Ấn Độ gia nhập nhóm cường quốc vũ khí không gian

Tên lửa đạn đạo Ấn Độ thực hiện vụ thử nghiệm Ảnh: Cục Thông tin báo chí Ấn Độ/Reuters
Tên lửa đạn đạo Ấn Độ thực hiện vụ thử nghiệm Ảnh: Cục Thông tin báo chí Ấn Độ/Reuters
TP - Ấn Độ vừa bắn hạ một trong các vệ tinh của nước này trong khu vực Quỹ đạo tầm thấp của trái đất với một tên lửa vũ trụ, theo lời thủ tướng Narendra Modi. Đây là lần đầu tiên New Delhi thử nghiệm thành công tên lửa không gian, một đột phá của công nghệ quân sự của Ấn Độ.

Sự kiện này giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sử dụng vũ khí chống vệ tinh sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, theo lời ông Modi.

“Các nhà khoa học của chúng tôi đã bắn hạ một vệ tinh đang bay cách trái đất 300km, thuộc Quỹ đạo tầm thấp của trái đất”, ông Modi nói trên truyền hình.

Quỹ đạo tầm thấp của trái đất là khoảng không gian cách trái đất từ 160-2000km. Các loại vũ khí chống vệ tinh được sử dụng để bắn hạ vệ tinh của đối phương, làm mù chúng hoặc làm gián đoạn liên lạc. Nhưng công nghệ này còn là nền tảng để chế tạo tên lửa đạn đạo đánh chặn.
Bộ tư lệnh chiến lược quân đội Mỹ đang theo dấu hơn 250 mảnh vỡ từ vụ thử tên lửa của Ấn Độ và sẽ ban hành “các thông báo liên tục cho đến khi các mảng vỡ đi vào  bầu khí quyển của trái đất”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá  Dave Eastburn được Reuters dẫn lời.

Theo ông Eastburn, trước khi thực hiện vụ thử, Ấn Độ đã ban hành khuyến cáo về an toàn đối với máy bay qua lại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ hy vọng mọi quốc gia “có thể nghiêm túc bảo vệ sự bình yên và tĩnh lặng của khoảng không vũ trụ”. Nga chưa đưa ra bình luận gì.

Pakistan, quốc gia “kẻ thù truyền kiếp” của Ấn Độ, nói không gian vũ trụ là “di sản chung của nhân loại, và mọi quốc gia có trách nhiệm tránh các hành động có thể dẫn đến quân sự hóa khu vực này”.

Căng thẳng bùng phát trong tháng trước giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sau một loạt đụng độ ở khu vực tranh chấp Kashmir.

Ấn Độ trong nhiều năm đã đầu tư vào chương trình không gian, cung cấp dịch vụ ảnh và phóng vệ tinh giá rẻ để đối chọi với các loại hình tương tự của phương Tây. Họ đã thực hiện một cuộc thám hiểm chi phí thấp lên sao Hỏa vào năm 2014 và có kế hoạch lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ vào năm 2022. Hiện nay tuy đã có công dân của 39 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam, vào vũ trụ, nhưng mới chỉ có ba nước là Mỹ, Liên Xô (sau là Nga) và gần đây nhất là Trung Quốc thực hiện đưa người vào vũ trụ.

Năm 2008, Ấn Độ thực hiện vụ thám hiểm mặt trăng với tàu Chandrayaan-1.
Theo chính phủ Ấn Độ, vụ thử nghiệm mới nhất, được thực hiện từ một đảo ngoài khơi phía đông Ấn Độ, nhằm mục tiêu bảo vệ các tài sản của đất nước trong không gian trước sự tấn công của nước ngoài.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, một tên lửa đạn đạo đánh chặn do Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng chế tạo đã được sử dụng để thực hiện việc bắn hạ vệ tinh.

Năm 2007, Trung Quốc đã  thực hiện một vụ bắn hạ vệ tinh, tạo ra một đám mây mảnh vỡ trong quỹ đạo lớn nhất trong lịch sử, với hơn 3.000 vật thể. Chính vụ thử nghiệm của Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ phát triển năng lực chống vệ tinh, theo lời Ajay Lele, nhà nghiên cứu thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng có trụ sở ở New Delhi.

Các nhà khoa học quốc phòng Ấn Độ đã tìm cách thuyết phục giới chính trị gia cho phép thực hiện vụ thử nhưng nhiều chính phủ tiền nhiệm đã cản trở việc này vì e ngại cộng đồng quốc tế lên án, một quan chức quốc phòng Ấn Độ nói.

Brahma Chellaney, một chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) nói Mỹ, Nga và Trung Quốc đã và đang theo đuổi vũ khí không gian.

“Không gian vũ trụ đang biến thành một chiến trường, khiến năng lực phòng thủ, phản công trong không gian trở nên cấp thiết”, chuyên gia Chellaney nói.

Mỹ thực hiện vụ thử hỏa tiễn chống vệ tinh đầu tiên vào năm 1959, khi vệ tinh là thứ còn rất mới mẻ. Trong những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô thử nghiệm một loại vũ khí được phóng vào quỹ đạo, tiếp cận vệ tinh của kẻ thù và phá hủy chúng với một liều thuốc nổ. Năm 1985, Mỹ thử nghiệm tên lửa ASM-135, được phóng đi từ tiêm kích F-15, phá hủy một vệ tinh của Mỹ có tên Solwind P78-1.



MỚI - NÓNG