Hành trình sinh viên với biển, đảo Tổ quốc: Lan tỏa tình yêu, phát triển kinh tế

Trong ngày đầu trên đảo Phú Quý, đoàn Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa.
Trong ngày đầu trên đảo Phú Quý, đoàn Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa.
TP - Ngày 2/6, 500 sinh viên ưu tú cùng 200 đại biểu đến huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) bắt đầu Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2017. Ngày đầu của hành trình diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có triển lãm “Ý tưởng sinh viên phát triển kinh tế biển đảo”, thu hút nhiều ý tưởng độc, lạ.

Trăn trở và hành động

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ vượt sóng, 12 giờ ngày 2/6, tàu chở đoàn 500 sinh viên ưu tú cùng một số gương mặt trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2017 cập đảo Phú Quý (Bình Thuận). Không quản nắng như đổ lửa, đông đảo người dân trên đảo, cùng các tình nguyện viên đứng đợi sẵn trước cảng hò reo, vẫy chào đoàn khiến mọi mệt mỏi gần như tan biến. Mở đầu Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2017 là triển lãm “Ý tưởng sinh viên phát triển kinh tế biển đảo” tại bãi Triều Dương (Phú Quý). Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền về mục đích và chủ đề của chương trình: “Vững chủ quyền và khởi nghiệp từ biển” thu hút 15 ý tưởng. Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội SVVN, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Trưởng ban tổ chức Hành trình cho biết, có nhiều mô hình tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng ngay vào đời sống của nhân dân trên các đảo, vùng biển, như: Hệ thống tạo nước ngọt từ nước biển sử dụng hệ năng lượng mặt trời (ĐH Bách khoa TPHCM); Tháp rau hữu cơ (ĐH Nông lâm TPHCM); Thiết kế và chế tạo bóng đèn tuýp LED tích điện (ĐH Bách khoa Hà Nội)…

Đây là năm thứ 2, Trần Trung Kiên (SN 1995), Chủ tịch Hội SVVN ĐH Kiến trúc Hà Nội tham gia Hành trình. Năm ngoái, khi tham gia Hành trình tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Kiên nung nấu quyết tâm phải làm một mô hình, sản phẩm nào đó có ý nghĩa về biển đảo. Nhận thấy nhà giàn có vị trí quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế biển và quản lý, giữ vững chủ quyền trên biển, sau rất nhiều trăn trở, Kiên cho ra đời ý tưởng liên quan đến nhà giàn. Vượt qua hàng ngàn cây số từ Hà Nội ra đảo Phú Quý, Kiên giới thiệu mô hình “Hoa của biển – Thiết kế nhà giàn đa chức năng DK1” với đông đảo người dân và các bạn. “Đây là mô hình nhà giàn được thiết kế giống như một bông hoa sen, vừa đảm bảo tính kỹ thuật, tiện ích vừa có yếu tố thẩm mỹ. Nhà giàn tự động cụp vào khi gặp thời tiết xấu hay khi có tình huống nguy hiểm; khi thời tiết đẹp, nhà giàn mở ra giống như một bông hoa sen đang nở”, Kiên hào hứng nói.

Hành trình sinh viên với biển, đảo Tổ quốc: Lan tỏa tình yêu, phát triển kinh tế ảnh 1 Triển lãm “Ý tưởng sinh viên phát triển kinh tế biển đảo” có nhiều mô hình tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng ngay vào đời sống của nhân dân trên các đảo, vùng biển.

Tham gia triển lãm, sinh viên Trần Thị Xuân An, khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TPHCM giới thiệu mô hình Tháp rau hữu cơ thông minh. An chia sẻ, mô hình này rất phù hợp với người dân trên đảo trong điều kiện thiếu nước ngọt và thiếu đất trồng. Tháp rau được thiết kế với 56 hốc rau/trụ, trung bình mỗi trụ được 5-10 kg/lần. Dung dịch dinh dưỡng của tháp rau được pha chế từ dịch trùng quế và rong biển, hoàn toàn không có hóa chất độc hại. “Điều tuyệt vời nhất là không cần lo ngại về sự thất thường của thời tiết. Dung dịch dinh dưỡng được bơm hoàn toàn tự động từ dưới thùng lên đỉnh. Vòi phun sương đặt trên đỉnh của trụ sẽ cung cấp dinh dưỡng cho rễ cây và rớt lại về thùng qua bộ lọc cặn, tiết kiệm được 98% lượng nước tưới”, Xuân An giới thiệu về tính ưu việt của mô hình. Ngoài ra, Xuân An và nhóm bạn Plusfarm còn mang đến triển lãm mô hình Nhà nấm thông minh, cung cấp các sản phẩm nấm sạch.

Lan tỏa tình yêu biển đảo

Trong ngày đầu trên đảo Phú Quý, đoàn Hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân và giúp ngư dân treo cờ trên thuyền đánh cá; thăm gia đình em Ngô Quang Duy, đội viên dũng cảm cứu người bị đuối nước; khởi công công trình thanh niên xây dựng khuôn viên tại cột cờ Tổ quốc, đảo Phú Quý. Cột cờ được T.Ư Hội SVVN xây dựng và khánh thành từ năm 2016, trị giá 350 triệu đồng với sự đóng góp của sinh viên và các tổ chức, doanh nghiệp. Phát biểu tại lễ khởi công công trình thanh niên xây dựng khuôn viên tại cột cờ Tổ quốc, đồng chí Lê Hồng Lợi, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Quý cho biết, Cột cờ Tổ quốc có ý nghĩa rất quan trọng với người dân huyện đảo Phú Quý, đã góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, tiếp thêm cho người dân huyện đảo tình yêu và quyết tâm xây dựng đảo ngày càng phát triển giàu mạnh.

Hành trình sinh viên với biển, đảo Tổ quốc: Lan tỏa tình yêu, phát triển kinh tế ảnh 2 Lễ khởi công công trình thanh niên xây dựng khuôn viên tại cột cờ Tổ quốc, đảo Phú Quý.

Sinh ra và lớn lên tại đảo Phú Quý, Mai Thị Huyền Trâm, sinh viên Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, tình nguyện viên của chương trình chia sẻ, huyện đảo Phú Quý vẫn còn hoang sơ nhưng môi trường ở đây rất trong lành, sạch và nhiều cây xanh; hải sản ngon, giá rẻ. Khi làm tình nguyện viên của chương trình này, Trâm muốn giới thiệu cho đông đảo các bạn trẻ cũng như các đại biểu từ mọi miền đất nước những nét đẹp đặc trưng rất riêng của Phú Quý. “Hy vọng, qua những chương trình này, hình ảnh vùng đảo Phú Quý xinh đẹp, thân thiện sẽ được nhiều người biết đến”, Trâm nói.

Là một đại biểu tham dự hành trình, diễn viên Chi Pu chia sẻ, khi lên tàu, cô bị say sóng người cứ lao đao, đau đầu, tưởng không đủ sức để tham gia hành trình. Nhưng, đặt chân lên đảo, nhận được tình cảm nồng ấm, thân thiện của người dân khiến cô cảm thấy phấn chấn, hào hứng. “Không hẳn khi tham gia chương trình này, mình mới thể hiện tình yêu biển đảo của mình. Trong cuộc sống hàng ngày, mình cũng hay cập nhật thông tin về biển đảo, đi du lịch ở các vùng biển đảo của Tổ quốc, góp phần giới thiệu với nhiều người. Hy vọng các bạn trẻ cũng vậy. Yêu biển đảo, bảo vệ chủ quyền bắt đầu từ những việc nhỏ, thường trực hàng ngày và lan tỏa tình yêu đó cho những người xung quanh mình”, nữ diễn viên chia sẻ.

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội SVVN, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Trưởng ban tổ chức Hành trình cho biết, có nhiều mô hình tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng ngay vào đời sống của nhân dân trên các đảo, vùng biển, như: Hệ thống tạo nước ngọt từ nước biển sử dụng hệ năng lượng mặt trời (ĐH Bách khoa TPHCM); Tháp rau hữu cơ (ĐH Nông lâm TPHCM); Thiết kế và chế tạo bóng đèn tuýp LED tích điện (ĐH Bách khoa Hà Nội)…

MỚI - NÓNG