Háo hức chờ ngày đua ghe

Đội nam chùa Kom Pong Tróp tập đua ghe trên sông Maspero. Ảnh: Kim Hà.
Đội nam chùa Kom Pong Tróp tập đua ghe trên sông Maspero. Ảnh: Kim Hà.
TP - Mặc dù còn cả tuần nữa mới tới ngày đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer dịp lễ Ok om Bok (13/10), tuy nhiên, trên các con sông ở Sóc Trăng, không khí tập luyện rất sôi nổi.

Hôm nay, hai đội ghe của chùa Kom Pong Tróp ở ấp Bưng Tróp A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành đưa ghe ra sông Maspero (sông Nguyệt) bơi thử nghiệm. Sau suốt gần một tháng tập luyện trên giàn bơi cố định, các tay bơi của cả hai đội đều háo hức chờ đợi ngày được bơi thật trên sông. Trước khi ghe ngo hạ thủy, sư sãi trong chùa phải làm lễ cúng ghe. Lễ vật gồm có: cặp vịt, đầu heo, chuối, cơm, rượu… với quan niệm ghe xuống nước thường có quỷ quái đi theo nên phải cúng bái kĩ lưỡng để xin đường bơi được suôn sẻ. Và mỗi lần bơi, người ngồi đầu ghe phải rót rượu, thắp nhang khấn vái mới được xuất phát.

Trong tư thế quỳ gối, người hơi ngả về trước, các tay bơi đồng loạt xắn dầm sâu xuống nước đều tăm tắp hòa theo một nhịp với tiếng còi và động tác phất tay của huấn luyện viên, cứ thế ghe lướt rất nhẹ và tốc độ đi rất nhanh ngang ngửa với tốc độ của xe gắn máy.

Hầu hết các vận động viên là nông dân ở miền sông nước nên bơi xuồng, ghe rất giỏi. Nhưng không phải vì vậy mà có thể tùy tiện tuyển chọn vận động viên. Ông Dương Chiên, 45 tuổi, huấn luyện viên đội nam chùa Kom Pong Tróp cho hay, ai mê đua ghe là nhà chùa đều cho tham gia, ai cũng được tập, rồi sau đó mới chọn ra một đội 48 vận động viên có chiều cao từ 1m60, cân nặng từ 50kg trở lên. Họ phải khám sức khỏe để đảm bảo trong quá trình thi không xảy ra chấn thương. Những người chưa đạt vẫn tiếp tục luyện tập để những năm sau được tham gia.

Ngoài những tay bơi nam, môn thể thao truyền thống này cũng thu hút nữ giới. Nhiều chị em trong độ tuổi 20 - 40 tuổi cũng tranh thủ sắp xếp công việc gia đình, đồng áng để cứ 3 giờ chiều mỗi ngày bất kể nắng mưa tới chùa tập ghe ngo. Chị Nguyễn Thị Huyền, 40 tuổi, huấn luyện viên đội nữ chùa Kom Pong Tróp nói: “Chị em tụi tôi hầu hết làm ruộng, một số làm công nhân, sức khỏe khá tốt. Ban đầu tập cũng gặp nhiều khó khăn do chị em không quen với tiếng còi, tốc độ bơi của dầm nên không được đồng đều, nhưng bơi riết rồi quen, với lại tụi tôi đoàn kết nhau lắm, không được chỗ nào thì góp ý để chị em sửa. Vì vậy giờ ai cũng bơi giỏi hết”.

Năm nay, tỉnh Sóc Trăng có gần 50 đội ghe tham gia tranh tài, trong đó có 6 đội nữ. Đối với đội nam, đường đua là 1.200m, còn nữ đua 800m. Ông Dương Chiên cho biết thời gian ghe ngo di chuyển trên đoạn đường 1.200m thường chỉ hơn 3 phút, nhanh không thua xe máy chạy trên phố.

Ngoài đua ghe ngo, lần này ban tổ chức lễ hội còn phát động cuộc thi trang trí ghe Cà Hâu truyền thống giữa các chùa. Đại đức Sơn Thươl - sãi cả chùa Kom Pong Tróp nói: “Hiện tại ghe cổ của chùa đã cũ, không thể sử dụng được nên tôi cho đóng ghe mới. Nhà nước có hỗ trợ chùa 10 triệu đồng để làm ghe Cà Hâu, phần còn lại chùa tự trang trải, tính tới nay thì chi phí làm ghe hơn 50 triệu đồng. Tất cả việc trang trí đều bằng thủ công theo kiểu truyền thống, từ việc đóng ghe cho tới vẽ hoa văn”.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.