Harvard muốn thêm nhiều sinh viên Việt theo học

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng đại học Harvard thuyết trình về chủ đề Nội chiến Mỹ trước khoảng 1.000 sinh viên ĐH KHXH&NV TPHCM.
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng đại học Harvard thuyết trình về chủ đề Nội chiến Mỹ trước khoảng 1.000 sinh viên ĐH KHXH&NV TPHCM.
TP - Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng đại học Harvard đã chia sẻ như vậy trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM vào sáng qua 23/3.

Không phân biệt SV Mỹ với SV nước ngoài khi xét học bổng

Vị hiệu trưởng ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới cũng cho biết sinh viên Việt Nam hay các nước được nhận vào Harvard sẽ được xét cấp học bổng bình đẳng như nhau, hoàn toàn không phân biệt là sinh viên Mỹ hay sinh viên nước ngoài.

Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết bà rất vui mừng nếu tỷ lệ du học sinh Việt Nam ở Harvard tăng trong thời gian tới. “Tôi cũng rất mong rằng các em sẽ nghĩ đến Harvard khi có dự định du học, kể cả cấp đại học lẫn sau đại học. Các em được nhận học tại đại học Harvard sẽ được xét cấp học bổng bình đẳng. ĐH Harvard hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa sinh viên Mỹ và sinh viên nước ngoài”, Giáo sư Faust khẳng định. Cũng theo bà, hiện có 16 sinh viên mang quốc tịch Việt Nam theo học tại các trường thành viên thuộc ĐH Harvard.

Với những hoạt động đã diễn ra trước đây giữa Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, ĐH KHXH&NV, người đứng đầu đại học Harvard kỳ vọng sau này hai trường sẽ có rất nhiều hoạt động chung, trong đó chú trọng phát triển hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam. “Hai bên đã có những trao đổi về khả năng và cơ hội hợp tác trong tương lai, không chỉ giữa những học giả của ĐH Harvard đang nghiên cứu về VN mà cả những học giả, nhà khoa học đang nghiên cứu về những chủ đề, lĩnh vực liên quan đến VN”, bà hiệu trưởng ĐH Harvard nói.

“Tìm hiểu đất nước các bạn để hiểu đất nước của tôi”

Trước khi gặp gỡ báo chí bên lề chuyến làm việc, cũng trong sáng 23/3, Giáo sư Drew Gilpin Faust đã có buổi thuyết trình về cuộc nội chiến ở Mỹ với chủ đề “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử” trước gần 1.000 sinh viên, giảng viên trường ĐH KHXH&NV.

Mở đầu bài nói chuyện, GS. Faust cho biết trước khi trở thành Hiệu trưởng Đại học Harvard, bà là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Đây cũng chính là lý do khiến bà có mặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam - để nói chuyện trước sinh viên nhà trường và trao đổi với lãnh đạo ĐHQG TPHCM về mục tiêu hợp tác giữa hai đại học trong thời gian tới. “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. “Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước” theo cách nói của các bạn – và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi – đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970. Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua. Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi”, nữ hiệu trưởng ĐH Havard thẳng thắn nhìn nhận.

GS. Faust chia sẻ, bà đến Việt Nam cũng vì muốn hiểu rõ hơn, sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam chứ không chỉ biết đến nơi đây là một đất nước qua các cuộc chiến tranh. Bà nói rất vui mừng vì chuyến thăm này và chắc chắn sẽ tìm hiểu thêm nhiều mặt khác nữa chứ không riêng gì giáo dục. “Tôi mong muốn hiểu thêm về tính năng động của xã hội VN hiện nay, sự phát triển ngoạn mục của VN trong thời gian gần đây. Và tôi chắc chắn sau này tôi còn muốn tìm hiểu về tất cả mọi mặt của đất nước Việt Nam”, bà Drew Gilpin Faust nói và cho biết nhiều người Mỹ khác cũng rất quan tâm và muốn đến thăm, tìm hiểu Việt Nam như bà. Chính mối quan tâm đó, cả nước Mỹ chắc chắn sẽ là thị trường cho những sản phẩm văn hóa của VN”, GS. Faust cho biết.

“Dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi”.
Giáo sư Drew Gilpin Faust là Hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard. Bà là Giáo sư sử học danh hiệu Lincoln của Trường Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Harvard.  Bà nhận bằng đại học danh dự về sử học từ trường Bryn Mawr vào năm 1968, bằng thạc sĩ vào năm 1971 và bằng tiến sĩ vào năm 1975 tại Đại học Pennsylvania với đề tài nghiên cứu về nền văn minh Hoa Kỳ. Bà là tác giả của nhiều đầu sách có giá trị học thuật và sở hữu các giải thưởng uy tín. Giáo sư Faust là chủ tịch Hội sử học miền Nam, phó chủ tịch Hội sử học Hoa Kỳ, ủy viên Ban điều hành Tổ chức các nhà sử học Hoa Kỳ và Hội các nhà sử học Hoa Kỳ.
MỚI - NÓNG
4 MC dẫn điểm cầu chung kết Olympia, Phú Yên thay đổi phút chót
4 MC dẫn điểm cầu chung kết Olympia, Phú Yên thay đổi phút chót
TPO - Cầm trịch bốn điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 đều là những MC quen thuộc của VTV. Các điểm cầu được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố là quê hương của những “nhà leo núi”, tuy nhiên BTC đã thay đổi địa điểm sân khấu ở Phú Yên phút chót vì thời tiết xấu.