Hậu vụ VN Pharma: Cần giám định lại chất lượng lô thuốc

TP - Liên quan đến việc “lãnh đạo Công ty VN Pharma buôn thuốc giả, nhưng lại xử tội buôn lậu”, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma, có ý kiến cho rằng hành vi các bị cáo đủ cấu thành tội buôn bán hàng giả, luật sư nhìn nhận như thế nào?

Để nhận định về tội danh trong một vụ án cần nghiên cứu hồ sơ thì mới có thể đưa ra ý kiến cụ thể. Thông qua thông tin báo chí, cho thấy các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Công ty VN Pharma đã làm giả hồ sơ để nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về Việt Nam.

Để xác định tội danh có phải là tội sản xuất buôn bán hàng giả thuốc chữa bệnh hay không, phải xác định được thuốc H-Capita có phải là hàng giả hay không?

Luật Dược đã có quy định thuốc giả là thuốc được sản xuất không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ…; được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Cũng theo quy định tại điểm c khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về hàng giả, bao gồm: “Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;...”.

Theo các kết quả kiểm nghiệm thuốc này từ Bộ Y tế cho thấy lô thuốc nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Mặt khác, toàn bộ giấy tờ như: FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp hoặc ngay cả tem hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… đều là giả.

Đối chiếu với quy định trên theo tôi, thuốc H-Capita được xem là thuốc giả. Dư luận đặt vấn đề về tội danh buôn bán thuốc giả là có lý.

Vậy theo luật sư cần phải làm rõ lại tội danh này như thế nào?

Theo tôi cơ quan tiến hành tố tụng nên giám định chất lượng lô thuốc nêu trên để xác định có phải là hàng giả hay không? Nếu là hàng giả cần phải truy cứu trách nhiệm đúng với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.  

Tôi cũng xin nói thêm rằng, theo quy định pháp luật thì tội buôn bán hàng giả, thuốc giả có khung hình phạt nặng hơn tội buôn lậu. Khung hình phạt nặng nhất của tội buôn lậu là “phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân” còn buôn bán hàng giả, thuốc giả là “tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Xin cám ơn luật sư.

Khung hình phạt nặng nhất của tội buôn lậu là “phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân” còn buôn bán hàng giả, thuốc giả là “tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

MỚI - NÓNG