Việt Nam cần chủ động hội nhập theo hướng tự tin, năng động, cởi mở, sáng tạo và quan trọng là dám làm những điều khác biệt, dám chấp nhận thất bại.

Tìm những “lỗ hổng” của thị trường

Từng làm việc nhóm với các bạn trong ASEAN rồi đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC, Thương thấy trình độ, kiến thức của giới trẻ Việt Nam so với giới trẻ Đông Nam Á và các nước APEC thế nào?

 Ý tưởng xây dựng website đến cũng ngẫu nhiên trong đợt mình đi hội nghị thượng đỉnh ở Philippines hồi tháng 10/2017.  Cái hay của nhóm xây dựng website là mỗi người đến từ các nước khác nhau, có chuyên môn về một mảng khác nhau và nói chuyện với nhau khá cởi mở và tôn trọng. Riêng mình được giao phụ trách về quan hệ công chúng và xây dựng, thiết kế chương trình, chiến lược phát triển website. Mình thấy không có sự chênh lệch quá nhiều giữa thanh niên Việt Nam với các bạn ASEAN, nhưng với các đại biểu APEC thì chênh lệch nhiều.

Riêng mặt kỹ năng, các đại biểu tuổi trẻ Việt Nam có khả năng ngoại ngữ rất tốt, không gặp trở ngại nào về rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, về kiến thức thì các bạn đến từ các nước APEC tư duy đa dạng hơn. Tầm hiểu biết của họ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực học mà biết rất nhiều về xu hướng phát triển của các nền kinh tế trên thế giới trong khi tuổi đời các bạn chỉ ngang mình. Có những bạn đã ở ngưỡng triệu phú USD, đã khởi nghiệp thành công. Có những bạn thuộc top đầu các trường ĐH. Khi nói chuyện với các bạn, mình thấy rằng tầm hiểu biết của mình vẫn chưa sánh ngang được với các bạn và phải học hỏi rất nhiều.

Trong số các đại biểu dự Diễn đàn có nhiều người đã khởi nghiệp thành công, vậy, họ khởi nghiệp như thế nào?

Họ khởi nghiệp thường tìm những “lỗ hổng” của thị trường hoặc tìm những khoảng thị trường có thể chen chân vào được. Còn đối với khởi nghiệp ở Việt Nam, các bạn chỉ đi theo xu hướng. Ví dụ thấy ai mở quán cafe thì cũng mở quán cafe, tức là chỉ đi theo xu hướng sẵn có, chưa mang tính đột phá, làm giới hạn động lực và năng lực của chính các bạn. Điều mà các bạn trẻ ở Việt Nam thiệt thòi hơn các bạn trong APEC là chưa có chính sách, động lực nào thúc đẩy các bạn dám thử thách mình ở những lĩnh vực mới.

Hãy tự tin và dám làm những điều khác biệt

Theo Thương, mấu chốt để giới trẻ Việt có thể đón đầu, vươn lên trong cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Về mặt kiến thức, theo mình, có hai vấn đề chính thanh niên Việt Nam cần phải nắm bắt. Thứ nhất là về kỹ năng ngoại ngữ, không chỉ dừng lại ở việc biết, có thể nói mà còn phải có kỹ năng phản biện, kỹ năng đàm phán, kỹ năng ngoại giao. Thứ hai về kiến thức, trong thời đại 4.0, công nghệ đóng vai trò quan trọng, cũng như trí tuệ nhân tạo sẽ quyết định hơn 50% sự thành công của bất kỳ lĩnh vực nào. Do đó thanh niên Việt Nam cần phải học tập để làm chủ được công nghệ đó. Khi làm chủ được thì mới quyết định được khởi nghiệp như thế nào, mới quyết định được hướng đi có đúng hay không và nguồn thông tin tiếp cận được có đáng tin cậy hay không?

Cũng cần phải nhận ra điều khác biệt lớn nhất hiện nay so với thời trước là thế hệ trẻ bây giờ chủ yếu tương tác qua mạng xã hội và các công nghệ kỹ thuật số. Ví dụ đơn giản là việc mình chuẩn bị bài phát biểu hay làm dự án website dự án cộng đồng cũng hoàn toàn qua mạng xã hội vì các thành viên trong nhóm xa cách về mặt địa lý. Đây là công cụ rất hữu hiệu, tạo cơ hội hợp tác đa quốc gia. Trước đây mình thường tự ti khi gặp, làm việc với người nước ngoài, nhưng bây giờ, bạn bè xung quanh mình không còn quan niệm đó nữa. Bây giờ việc của mình là phải tự tin, bình đẳng với họ.

Ngoài cần tự tin, khi hội nhập, theo Thương, chúng ta cần làm gì nữa?

Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngoài những mặt tích cực thì cũng có những mặt trái. Lý do người trẻ dễ bị cám dỗ là vì mất phương hướng. Để tránh thông tin tiêu cực, phải giải quyết từ hai chiều. Trước tiên bản thân người trẻ phải có kiến thức vững chắc để có thể phân biệt đúng sai, hữu ích hay không hữu ích. Các tổ chức Đoàn, Hội cần có kênh thông tin chính thống để giới trẻ tìm hiểu, tin tưởng, thay vì đọc được những thông tin tràn lan trên mạng.

Theo mình, cũng cần hướng dẫn cho người trẻ dám ước mơ và dám chấp nhận thất bại. Bản lĩnh của giới trẻ cần phải thể hiện từ những thứ nhỏ như tự tin phát biểu quan điểm trước lớp, thuyết trình, phản biện hay xa hơn nữa là dám làm những điều khác biệt, đi ngược lại với ý kiến số đông. Hoặc thử thách bản thân trong lĩnh vực mới như khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo hay nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, tự tin tham gia giao lưu, học hỏi quốc tế, hòa nhập nhưng không hòa tan. Trong thời đại hiện nay, bản lĩnh thể hiện ở việc cùng nhau hợp tác để đi thật xa chứ không phải việc ai giỏi hơn ai.

Đặng Thị Thanh Thương (sinh năm 1996) đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Huế. Thương đã cùng với 9 bạn khác đến từ 9 quốc gia trong ASEAN xây dựng website cung cấp cơ sở dữ liệu về các dự án cộng đồng ASEAN. Thương từng là thủ khoa đầu vào ngành kinh tế thuộc ĐH Kinh tế Huế năm 2014. Năm 2016, Thương được nhận Học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng lập. Thương cũng tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội như: Chủ nhiệm CLB tiếng Anh trường ĐH Kinh tế Huế; tham gia dự án “Phoniska” cùng với sinh viên Đại học quản lí Singapore nhằm giải quyết vấn đề tài chính cho các hộ dân làng nghề truyền thống ở Cồn Hến, phường Vĩ Dạ năm 2016...

MỚI - NÓNG
22 nam thanh nữ tú vào chung kết Sinh viên thanh lịch 2024
22 nam thanh nữ tú vào chung kết Sinh viên thanh lịch 2024
TPO - Trải qua các vòng sơ khảo và bán kết, cuộc thi Sinh viên thanh lịch năm 2024 đã lựa chọn được 22 thí sinh vào tranh tài trong vòng chung kết. Đây là những gương mặt nổi bật nhất trong số 200 sinh viên đến từ 40 trường cao đẳng, đại học, học viện trên cả nước.