Hành trình tìm lại chính mình - Bài cuối: Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài

TP - Những người LGBT mong rằng, Nhà nước công nhận giới tính thật của họ, cho phép họ thay đổi giới tính trên giấy tờ... Đây là những quyền lợi mà cộng đồng người chuyển giới khát khao được xã hội nhìn nhận, pháp luật cho phép.

Gập ghềnh

Ca sĩ Lâm Chi Khanh (tên thật Lâm Chí Khanh), người từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực sau ca phẫu thuật giới tính ở Thái Lan cho rằng, dù đã phẫu thuật chuyển giới nhưng giấy tờ tùy thân của cô vẫn mang giới tính nam. Điều này khiến bản thân cô gặp nhiều trở ngại trong các thủ tục hành chính. “Nếu luật cho phép chuyển giới tính điều đầu tiên tôi làm là đổi hoàn toàn giấy tờ cho đúng giới tính mà mình mong ước. Việc này giúp tôi được sống thoải mái hơn, nhất là khi tiến đến hôn nhân”, Lâm Chi Khanh nói.

Hành trình tìm lại chính mình - Bài cuối: Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài ảnh 1

Ca sỹ Lâm Chi Khanh “lột xác” thành mỹ nhân sau ca phẫu thuật chuyển giới.

Tại một hội thảo xoay quanh cuộc sống của người LGBT ở TPHCM vừa qua, rất nhiều người trong cộng đồng này mạnh dạn chia sẻ về những nỗi trăn trở mà họ phải gánh chịu. Anh Bùi Công Hoàng (30 tuổi, quê Tiền Giang, hiện đã chuyển giới sang nữ) chia sẻ: “Những rào cản người đồng giới thường hay bắt gặp là từ phía gia đình, xã hội và pháp luật. Năm tôi học cấp 2, gia đình phát hiện giới tính thật của tôi và từ đó bố đẻ tôi cứ rượu vào là trút đòn roi lên đầu đứa con vô tội. Và ông ấy chỉ dừng lại việc “trừng phạt” là mỗi khi tôi được mẹ, hàng xóm…đưa vào bệnh viện để cấp cứu”.

Vượt qua đủ thứ nghịch cảnh và sự miệt thị của người đời lẫn người thân, rồi em cũng tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Ra trường, cố ém thân phận, em đi làm cho nhiều doanh nghiệp nhưng đi đâu cũng bị người ta nhìn mình như quái thai. Chịu đời không xiết, không đủ bản lĩnh chống chọi, em bung ra ngoài, rồi em lầy luôn… 

Tóc Tiên

Cũng theo Hoàng, những người chuyển giới hiện gặp quá nhiều trở ngại, nhiêu khê. Khó khăn khi đi thay đổi các giấy tờ tùy thân, họ luôn vấp phải quá nhiều thủ tục và sự kỳ thị không ít từ những cán bộ hộ tịch làm giấy tờ cho mình: “Suy cho cùng, những cán bộ hộ tịch cũng có cái khó của họ. Mình ban đầu là đàn ông, lột xác thì thành phụ nữ, giờ chuyển thủ tục hành chính từ đàn ông sang phụ nữ, họ đâu có chịu. Nên phẫu thuật chuyển giới rồi, đó chỉ là bước đầu để hành trình làm kiếp người đúng nghĩa thôi. Muốn làm nữ đúng nghĩa, ngoài thể xác, còn phải có giấy tờ tùy thân. Nhưng để có giấy tờ tùy thân, mình phải thay đổi họ tên, chứng minh thư, hộ khẩu, tài khoản… chất chồng…lắm!”.

Với Nguyễn Thái Hải (26 tuổi, nghệ danh Tóc Tiên) là nạn nhân điển hình của sự kỳ thị đến cùng cực: “Em ý thức thân phận của mình từ nhỏ. Em không muốn mình như nhiều người đồng tính khác là phải bán mình cho những cuộc vui thân xác hay hát đám ma…nên quyết tâm theo đuổi việc học.

 Vượt qua đủ thứ nghịch cảnh và sự miệt thị của người đời lẫn người thân, rồi em cũng tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Ra trường, cố ém thân phận, em đi làm cho nhiều doanh nghiệp nhưng đi đâu cũng bị người ta nhìn mình như quái thai. 

Chịu đời không xiết, không đủ bản lĩnh chống chọi, em bung ra ngoài, rồi em lầy luôn… Từ đó em cũng hát đám ma, cũng chịu cho người ta lột đồ, cũng đi khách… để mong có đủ tiền chuyển đổi giới tính thật, để mình được là chính mình, để người ta không còn xem mình là quái vật nữa”, Tóc Tiên ngậm ngùi.

Hành trình tìm lại chính mình - Bài cuối: Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài ảnh 2

Hoa hậu Hy Sa B đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss International Queen 2016 tại Thái Lan.

Công nhận - lúc nào?

Vừa qua, hội thảo mang tên “Định hướng xây dựng luật chuyển đổi giới tính” được tổ chức tại Huế do Vụ Pháp chế của Bộ Y tế phối hợp với Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường, Trung tâm ICS - Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Tại đây, hoa hậu chuyển giới đầu tiên của Việt Nam Hy Sa B. cho rằng, những quy định trong việc sử dụng hoóc - môn giới tính hiện nay chưa rõ ràng. Ở Việt Nam người chuyển giới đang phải tự mua và tự sử dụng chứ không một đơn vị nào đứng ra giám sát, hướng dẫn. Hoóc - môn mua trôi nổi trên mạng, có xuất xứ từ Thái Lan. Do nguồn cung không ổn định và chất lượng không được giám sát nên thường bị các tay bán hàng nâng giá trên trời và hậu quả khó lường.

Nhận xét về những hệ lụy sau khi phẫu thuật đến cuộc sống thường ngày của những người đã chuyển giới, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) cho biết: “Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. 

Những người này cơ thể sinh học là nam hoặc nữ, nhưng trong suy nghĩ và hành động thì ngược lại. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hoóc - môn hằng ngày, người chuyển giới đã tự tước đi 20 năm tuổi thọ của mình. Ngoài ra, có rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến người chuyển giới nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình. Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến họ không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình”.

Hành trình tìm lại chính mình - Bài cuối: Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài ảnh 3

LGBT ở Việt Nam rất khó khăn trong việc mua thuốc, hoóc - môn liên quan việc chuyển giới.

Bà Lương Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) nhận định: Những định kiến về người chuyển giới đang đẩy họ trở nên bất lực khi đi tìm việc làm. Thậm chí, có người xin được công việc tạm thời như phục vụ quán ăn, doanh nghiệp tư nhân… nhưng sau một thời gian ngắn phải nghỉ việc vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc. 

“Tại Việt Nam, những người chuyển giới đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang chống lại chính họ. Lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”. 

Bà Lương Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường)

Người chuyển giới thường có nhu cầu làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, làm đẹp, biểu diễn... nhưng do từ gia đình chưa nhận thức đúng và đủ nên họ ít được gia đình đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp. Và sự kỳ thị trong nhà trường cũng khiến họ khó theo đến cùng việc học.

Chính việc thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình, không có bằng cấp chứng nhận nên cơ hội việc làm của họ càng trở nên mong manh hơn.

“Tại Việt Nam, những người chuyển giới đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang “chống” lại chính họ. “Lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”, bà Ngọc cho biết thêm.

Còn Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chuyên gia về gia đình và giới tính, nhận định: “Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là phải thay đổi nhận thức xã hội. Tức là xã hội cần phải thừa nhận rằng, họ có quyền tồn tại hiển nhiên như tất cả những người không chuyển giới và hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi người. 

Người chuyển giới không có lỗi, nhưng cách mà xã hội chúng ta đang đối xử với họ như nhiều người hiện nay vô hình trung đẩy họ ra rìa cuộc sống”. Cũng theo Tiến sỹ Hồng, xây dựng nền tảng pháp lý mới chỉ là viên gạch nền cho việc xây dựng rất nhiều giải pháp tiếp theo để thay đổi nhận thức của xã hội về người chuyển giới, đi đến nhận thức đúng và có thái độ đúng đắn trong ứng xử với người chuyển giới.

Được biết, hiện trên thế giới đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên hồ sơ pháp lý, kể cả một số nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản… Do đó, để đề cao quyền con người, đượm tính nhân văn, Việt Nam cũng hướng tới bảo đảm sự công bằng, hợp pháp cho cộng đồng LGBT.

MỚI - NÓNG