Hành trình tìm lại chính mình - Bài 3: Cái chết cận kề

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển giới nằm lại bệnh viện khoảng 3 ngày để phục hồi sức khỏe.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển giới nằm lại bệnh viện khoảng 3 ngày để phục hồi sức khỏe.
TP - Kể lại sự đau đớn về thể xác khi phải gồng mình đối mặt vô số ca phẫu thuật đau thấu xương, nhiều người chuyển đổi giới tính không khỏi rùng mình. Khóe mắt họ lúc nào cũng rươm rướm.

Lằn ranh sự sống và cái chết

Trong thời gian đợi Long Nữ đánh cược với số phận ở phòng mổ. Chúng tôi cùng hai người bạn của Yến (27 tuổi, quê Hải Phòng, vừa sang Bangkok để chuyển giới từ nam sang nữ) hàn huyên ở một quán cà phê gần bến tàu điện ngầm. Yến chia sẻ, câu chuyện chuyển giới thật ra không khác gì trò đùa với số phận, nó chính là lằn ranh giữa sự sống và cái chết của những người thuộc LGBT. Mặc dù ngày nay y học phát triển, con người làm chủ được “cuộc chơi”, nhưng không có gì là chuẩn, chính xác và trọn vẹn được 100% xác suất rủi ro chưa biết ập vào ai. Phi Yến nhớ lại, hơn 3 năm trước, khi vết thương phẫu thuật ngực lành lặn, sau đó “cô” chuyển sang phẫu thuật bộ phận kín ở một bệnh viện thuộc xứ chùa Vàng.

Sau ca phẫu thuật, “cô” còn “nửa mê nửa tỉnh”, bất chợt một số y tá, bác sỹ vội vã đẩy một bệnh nhân nằm trên băng ca được phủ vải trắng lên khắp người từ một phòng mổ khác đi ra. Phút chốc tiếng xe cấp cứu kêu inh ỏi trước sảnh bệnh viện… “Chứng kiến khoảnh khắc đó tôi không khỏi rùng mình. Mồ hôi vã như tắm, đôi tay lúc đó cố gắng đưa lên trên mặt sờ, lúc đó mới yên tâm ca phẫu thuật của mình bước đầu xem như thành công. Nghĩa là, giây phút đó mình tin mình không trở thành người thiên cổ như người bạn bất hạnh vừa rồi”, Yến chia sẻ. 

Còn theo Phi Phụng (21 tuổi, quê Đà Nẵng, đã phẫu thuật bộ phận kín, qua Thái Lan lần này để nâng ngực) cho rằng, nếu những ai đồng ý chuyển đổi giới tính thì phải chấp nhận sự rủi ro. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, có thể lúc mổ hay hậu phẫu từ bác sỹ gây ra, nhưng cũng có không ít sự cố xảy ra do chính bệnh nhân. “Lỗi những người sau chuyển đổi giới tính mắc phải nhiều nhất là trong thời gian nằm dưỡng thương. Thời gian này nếu không nghe lời bác sỹ mà cử động hay đi đứng không đúng cách là các vết khâu nứt toác, chảy máu, đứt chỉ… rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhẹ thì phải phẫu thuật lại, nặng thì có thể biến dạng, thậm chí là tử vong”, Phi Phụng cho biết thêm.

Cũng theo Phi Phụng, từ sau cái chết của H. (quê Ninh Thuận) thì 3 năm trở lại đây, hầu hết những người xuất ngoại qua Thái Lan để chuyển giới đều thuê dịch vụ để phiên dịch, chăm sóc trọn gói… Bởi trước đó H. cùng người bạn theo chăm sóc đến một bệnh viện để thực hiện ca chuyển giới từ nam sang nữ. Ca phẫu thuật bước đầu thành công, nhưng do không biết tiếng Thái, còn vốn tiếng Anh thì ở mức vỡ lòng nên khi về khách sạn dưỡng thương, cả hai hiểu sai lời dặn của bác sỹ về việc dùng thuốc không đúng liều, mặt khác do cử động và nong cây (làm giãn bộ phận sinh dục để sau này quan hệ) không đúng cách khiến vết thương mới khâu bị bục chỉ, máu tuôn xối xả… Khi đưa tới bệnh viện thì H. không qua khỏi bởi xuất huyết và mất máu quá nhiều.

Hành trình tìm lại chính mình - Bài 3: Cái chết cận kề ảnh 1

Long Nữ nằm trên giường bệnh.

Hợp đồng sinh - tử

Trở lại phòng chờ nơi Long Nữ đang phẫu thuật. Tại đây, chúng tôi cảm nhận trên gương mặt những người sắp bước vào phòng mổ đầy lo lắng. Mặc dù, họ không nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng họ rất sợ ca phẫu thuật không thành công, là coi như “thần chết gõ cửa”. Thoáng qua cánh cửa phòng phẫu thuật, chúng tôi không khó để nghe tiếng y tá, bác sỹ trấn an bệnh nhân. Tiếng la hoảng loạn của bệnh nhân cùng tiếng lách cách… của dao kéo khi va chạm vào da thịt. Âm thanh ám ảnh như chốn địa ngục.        

Ngồi cạnh chúng tôi, Diễm Hằng (23 tuổi, quê Nghệ An), một người bạn của Yến nói: “Mặc dù bản thân rất sợ khi đối mặt với “thần chết” trong ca phẫu thuật này, nhưng nếu có bất trắc nào xảy ra đi chăng nữa thì em cũng không bao giờ hối hận. Bởi khi đến đây em chấp nhận rủi ro nếu xảy ra, và em tự tay ký vào “hợp đồng sinh tử” cho số phận. Lúc làm thủ tục, em có yêu cầu bác sỹ rằng, nếu em có mệnh hệ nào trên bàn mổ đi chăng nữa, thì đội ngũ bác sỹ cũng phải hoàn thành xong ca phẫu thuật cho em… để khi về thế giới bên kia, bản thân em là một người phụ nữ trọn vẹn, không còn mang hình hài nào của đàn ông trên người nữa. Điều em ngại duy nhất là nếu ca phẫu thuật không thành công, mình vào cõi hư vô đã đành, nhưng người đời cười chê, mỉa mai… khiến gia đình phải gánh chịu”.         

Khoảng 3 đến 5 giờ nằm trong phòng phẫu thuật, Long Nữ được y tá đưa vào phòng hồi sức, ca mổ bước đầu thành công, những người đi cùng “thiếu nữ” này từ Việt Nam sang Bangkok bắt tay, ôm nhau cười, thậm chí có người khóc... vì trút được gánh nặng âu lo.

“Hết thuốc tê rồi, cắn răng chịu đựng đi. Đau về thể xác xem nó nhẹ tựa lông hồng đi, nó đâu có đau bằng sự giày vò về tinh thần mà mấy chục năm qua em phải mang hình hài của đàn ông trên người” 

Út Diễm

Tối hôm đó, tại khách sạn, tự tay Hoa Hạ nấu cháo rồi mang đến tận phòng hồi sức để bón từng thìa cho Long Nữ. Người yếu ớt sau ca mổ, cơn đau âm ỉ khiến “cô gái” có tên gọi giống như “cô cô” của anh hùng Dương Quá trong truyện kiếm hiệp Kim Dung chỉ nuốt vài ba thìa cháo trắng loãng rồi lắc đầu. Long Nữ nằm trên giường bệnh rên rỉ liên hồi, bởi như cô thều thào, hết cơn đau này trôi qua thì cơn đau khác lại ập đến.

“Thuốc tê tan hết rồi hay sao mà họ đau khiếp vậy” - chúng tôi hỏi, Hoa Hạ trả lời: “Phần lớn các ca phẫu thuật ở Thái đều là tiền mê, không gây mê bệnh nhân hoàn toàn, khiến họ có cảm giác nửa mê nửa tỉnh. Bởi bác sỹ không muốn đưa thuốc mê vào cơ thể những người chuyển giới quá nhiều, có thể để lại di chứng sau này”. Còn theo Yến cho biết, trong lúc phẫu thuật, bác sỹ mổ xẻ, làm gì… bệnh nhân không đau. Tuy nhiên, những người chuyển giới vẫn cảm nhận được từng vết cắt, đường kim, sợi chỉ may vào da thịt. Mỗi người có một cảm giác khác nhau, họ suy nghĩ gì thì viễn cảnh đó sẽ hiện ra trong lúc mê lúc tỉnh. Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là khi tỉnh dậy thấy mình là… phụ nữ.  

Hành trình tìm lại chính mình - Bài 3: Cái chết cận kề ảnh 2

Mọi sinh hoạt của người phẫu thuật luôn có sự chăm sóc của những người cùng cảnh ngộ.

Máu và nước mắt

Những ngày lưu lại Bangkok cùng những người sang chuyển đổi giới tính, chúng tôi phát giác và nhận ra rằng, tùy theo sức khỏe, thể trạng của mỗi người, người yếu, không người thân chăm sóc thì nằm lại bệnh viện vài ba ngày để đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc đặc biệt. Còn những bệnh nhân có sức khỏe tốt thì được người thân, bạn bè đưa về khách sạn dưỡng thương từ 15 – 20 ngày rồi về nước.

Do thể trạng yếu, Long Nữ phải nằm lại bệnh viện để bác sỹ dễ bề theo dõi. 5 ngày sau “cô” được xuất viện. Từ khi về khách sạn nằm dưỡng thương, Long Nữ khóc rất nhiều bởi những cơn đau từ những vết cắt, khâu ngày đêm giày vò. “Hết thuốc tê rồi, cắn răng chịu đựng đi. Đau về thể xác xem nó nhẹ tựa lông hồng đi, nó đâu có đau bằng sự giày vò về tinh thần mà mấy chục năm qua em phải mang hình hài của đàn ông trên người. Giờ mỹ mãn rồi, nín đi bé út à. Đừng kêu ca nữa, bình tĩnh đi”, Út Diễm (26 tuổi, quê Trà Vinh, chuyển giới từ nam sang nữ được 13 ngày), đang nằm dưỡng thương ở giường bên cạnh động viên.  

Chứng kiến cảnh đau đớn thể xác từ những người em, người bạn và cùng thân phận với mình, Hoa Hạ thốt lên: “Thật sự mà nói, sự đau đớn và ám ảnh nhất sau ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính là ở chỗ bác sỹ không sử dụng thuốc gây mê hoàn toàn, do đó, bệnh nhân có cảm giác lửng lơ, họ cảm nhận được hết những gì bác sỹ “cắt vá” trên cơ thể. Những giây phút lửng lơ trên bàn mổ đó đã khiến không ít người ám ảnh, mỗi khi nhắc lại họ chỉ biết lắc đầu và rùng mình”.  

(Còn nữa)

Những người chuyển giới vẫn cảm nhận được từng vết cắt, đường kim, sợi chỉ may vào da thịt. Mỗi người có một cảm giác khác nhau, họ suy nghĩ gì thì viễn cảnh đó sẽ hiện ra trong lúc mê lúc tỉnh. Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là khi tỉnh dậy thấy mình là phụ nữ.  

MỚI - NÓNG