Hồi giữa tháng 12/2016, Mỹ bàn giao hai tiêm kích tàng hình F-35I đầu tiên trong hợp đồng 50 chiếc cho Israel. Đây được coi là một trong những biến thể F-35 hiện đại nhất thế giới, được chế tạo theo yêu cầu riêng của Israel, trang bị nhiều hệ thống và tính năng độc nhất vô nhị, không có mặt trong bất cứ phiên bản F-35 nào khác, theo National Interest.
Mỹ từng cung cấp nhiều loại máy bay chiến đấu cho Israel trong nửa thế kỷ qua, từ F-4E Phantom II vào cuối thập niên 1960 cho tới các phiên bản F-15C, F-15I, F-16 và F-16I có tính năng hiện đại hơn hiện nay. Ngoại trừ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, lực lượng máy bay của không quân Israel được trang bị giống hệt Mỹ.
Israel đặt mua dòng F-35 lần đầu vào tháng 9/2008 với số lượng 25 chiếc với mức giá 200 triệu USD cho mỗi máy bay. Sau một năm, giá được giảm đáng kể xuống còn hơn 100 triệu USD/chiếc. Tới tháng 10/2014, Israel đồng ý tăng gấp đôi đơn hàng F-35 lên 50 phi cơ.
Khác với các quốc gia đặt mua F-35, Israel đưa ra đòi hỏi được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào chiếc siêu tiêm kích. Tel Aviv khẳng định họ liên tục ở trong tình trạng xung đột quân sự, đòi hỏi phi đội F-35 phải có nhiều điểm vượt trội về công nghệ và khả năng hậu cần.
Nhà sản xuất Lockheed Martin chấp nhận yêu cầu, cho ra đời phiên bản riêng cho Israel với tên gọi F-35I "Adir" (Người vĩ đại) dựa trên biến thể F-35A cho không quân Mỹ. Israel trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên máy bay F-35.
Một trong những công nghệ then chốt trên F-35I là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel tự phát triển, với khả năng lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay, nhưng không tương tác với hệ thống máy tính của F-35I. Từ đó, hệ thống C4I chuyển thông tin cho các khí tài khác, đặc biệt là các tiêm kích, thông qua đường truyền dữ liệu (data link) để giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công các mục tiêu của đối phương.
Công nghệ C4I đặc biệt cần thiết trong bối cảnh Israel gặp phải sự đe dọa lớn từ pháo phản lực. Chỉ riêng lực lượng dân quân Hezbollah bị Tel Aviv coi là khủng bố cũng sở hữu 150.000 quả đạn rocket, đủ để tấn công toàn bộ đất nước này. Điều đó đòi hỏi Israel nhanh chóng thu thập dữ liệu về địa điểm phóng, xử lý thông tin và đưa ra danh sách mục tiêu ưu tiên tiêu diệt. Quá trình này chỉ có thể tiến hành một cách hiệu quả với hệ thống C4I.
Trang bị vũ khí cho F-35I phần lớn sẽ là sản phẩm do Israel tự sản xuất. Máy bay có thể mang bom dẫn đường SPICE 1000 nội địa thay cho bom JDAM. SPICE là cụm thiết bị dẫn đường gắn ngoài bom tương tự JDAM, nhưng được trang bị cả hệ thống dẫn đường vệ tinh và đầu dò quang - điện tử.
SPICE sẽ biến các quả bom thông thường Mk. 83 thành bom dẫn đường. Ngoài ra, phi công có thể tự dẫn bom đến mục tiêu hoặc ra lệnh hủy, thay vì dựa hoàn toàn vào hệ thống định vị vệ tinh như JDAM. Bom trang bị SPICE 1000 có tầm ném 100 km, với độ lệch mục tiêu chỉ khoảng ba mét.
F-35I cũng sẽ mang tên lửa đối không dùng đầu dò hồng ngoại Python-5, thay cho mẫu AIM-9X Sidewinder của Mỹ. Khả năng khóa sau phóng (LOAL) của tên lửa này giúp nó triển khai từ khoang vũ khí trong thân F-35I và tự khóa mục tiêu sau khi rời bệ phóng. Các tên lửa đối không đời cũ thường đòi hỏi phi công khóa và bám bắt mục tiêu trước khi phóng, điều khó có thể thực hiện với tên lửa giấu trong thân.
Không quân Israel cũng yêu cầu Lockheed Martin bổ sung khả năng mang hai thùng dầu phụ loại 1.600 lít cho phiên bản Adir, giúp tăng 36% lượng dầu và tầm hoạt động của máy bay. Việc đeo thùng dầu phụ có thể làm chiếc F-35I mất khả năng tàng hình trước radar. Tuy nhiên, một nguồn tin quân đội Israel cho biết thùng dầu gắn ngoài sẽ chỉ được sử dụng đầu chuyến bay, giai đoạn chưa đòi hỏi yếu tố tàng hình. Chúng sẽ được vứt bỏ khi chiếc F-35I bắt đầu tham chiến.
Bom Mk. 83 được trang bị bộ dẫn đường SPICE-1000. Ảnh: Wikipedia.
Quan chức không quân Israel cho biết lực lượng này sẽ nhận từng lô tiêm kích F-35I với giãn cách vài tháng, phi đội đầu tiên sẽ đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào tháng 10/2018. Tel Aviv dự kiến sở hữu hai phi đội F-35I đầy đủ trong giai đoạn 2021-2022. Với việc loại biên hàng trăm chiếc F-15 và F-16 đời đầu, Israel chắc chắn sẽ đặt thêm ít nhất hai đơn hàng mua tiêm kích F-35I, đặc biệt là khi giá bán giảm xuống mức dự kiến 85 triệu USD/chiếc.
Israel có thể không chỉ dừng lại ở phiên bản dựa trên mẫu F-35A. Năm 2015, có thông tin cho rằng nước này cân nhắc việc mua biến thể F-35B dành cho thủy quân lục chiến Mỹ, nổi bật với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng. Trong trường hợp nổ ra xung đột, các lực lượng thù địch có thể dùng tên lửa để vô hiệu hóa toàn bộ sân bay của Tel Aviv. Phiên bản F-35B cho phép không quân Israel phân tán tiêm kích tới các địa điểm bí mật, sau đó dùng bãi đáp trực thăng và đường cao tốc làm đường băng dã chiến.
Phiên bản F-35I được cho là vượt trội hoàn toàn so với các biến thể khác. Với tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Adir có thể nổi bật theo cách riêng, đó là trở thành những chiếc tiêm kích F-35 đầu tiên tham chiến thực tế, giống mẫu F-15A cách đây 40 năm, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.