CHẲNG CÓ AI TẺ NHẠT Ở TRÊN ĐỜI
Năm kia, có cặp vợ chồng nhà báo Ðan Mạch sau khi xem bức ảnh Hai người lính đã hỏi nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành: “Giả sử hai người lính đó đều chết vào tháng Tư năm 1975 thì ông nghĩ sao”? “Nếu vậy tôi rất tiếc. Vì họ từng được hưởng giây phút hòa bình, khoác vai nhau. Trong lòng tôi và cả họ lúc ấy đều không nghĩ có thể chết vì bom đạn nữa”.
Thế rồi không ai chết cả!Trong lần đầu hai người lính gặp nhau qua điện thoại- hơi đường đột- bộ đội Tạo quan tâm hỏi han anh lính Sài Gòn Nghĩa kiểu hơi “thẩm tra” một tí- ông chưa gặp Bùi Trọng Nghĩa ngoài đời để tiện đối chiếu. Lại từng nghe chiến hữu của Nghĩa nói ông đã chết kia mà! Cẩn thận cũng phải thôi. Như tôi, dù nhặt được ảnh chụp thẻ căn cước của ông Nghĩa trên mạng, vẫn muốn ông cho xem căn cước thật. Kỷ vật chiến tranh thì ông bảo “ngoài biển hết rồi”, tức là trôi dạt ở biển miền Trung trên con đường chiến trận. Dù thế nào, quan trọng ông đúng là người còn lại trong bức ảnh nổi lên mấy năm gần đây bởi thông điệp hòa giải và sự nhân văn.
Hòa giải có dễ không? Hay chỉ là một thông điệp nghe ra rất đẹp?
Trong một số báo Tiền Phong dịp 30/4, nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng nói về “hòa giải” trong bài tôi phỏng vấn ông: “Hòa giải chính trị là hòa giải cao nhất”. (Và cũng khó nhất?). Ông Tùng nói thêm: “Tinh thần cốt lõi của hòa giải là tôn trọng sự thật và tha thứ. Tha thứ cho người khác và cho chính mình”.Thơ hòa giải của Nguyễn Đức Tùng giản dị thôi và hơi hài: Vợ chồng cãi nhau/Rồi lại làm hòa/Bạn bè ghét nhau/Rồi lại làm hòa/Các nước đánh nhau/Rồi lại làm hòa/Chỉ riêng chúng ta/Là làm ngược lại.
Hôm rồi ở nhà ông Nghĩa, hỏi: “Ông có buồn, giận, nghĩ quá nhiều chuyện quá khứ?” Ông đáp: “Nếu buồn thì tôi đi mất tiêu rồi chứ đâu sống ở đây” (ý nói vượt biên). Nhiều người vừa lãnh được chút lương đã tử trận chứ đâu được như mình. Còn giận? Giận gì nổi? Mình là con tốt thí thôi. Hồi ấy tôi ra trại cải tạo ở Hạ Lào là về nhà, làm người tự do. Trình diện xong thì nhập hộ khẩu. Cũng đi làm nhà nước nhưng đói quá không chịu nổi nên năm 1982 ra ngoài làm. Người giúp vào làm nhà nước là một anh hùng quân đội phía giải phóng, đặc công Sài Gòn- Gia Định, quen ông cậu tôi nên giúp. Giờ chuyện gì cũng qua hết trơn, mấy chục năm rồi. Chính quyền cũng không làm khó dễ gì. Tôi chỉ muốn sống yên ổn”.
Có thể ông nói vậy mà không phải vậy, nhất định còn nhiều u uẩn? Nhưng ở ông có nét chất phác. Nhác thấy chiếc áo xanh ông đang mặc hơi bục chỉ ở vai nên lúc chụp ảnh tôi nói khéo, ông có nên thay áo khác lên màu đẹp hơn không. Ông nói kệ đi, mình có sao mặc vậy. Cả nhà sống khép kín, bà vợ một phần đau yếu nên cả năm không ra khỏi ngõ. Con trai hồi nhỏ tuổi là đoàn viên, cũng làm dân phòng ở phường mấy năm rồi đi làm chăm chỉ nuôi ba mẹ, không chơi bời gì. Căn nhà của họ ngoài nhỏ xíu thì còn sụt lún, trời mưa là ngập. Định sửa lâu rồi mà không có tiền. Tôi tin lời vợ chồng ông nói: Từ khi bức Hai người lính được biết đến, người tìm đến ông đủ phe nọ phe kia, cả nước ngoài về, cả dân anh chị. Nhiều người đề nghị giúp đỡ. Bà vợ nói: Sợ làm phiền người khác lắm, với lại thời buổi phức tạp, biết ai tốt ai xấu. Còn ông nói: Xưa giờ mình có cần ai giúp đâu mà vẫn sống được dù khó.
Người Việt lạ lắm, “đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm”. Hiềm khích, dò xét rất ghê, thù lâu nhớ dai nhưng lại hay tương trợ, san sẻ. Thấy người họ cho là đặc biệt hay nổi tiếng, bất đồ nổi tiếng mà lại gặp khó là nghĩ chuyện bù đắp. Mà không kể “phe” nào. Hảo tâm của mọi người- nhất là người được coi là ở “phe kia” với những phận đời như ông Nghĩa chính là bằng chứng cho thấy có những ranh giới và sự chia cách đã bị vượt qua. Cho nên tôi nói với vợ chồng ông, không nên quá khái tính, chẳng hạn nếu có người giúp Bùi Trọng Nhân một công việc hợp sở trường thì thuận cho cả đường vợ con của cậu ấy. Vì bà Xuân bảo: Nó tối ngày làm việc nuôi ba mẹ nên chẳng lo yêu đương, vợ con gì cả.
Bắt đầu có manh mối về nhân vật còn lại trong bức ảnh Hai người lính, tôi đã tin sớm được tận thấy câu chuyện này kết thúc có hậu. Có người hỏi: Nhỡ ông ấy là người không đơn giản, quậy phá thì sao? Từng là lính chiến gộc nhé, mà dân thủy quân lục chiến đâu vừa. Thơ Evtusenko: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử (khảo dị: Mỗi số phận chứa một điều cao cả). Nên là: cứ tìm rồi tính.
Đường phố Sài Gòn nắng chang chang, tìm mãi mới ra hiệu ảnh để rửa tấm Hai người lính vừa để tặng người lính Sài Gòn vừa làm “đạo cụ” tác nghiệp. 4 giờ chiều chưa tìm được nhà mà 7 giờ đã ra về một cách nhẹ nhõm. Chủ nhà lúc đầu chỉ hé cửa, đến khi tiễn khách thì cả vợ và chồng đều thân mật “Đi khỏe nhé”. Lúc đầu nói tôi quên hết rồi có gì kể đâu, chuyện cũ cho qua đi. Quả là ông đã quên khá nhiều nhưng bằng vào cách bà vợ luôn đế vào, bổ sung các tình tiết thì biết họ đã cùng lục lọi, chia sẻ ký ức của mình hơn một lần từ khi bức Hai người lính được biết đến. Nhưng quá e ngại lên tiếng. Vì nhiều lý do.
Cũng mới tuần trước, ông Nghĩa còn từ chối thịnh tình của Chu Chí Thành, phóng viên ảnh nổi tiếng, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Thế rồi chiều 5/5 tôi nghe ông nói chuyện điện thoại với ông Thành: “Hôm trước anh nói chừng nào anh vô sẽ mời tôi cà phê, tôi nói tôi suy nghĩ rồi mới trả lời. Sẵn dịp có đồng nghiệp của anh đây, tôi mời anh chừng nào vô thì anh em mình đi cà phê”. Điều không thể đã hóa thành có thể là thế.
“HÒA GIẢI NÊN BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH NGƯỜI CẦM SÚNG”
Vừa qua, có lẽ không chỉ vì tò mò mà nhiều người tỏ ra quan tâm số phận hai người lính, mong thấy một cuộc hạnh ngộ, chụp chung tấm ảnh sau bốn mấy năm. Tin hai người khỏe mạnh còn sống dù ở phe nào đều là tin tốt, tuyệt cả, đối với họ.
Một nhà khoa học và lý luận, TS Vũ Minh Giang từng nêu quan điểm: “Hóa giải và tiến tới hòa giải, hòa hợp nên bắt đầu từ chính những người từng cầm súng”.
Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ, phát biểu sau câu chuyện tìm được hai người lính: “Chúng ta đã hy sinh xương máu hàng triệu người để xóa đi sự chia cắt về địa lý nhưng sau đó lại để cuộc chiến khác chia cắt lòng người. Để chấm dứt cuộc chiến giữa hai đội quân, người ta cần súng đạn. Để kết thúc cuộc chiến của thù hận lại cần yêu thương và vị tha”.
Hòa giải toàn cục, theo Lê Minh Khuê “khó đấy nếu bên này không nhìn ra cái mất, cái khổ của bên kia mà chỉ thấy sự thiệt thòi, “mất tất cả” của mình. Nếu khó đến thế có lẽ ta nên làm hòa từng nhóm, bộ phận chắc dễ hơn...”.
Trong Nhiệt đới gió mùa tiểu thuyết viết về chiến tranh, hòa bình, Bắc Nam đôi ngả, Lê Minh Khuê viết: “Thù hận làm đời ta ngắn lại”. Nhưng chị cũng hiểu triệt tiêu hận thù đâu dễ. Cho nên theo chị, quá cần những tác phẩm, văn hóa phẩm như Hai người lính và câu chuyện đằng sau nó.
Nói về sự khổ, được mất mà chị Khuê đề cập:
Hôm 5/5 tôi một ngày bay vào Sài Gòn rồi bay ra Hà Nội ngay, chỉ để thực hiện hai cuộc gặp: Ngoài cựu binh Bùi Trọng Nghĩa còn có nhà báo lão thành Vũ Ba, để biếu ông mấy tờ báo 30/4 có bài Phúc Tân kêu gọi trả thù và chuyện thời xa vắng. Phúc Tân kêu gọi trả thù là bức ảnh duy nhất đoạt Giải thưởng Nhà nước của Vũ Ba nhưng từng bị “xét lại” mười mấy năm. Ông tập kết năm 1954, năm 1981 trở vào Nam sau mấy chục năm làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân.
Trong căn nhà ở đường Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh, tôi hỏi thêm sau bài báo 30/4 đã in: “Ông lấy tên bức ảnh chụp năm 1966 là Phúc Tân kêu gọi trả thù, thật mạnh mẽ. Và cố tình có địa danh trong ảnh?”. Vũ Ba đáp: “Nhiều người biết Phúc Tân là khu lao động, xóm bãi ở Hà Nội. Thời điểm ấy Tổng thống Johnson tuyên bố Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc chỉ nhằm mục tiêu quân sự, mà tôi lại chụp được ảnh Mỹ bỏ bom Phúc Tân thì đã lột được mặt nạ Johnson”. “Giờ nghĩ lại điều gì đọng lại nhất trong ông về những năm tháng ở Hà Nội?” “Đọng lại trong tôi đó là người Hà Nội, người miền Bắc thật dũng cảm nhưng quá khổ”. Vâng, tận khổ cả vật chất cả tinh thần. Nỗi khổ đó giờ đã hết đâu. Lê Minh Khuê cũng nói: Cứ nghĩ những ngày vừa mưu sinh khốn khổ vừa bom rơi đạn nổ mà sợ mãi. Lại còn tinh thần. Không thể khổ hơn được nữa. Mà lại bị thù hận chỉ vì thắng cuộc thì quá buồn.
Nguyễn Huy Thiệp viết: “Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận”. Đúng là căm giận thật. Cho nên, bốn mấy năm là dài mà cũng là ngắn. Đâu dễ quên đi quá khứ. Chỉ vì khó mà không muốn quên?
Minh Hạnh- nhà thiết kế, gốc Huế sống ở Sài Gòn từ trước 1975 nói câu chuyện hai người lính kết thúc có hậu đọc cứ như tia nắng, nụ cười hòa thuận long lanh. Và phát biểu: “Để quên là rất khó, để nhớ là rất đau. Bình tâm với thực tại và dành năng lượng cho tương lai mới quan trọng”.