Hãy công bằng với trái tim
Vụ việc đau lòng về ba bạn nữ lớp 7 ở Đắk Nông tự vẫn cùng nhau làm dậy lên những cuộc tranh luận đầy xót thương. Nhưng theo bác sỹ Lê Đình Phương, bệnh viện Pháp Việt, giá mà chúng ta đủ hiểu biết, 80% đã có thể cứu được. Chỉ tiếc, nếu coi trái tim đại diện cho cảm xúc, thì chúng ta đang quá bất công với nó!
Ảnh: minh họa - Internet |
Đau lòng những lựa-chọn-được-chết
Trong cuốn nhật kí của H., một trong ba bạn gái ở Phú Thọ chia sẻ những tâm sự buồn chán, và dự tính tự tử đã được ba bạn lên kế hoạch từ lâu.
Bạn L.T… (lớp 9, Hải Dương) tự vẫn ngày 10/2, sau khi bị chủ cửa hàng quần áo nghi ngờ là ăn cắp.
Ngày 28/2, nữ sinh M…, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cũng thắt cổ tự tử trong kí túc xá.
Cách đây hơn hai tháng, bạn V.P… (lớp chuyên) ở Nha Trang để lại bức thư tuyệt mệnh: “Trời ơi! Tôi đang trải qua giai đoạn thật đau khổ của 12 năm đi học, bao nỗ lực cho kì thi học kì để được học sinh giỏi đã tan thành mây khói”, rồi nhảy từ trên cầu xuống biển…
Chỉ trong một thời gian ngắn, quá nhiều học sinh đã tự tìm tới cái chết, hầu hết là học sinh ngoan hiền, học tốt. Mỗi bạn một hòan cảnh, trứơc và sau mỗi cái chết là một bi kịch riêng, nhưng hầu hết các bạn bị trầm cảm, gặp phải những chấn thương tâm lý, và tự vẫn là kết cục đau lòng và nặng nề nhất của nó.
Tâm sự là “thuốc”
Giá mà tớ biết điều này trước vài năm thôi là có thể cứu được bạn tớ. Lê là một bạn gái mạnh mẽ, giỏi giang, hát hay, múa đẹp, làm chủ sân khấu rất tốt. Lê càng không phải típ người nhõng nhẽo hay ủy mị.
Có lần, tớ học thêm về, đi bộ một mình trên đoạn đường vắng chập chọang chiều. Phía trước có hai thằng con trai lạ mặt, rà xe ỉn ỉn khiêu khích, cợt nhả. Tớ sợ rúm ró. Rồi Lê xuất hiện! Như một siêu nhân, Lê rút giày ra, cao giọng quát: “Đứa nào, đứa nào dọa cậu? Nó đâu, tớ cho nó biết tay!”. Hai thằng ma cô cun cút lỉnh ngay. Có lần cả lớp sợ chết khiếp vì một con chuột khổng lồ kẹt ngay trên trần nhà, hai chân tụt xuống dưới, hai chân mắc bên trên, giãy giụa kêu chóe chóe. Lê tới, lấy cái bọc nilon trùm vào tay, trèo lên ghế, giật con chuột xuống, vứt vào sọt rác. Vậy mà, ngày 15 tháng 1 năm ngoái, Lê đã thắt cổ tự vẫn trong phòng riêng. Bấy lâu Lê xuất hiện như một nữ siêu nhân cứu tụi tớ, mà giờ đây cậu ấy lại không cứu được chính mình...
Chúng ta cũng đã nhiều lần ngỡ ngàng trước những ca tự vẫn của những ngôi sao Hàn Quốc trên đỉnh cao danh vọng. Cũng như Lê, họ không hề kém bản lĩnh, không yếu đuối, không chậm chạp, không thiếu ý chí phấn đấu, hay kém đương đầu trước khó khăn. Càng không phải là một nhân cách rối lọan, thiếu chan hòa, thiếu tinh thần tập thể,… Chính xác là họ bị trầm cảm, một căn bệnh rất cụ thể, do trong não người bệnh bị thiếu, hoặc cạn kiệt, những chất dẫn truyền thần kinh.
Theo bác sỹ Phương, ở Mỹ mỗi năm có tới 18 triệu lượt người đi khám về trầm cảm. Chi phí khám chữa bệnh và theo dõi trầm cảm tốn tới 40 tỷ đôla/ năm, gần bằng chi phí về không gian của NASA. Người bình thường như chúng ta, khả năng mắc bệnh trầm cảm là 17%. Bệnh trầm cảm không chừa một ai, nó tiềm ẩn trong chúng ta và rình những biến động tâm lý để bùng phát!
Đừng gọi tên trầm cảm bằng những cách tàn nhẫn
Những biểu hiện của trầm cảm đã và đang bị chúng mình coi như câu chửi rủa: Khùng, điên, nhảm, chập mạch, chạm mát, hoang tưởng, chập IC, tự kỷ,… Việc đi nhà thương Chợ Quán, Biên Hòa, Trâu Quỳ… không chỉ là nỗi xấu hổ của người bệnh mà thường bị coi là nỗi nhục với cả gia đình. Tận bây giờ, rất ít người Việt chấp nhận việc mình bị trầm cảm, chưa sẵn sàng để công nhận rằng tinh thần của mình cũng có thể bị bệnh, hóc-môn của mình có thể bị rối loạn.
Có người còn chặc lưỡi, rằng bây giờ trẻ con đầy đủ quá, sướng quá nên hay làm mình làm mẩy, bày đặt trầm cảm. Không ạ! Trong y học, bệnh trầm cảm đã được ghi nhận từ trước Công nguyên. Do đó, việc giảm tải áp chương trình học, rèn luyện kỹ năng sống là cần thiết, nhưng không phải là tất cả để giúp chúng ta lọai trừ nạn tự tử.
Trong đám tang bạn tớ và trên mạng những ngày này rất nhiều lời trách móc ba bạn nữ dại dột. Không khi không một bệnh nhân viêm khớp, ung thư, hay sốt siêu vi lại bị trách rằng: “Dại thế, tại sao lại để bị ốm?”. Những người trầm cảm thường giàu cảm xúc, sống nội tâm, dễ bị tổn thương. Còn những người như tớ và các cậu được cho là bản lĩnh, cũng do may mắn có được bộ thần kinh “trơ” hơn. Tại sao ta có thể thông cảm những cơn đau do bệnh tật, mà lại bực bội, thậm chí khinh ghét cơn đau tinh thần đang dày vò bạn mình?
Lắng nghe những tín hiệu kêu cứu
Tới khi gõ những dòng chữ này tớ vẫn nhớ như in tối đó Lê còn qua nhà tớ, nằm than thở hết chuyện này tới chuyện kia suốt 4 tiếng đồng hồ. Tớ hôm đó sao mà điếc mù, ngu muội, chỉ lờ mờ cảm thấy bạn thật bế tắc, rồi tự nhủ tại nó buồn, tại nó nóng tính,... rồi sẽ qua thôi.
Bạn L.T… sau khi bị làm nhục trước bao nhiêu người, trước lúc tự vẫn đã khóc rất nhiều, đã lấy hết tiền tiết kiệm để đưa cho chị, bảo là từ nay không cần dùng tới nữa.
Trước khi tự tử hai ngày, ba bạn ở Đắk Nông đã mang tới lớp chai thuốc trừ sâu, ôm nhau khóc, nói là sẽ đi mãi. Một sự kiện thật bất thường. Nhưng các bạn cùng lớp chỉ biết giật lấy chai nước đổ đi và dọa sẽ mách thầy cô. Không ai đủ nhạy cảm nhận ra sự nghiêm trọng, để đem chai nước đi xét nghiệm, để ngồi lại lắng nghe ba học trò nhỏ, để nhấc điện thoại gọi về gia đình. Những phản ứng thực ra rất tự nhiên và đơn giản, nhưng có thể cứu được tính mạng của ba người.
Chúng ta đã không bắt sóng được tín hiệu cấp cứu của bạn bè mình, của những người thân yêu với mình!
Nick Hoadaizz trao đổi trong một topic về bệnh trầm cảm trên diễn đàn webtretho: “Gia đình tớ có kinh tế, tớ cũng xinh xắn. Người ngoài nhìn vào còn bảo sướng quá. Nhưng tớ luôn thấy chán nản. Thức giấc thì luôn thấy bất an và cảm giác tội lỗi, cảm giác mình lúc nào cũng làm sai, sự kém cỏi của mình làm người thân thất vọng. Tớ sợ phải ra khỏi chăn, sợ phải đi học. Tớ nghĩ tới việc uống thuốc tự tử, hoặc nghĩ mình sẽ gieo mình xuống sông Hồng hay ra đường cố ý để ô tô đâm. Tớ đã từng google search các chùa ở Việt Nam, rồi bắt xe đến tận chùa ở Bắc Ninh định đi tu…”.
Hoadaizz đã may mắn vượt qua. Giờ đây bạn ấy còn mạnh mẽ hơn người bình thường, vì bạn ấy đã trải nghiệm cảm giác đó, đã gọi tên được căn bệnh, do đó, nếu gặp phải, bạn ấy biết đó là cái gì. Còn Lê, H… và nhiều bạn khác, trong đó có chúng ta, không may mắn như vậy.
Hãy công bằng với sức khỏe tinh thần
Tớ nhớ rất rõ những lần tớ bị ốm sốt, mẹ nghỉ làm, túc trực bên tớ gần như 24/24, nâng niu chăm sóc. Mẹ nấu những món tớ thích ăn, dễ tiêu, bổ dưỡng. Mẹ nhắc mọi người đi nhẹ, nói khẽ. Mẹ gọi bác sỹ, mẹ đưa tới bệnh viện. Vậy mà khi tớ suy sụp vì điểm kém, vì chia tay gà bông, vì những bất công trong nhà, trên trường…thì mẹ lại cáu bẳn, và mọi người cười cợt.
Bạn tớ trước khi tự tử vài tuần cũng đã bị rối lọan tiêu hóa. Lập tức gia đình mua cho bạn ấy nào viên bù nước orerol, men tiêu hóa, thuốc chữa đau bụng… Trong khi não bạn ấy đang bệnh nặng hơn, trái tim bạn ấy đầy thương tổn, thì không ai để ý thấy. Chỉ sau cái chết của bạn, tớ mới hiểu rằng bạn ấy đã từng cùng cực đớn đau trước mắt tớ mà tớ không biết. Bệnh rối loạn tiêu hóa chỉ làm bạn ấy hơi mệt, nhưng bệnh trầm cảm đã làm bạn ấy tử vong!
Đã tới lúc chúng ta phải nhìn nhận rằng tinh thần, cảm xúc cuả mình cũng có lúc khỏe mạnh, và có lúc ốm đau. Tinh thần khỏe mạnh là khi bạn cảm thấy tự tin, có thể đối mặt với áp lực, luôn giữ được các mối quan hệ một cách thoải mái... Còn khi tinh thần ốm đau, bạn có quyền được tới bác sỹ, kê đơn thuốc, có một liệu trình điều trị thích hợp.
Theo bác sĩ Lê Đình Phương bệnh viện Pháp Việt, trầm cảm phổ biến hơn chúng ta tưởng, chiếm 10%-15% dân số. Ai trong chúng ta cũng có thể một lần mắc bệnh trong cuộc đời này. Quan trọng là nếu chúng ta yêu thương, quan tâm và hiểu biết, để cùng người bị trầm cảm điều trị đúng phương pháp, thì khả năng khỏi là 80%.
Vâng, 80% các bạn ấy đã không chết, nếu chúng ta đủ hiểu biết!
Thu Hà