Sức mạnh của “pháo đài bay” B-52
Một trong những vũ khí được Mỹ tự hào, coi là “bất khả xâm phạm” trong chiến dịch này, đó chính là “pháo đài bay” B-52. Vậy sức mạnh của B-52 được sử dụng cho chiến dịch Linebacker II như thế nào?
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. Qua 8 lần cải tiến, Mỹ đã sản xuất tổng cộng 744 chiếc B-52 và hiện nay B-52 vẫn nằm trong trang bị của lực lượng máy bay ném bom chiến lược.
B-52 được vận hành bởi tổ bay 6 người. Nó có sải cánh 56,39m, chiều dài 49,05m, chiều cao 12,4m. Tốc độ tối đa của B-52 là 960km/h, tốc độ trung bình là 820km/h, trần bay tối đa 16,765km, trần bay thông thường từ 10km – 13km. Tầm bay đạt 12km với B-52G và 16km với B-52H.
Khả năng mang theo vũ khí của B-52 cũng là điều đáng nói, bởi nó có thể mang 18-30 tấn bom, 12-20 quả tên lửa hành trình ALEM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20mm hoặc 1 pháo 20mm 6 nòng.
Ngoài ra, B-52 được trang bị nhiều thiết bị tác chiến điện tử như: Máy gây nhiễu tích cực, thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại... B-52 có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu, nếu được tiếp dầu còn có thể bay xa hơn.
Khi mới ra đời, B-52 được quảng cáo rùm beng, như: Siêu pháo đài bay, pháo đài bay thượng đẳng, thần tượng của Không lực Hoa Kỳ, sản phẩm hội tụ những thành tựu kỳ diệu nhất của nền công nghiệp hàng đầu thế giới, thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ… Rồi nào là: “B-52 trút bom như mưa. Tiếng bom rơi xé không khí, gầm rít ghê rợn như giông bão. Một phi vụ B-52 có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn. Một tốp 3 chiếc B-52 sẽ biến một diện tích hơn 2km2 thành bình địa… không một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới sức công phá ghê gớm của bom B-52. Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, khiếp đảm về tinh thần, bởi vì họ cảm thấy hoàn toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của B-52 mà họ không có cách gì chống đỡ nổi”.
Ngoài ra, B-52 luôn được một hàng rào máy bay tiêm kích vây quanh bảo vệ. Mỗi khi đi ném bom, B-52 thường bay theo đội hình lớn, tối thiểu là mỗi tốp 3 chiếc, trung bình là 6 tốp với 18 - 21 chiếc, cao nhất có thể lên tới 31 - 33 tốp với 93 đến 105 chiếc. Đi kèm theo B-52 là một lực lượng rất đông máy bay F-4 hộ tống, trước, sau và hai bên sườn, cách B-52 từ 18 đến 20km, tạo thành “hàng rào không thể chọc thủng”, chặn đứng mọi sự tấn công của máy bay khác, để bảo vệ cho đội hình B-52.
Thêm nữa, khi vào đánh phá miền Bắc nước ta, B-52 hoàn toàn bay đêm để loại trừ mọi khả năng quan sát bằng những ống kính nhìn xa từ các đài quan sát ở mặt đất của các trận địa pháo tầm cao và khả năng phát hiện trực tiếp của phi công ta.
Huy động tổng lực sức mạnh quân sự
Trong chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã huy động 1.192 máy bay các loại và nhiều vũ khí trang bị khác. Cụ thể, máy bay B-52 gồm 193 chiếc, trong tổng số 400 chiếc. Như vậy, số B-52 được huy động cho chiến dịch xấp xỉ 50% tổng số máy bay B-52 của toàn nước Mỹ. Không quân chiến thuật gồm 999 chiếc/3.043 chiếc, bằng 32,8% tổng số máy bay chiến thuật của Mỹ. Tàu sân bay 6 chiếc.
Ngoài ra, Mỹ còn sử dụng hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và nhiều loại máy bay phục vụ khác như: Máy bay gây nhiễu từ xa; máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật; máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7. Cường độ tấn công và số lượng bom đạn được sử dụng cho cuộc tập kích đường không chiến lược trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 lớn nhất so với các cuộc tiến công đường không trước đó.
Cũng theo Trung tướng, phi công Nguyễn Đức Soát, Mỹ đã rất tự tin khi cho rằng, với hệ thống nhiễu dày đặc hoàn toàn, B-52 có thể vô hiệu hóa được hệ thống tên lửa phòng không của Việt Nam. Lực lượng có thể uy hiếp trực tiếp máy bay chiến lược B-52 chỉ còn là các máy bay Mig.
Bởi thế, để khống chế ngay từ đầu hoạt động của không quân ta, những chiếc máy bay "cánh cụp, cánh xòe" F-111 được giao nhiệm vụ đến trước B-52, bay thật thấp để tránh ra-đa phát hiện rồi bất ngờ lao vào ném bom các sân bay. Trong quá trình chiến dịch, cả ngày lẫn đêm, nhiều tốp máy bay chiến thuật F-111, F-105, F-4, A-6 được sử dụng để chế áp các trận địa ra-đa, cao xạ, tên lửa bằng bom và bằng hỏa tiễn không đối đất, nhằm tiêu diệt lực lượng phòng không của ta; đồng thời, tiếp tục đánh phá các sân bay, nhất là các đường băng cất hạ cánh.
Sức mạnh chính của không quân chiến lược Mỹ trong đợt tập kích này không chỉ ở tính chất ồ ạt của lực lượng lớn máy bay B-52 và các loại máy bay khác, mà còn là hệ thống gây nhiễu cực mạnh, trong cùng một lúc tác động lên mọi dải tần số của ra-đa, khiến cho ra-đa của ta hoàn toàn mất mục tiêu. Nhiễu điện tử đã trở thành thủ đoạn chủ yếu nhất của không quân Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm.
Ngoài ra, chúng còn gây nhiễu giả B-52, với cách thức những chiếc F-4 hoặc F-111 bay thành từng tốp, cùng bay thăng bằng, tốc độ ổn định ở độ cao xấp xỉ 10km giống như B-52. Đặc biệt là 4 chiếc trong từng tốp bay sát gần nhau cùng phát nhiễu, tạo thành một dải nhiễu to trên màn hiện sóng khiến cho các trắc thủ của ta tưởng lầm đó là nhiễu B-52.
Nguy hiểm không kém là những chiếc máy bay F-4, F-105 chuyên làm nhiệm vụ chế áp trận địa phòng không còn được trang bị những quả đạn tên lửa không đối đất mang tên “Sơ-rai” hoặc “Xten-đa” vô cùng lợi hại. Loại tên lửa này hoạt động theo nguyên tắc “tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ”, khi bắt được cánh sóng của ra đa sẽ theo trục cánh sóng lao thẳng xuống đài ra-đa của ta. Thực tế chiến đấu trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 đã cho thấy, nhiễu điện tử, tên lửa "sơ rai" đã gây rất nhiều khó khăn cho Bộ đội PK-KQ.
Khi đó, Lầu Năm góc tuyên bố: “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra-đa của Bắc Việt; có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương”,… “giờ đây không quân Mỹ có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt Nam như đi dạo chơi vào chỗ trống”, “B-52 là bất khả xâm phạm”, “B-52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết, hoặc do trục trặc kỹ thuật, chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của Bộ đội PK-KQ Bắc Việt”…